Tăng cường hợp tác với các nước thành viên trong việc đưa người lao

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) di chuyển lao động trong AEC và những cơ hội, thách thức cho việt nam (1) (Trang 96 - 100)

lao động di chuyển nội khối

Để tạo điều kiện tích cực tham gia vào di chuyển lao động nội khối và tăng cường các dòng di chuyển, Chính phủ Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác lao động với các nước thành viên ASEAN, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần tích cực hợp tác trao đổi lao động với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là tập trung vào việc xây dựng các cam kết chung về lao động.

Với việc ký tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, đây được coi là thành tựu lớn được vun đắp từ quá trình không ngừng nỗ lực và phấn đấu của ASEAN trong suốt gần nửa thế kỷ qua, trong đó có Việt Nam. Trong những năm sắp tới, Việt Nam càng cần phải đẩy mạnh hợp tác trao đổi với các nước thành viên ASEAN hơn nữa, trong đó tập trung vào việc tiếp tục duy trì và xây dựng mới các cam kết chung về di cư lao động giữa Việt Nam và các nước thành viên nhằm phù hợp hơn nữa với tình hình thực tế.

Việt Nam cần chủ động thực thi Tuyên bố Cebu về lao động di chuyển và Tuyên bố ASEAN về An sinh Xã hội bằng kế hoạch cụ thể và chính sách phù hợp. Tuyên bố Cebu về lao động di chuyển kêu gọi các nước phái cử và tiếp nhận lao động “tăng cường việc làm tốt, nhân văn, có hiệu quả, có phẩm giá và trả công thỏa đáng cho lao động di chuyển” theo luật pháp trong nước. Điều quan trọng là giải quyết được “những quan ngại về tính hợp pháp” của nước tiếp nhận và giải quyết được vấn đề kìm hãm việc thực thi tuyên bố này của ASEAN trong khi kết nối được những chính sách của các nước với nguyên tắc của Tuyên bố. Như vậy, Nhà nước cần rà soát lại luật pháp điều chỉnh hành vi của cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài và người lao động nước ngoài ở Việt Nam để có những điều chỉnh theo hướng công bằng và đảm bảo lợi ích xứng đáng cho người lao động dưới điều tiết của thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đưa ra những chính sách quy định

về việc đối xử với người lao động di chuyển, kêu gọi sự cam kết cùng thực hiện với tất cả các nước ASEAN khác.

Tuyên bố ASEAN 2013 về An sinh Xã hội tái khẳng định cam kết của các nước thành viên về việc xây dựng một cộng đồng ASEAN có trách nhiệm về mặt xã hội và hướng tới con người bằng cách xây dựng sàn an sinh xã hội của các nước trong khu vực và công nhận quyền của lao động di chuyển cũng như các nhóm dễ bị tổn thương khác để họ “tiếp cận bình đẳng với an sinh xã hội vốn là quyền con người cơ bản và dựa trên cách tiếp cận theo quyền/nhu cầu và theo vòng đời”. Đây là một vấn đề còn rất yếu ở Việt Nam và đặc biệt là còn thiếu những thỏa thuận thực hiện an sinh xã hội dành cho người lao động di chuyển. Việt Nam cần phải xây dựng chính sách an sinh xã hội chung cho người lao động, từ đó, áp dụng cho người lao động nước ngoài ở Việt Nam và người lao động Việt Nam ở nước ngoài trong khuôn khổ vừa tự chủ động thực hiện, vừa cố gắng đàm phán để ký kết hợp tác với các nước mà trước mắt là những nước nhận người lao động Việt Nam tới làm việc.

Trong khuôn khổ của việc tăng cường các cam kết chung, việc cải thiện thông tin, nghiên cứu và phân tích thị trường lao động cũng là việc làm rất cần thiết trong cộng đồng ASEAN. Hỗ trợ kỹ thuật trong khu vực nên tập trung vào việc đảm bảo cung cấp thường xuyên, ít nhất là hàng năm, dữ liệu về thị trường lao động theo giới với tất cả các nước thành viên ASEAN. Trong đó nên bao gồm những chỉ số so sánh theo định nghĩa quốc tế - cải thiện cách đo lường những khác biệt về tiền lương và kỹ năng và tăng cường thông tin về giới tính, tình trạng phi chính thức và bất bình đẳng, thất nghiệp trẻ và lao động di chuyển. Dữ liệu cung cấp cũng cần giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp khu vực tư nhân và phải được chia sẻ giữa các nước cũng như giữa khu vực công và tư để thúc đẩy nghiên cứu và phân tích dựa trên chứng cứ về những tác động của thị trường lao động AEC.

Việt Nam cũng cần nhận thức sâu sắc về hoạt động “Đối thoại ba bên”. Đối thoại ba bên trong khu vực cũng hỗ trợ cải thiện hệ thống giám sát AEC và thiết kế cũng như thực thi các chính sách thị trường lao động bổ trợ cho các chính sách kinh tế và thương mại. Thực hiện điều này cần có sự phối hợp với khu vực tư nhân và các tổ chức của người lao động về những tác động tiềm năng của AEC đối với

doanh nghiệp và người lao động. Cần tham vấn rộng hơn, có nhiều hội đồng doanh nghiệp hiệu quả hơn, và có sự tham gia nhiều hơn từ khu vực tư nhân và các tổ chức của người lao động, bao gồm cả những tổ chức của phụ nữ và thanh niên, trong quá trình ra quyết định, điều này sẽ mang lại lợi ích đáng kể.

Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường ký kết trao đổi song phương với các nước thành viên, cụ thể:

Việt Nam đã chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Để tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết 8 thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs). Theo đó cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực. Đặc biệt sau ngày 31/12/2015, khi AEC đã được thành lập, mới chỉ có 8 ngành nghề mà lao động được di chuyển tự do trong nội khối các nước ASEAN là kế toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Trình độ được chấp thuận là cao đẳng, đại học trở lên. Đây là cơ hội để lao động Việt Nam tự do sang các nước ASEAN nhưng bên cạnh đó vẫn có những thách thức, đó là lao động các nước cũng vào làm việc tại Việt Nam. Do đó thị trường lao động sẽ có những cạnh tranh hết sức gay gắt giữa lao động Việt Nam trong từng lĩnh vực với lao động các nước cũng trong lĩnh vực ấy. Để có thể giải quyết được vấn đề nêu trên thì bản thân Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng khác như Bộ Lao động xã hội cùng các Bộ ngành liên quan phải phối hợp với nhau để làm sao phát huy được cơ hội và hạn chế những thách thức cho lao động Việt Nam, đặc biệt là tiếp tục tăng cường hợp tác song phương giữa các nước trong cộng đồng ASEAN với Việt Nam, cụ thể:

Đối với Indonesia, lãnh đạo hai nước cần nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục tăng cường, thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, lâu dài và ổn định giữa hai nước; nhất trí giao cho các Bộ, ngành xây dựng Chương trình hành động để tiếp tục triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Việt nam và Indonesia về Khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ 21. Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo cần tiếp tục nhất trí nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới vì hoà bình, ổn định và phát

triển, nhằm tạo động lực cho sự phát triển toàn diện giữa Việt nam và Indonesia, trong đó bao gồm cả các hợp tác về lao động.

Việt Nam và Philippines đã nhất trí chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ Đối tác Chiến lược sẽ phát huy và tăng cường các cơ chế hợp tác song phương hiện có, vậy vấn đề đặt ra là chính phủ hai quốc gia cần hiện thực hóa các thỏa thuận đã ký kết và tìm kiếm những cơ hội mới nhằm làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Đây cũng chính là căn cứ quan trọng thúc đẩy việc trao đổi lao động giữa hai quốc gia trong các thoả thuận đã được ký kết.

Với Singapore, phương hướng hợp tác trong thời gian tới đối với Việt Nam đó là cần tiếp tục triển khai Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21 và Hiệp định khung về kết nối Việt Nam - Singapore. Theo đó, hai bên sớm lập Ban chỉ đạo chung để thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Các lĩnh vực kết nối cũng cần được xem xét để mở rộng thêm (ngoài 6 lĩnh vực đã cam kết là tài chính, đầu tư, thương mại-dịch vụ, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo) là cảng-kho vận và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Ngoài ra, Singapore cũng cam kết giúp Việt Nam xây dựng các trung tâm đào tạo giáo viên tiếng Anh nhằm nâng cao chất lượng về ngôn ngữ cho lao động của Việt Nam.

Đối với Thái Lan, dự thảo MOU về hợp tác lao động giữa Việt Nam và Thái Lan cũng như dự thảo Thỏa thuận về tuyển dụng nhân công đã được các ban ngành liên quan hai nước nghiên cứu từ cuối năm 2014 và khẩn trương hoàn tất trong vài tháng qua, vì vậy Việt Nam cũng cần phải nỗ lực hơn nữa để cùng với Thái Lan triển khai những thoả thuận này. Theo nghị quyết trong phiên họp nội các Thái Lan vào cuối tháng 7/2015, phía Thái Lan sẽ mở cửa thị trường cho lao động Việt Nam trong hai ngành nghề là xây dựng và ngư nghiệp. Nội dung dự thảo Bản ghi nhớ về hợp tác lao động cũng như dự thảo Thỏa thuận về tuyển dụng nhân công đề cập Thái Lan tiếp nhận lao động Việt Nam, cơ chế hợp tác lao động, cơ chế bảo hộ quyền lợi cũng như phát triển kỹ năng ngành nghề cho lao động Việt Nam. Vào được thị trường lao động Thái Lan, Việt Nam sẽ là nước thứ tư được Thái Lan tiếp nhận lao động phổ thông và cũng là nước đầu tiên không có biên giới bộ với Thái

Lan được nước này tiếp nhận lao động phổ thông theo các thỏa thuận song phương. Việc mở cửa thị trường lao động với Việt Nam sẽ giảm bớt sức ép về thiếu hụt nhân công tại Thái Lan, tạo thuận lợi cho việc hợp thức hóa lao động Việt Nam tại Thái Lan và tạo kênh lao động hợp pháp cho lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc.

Về quan hệ với Myanmar, lãnh đạo hai nước cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh, tiềm năng như thủy sản, dầu khí, thông tin - truyền thông, sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu, du lịch. Phía Myanmar cũng đã có thông báo Chính phủ nước này đang xem xét cấp giấy phép cho BIDV mở chi nhánh ngân hàng tại Myanmar trong đợt xét duyệt và cuối năm 2015 để tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Myanmar, và bản thân Myanmar cũng đã ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tại Myanmar, trong đó có FPT, Viettel, VinaCapital, PVEP, đây cũng là cơ hội thuận lợi cho Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) di chuyển lao động trong AEC và những cơ hội, thách thức cho việt nam (1) (Trang 96 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)