Tận dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất lao động
Di chuyển lao động có kỹ năng sang những quốc gia có trình độ công nghệ tiên tiến là cơ hội để người lao động học hỏi, tiếp cận những khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất. Tận dụng những thế mạnh của mình là cần cù, chịu khó, ham học hỏi, người lao động Việt Nam sau quá trình xuất khẩu lao động sang các nước, sẽ đem những kỹ năng tích lũy được trong sản xuất tại các nước có khoa học phát triển về Việt Nam, đồng thời có khả năng làm chủ được những dây chuyền sản xuất hiện đại được chuyển giao tại quê hương mình, từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động cho quá trình sản xuất tại Việt Nam. Một khi năng suất gia tăng, tận dụng thế mạnh về lực lượng lao động dồi dào, quá trình chuyên môn hóa trong sản xuất sẽ góp phần gia tăng thu nhập GDP cho Việt Nam.
Thêm vào đó, với mục tiêu bù đắp những thiếu hụt lao động chất lượng cao tại các ngành nghề yêu cầu trình độ chuyên môn cao, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội trong việc thu hút dễ dàng hơn những lao động có trình độ chuyên môn cao tại 8 ngành nghề các thành viên ASEAN đã thừa nhận, ví dụ: bác sỹ từ Singapore, kỹ sư từ Malaysia, Philippines...để tham gia vào chuỗi sản xuất tại Việt Nam, góp phần bổ sung, chuyển giao những kiến thức, công nghệ cao, cải thiện trình độ ứng dụng khoa học vào sản xuất còn yếu kém tại Việt Nam, từ đó nâng cao năng suất lao động cho nền kinh tế.
Tận dụng lượng kiều hối vào phát triển kinh tế
Chỉ trong 20 năm từ năm 1993 - năm 2013, lượng kiều hối chuyển về từ lao động của nước ngoài tăng gấp 100 lần, từ 140 triệu USD lên 11 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 3 châu Á về thu hút kiều hối. Khoản kiều hối này hàng năm được chuyển một phần sang các hoạt động đầu tư, mà cụ thể là những dự
án bất động sản, hạ tầng bài bản, chuyên nghiệp và quy mô rộng lớn, góp phần nâng cao năng suất lao động thông qua việc kết hợp, chuyển giao khoa học công nghệ từ các nước tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp kéo dài của thị trường lao động Việt Nam. Từ đó, cũng đóng góp vào thu nhập quốc dân hàng năm thông qua nguồn đóng thuế từ các doanh nghiệp. Không những vậy, lượng kiều hối về Việt Nam cũng giúp hệ thống ngân hàng Trung ương độc lập trong dự trữ ngoại tệ, giảm thiểu sự phụ thuộc của nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam cũng như sức ép của tỷ giá đồng đôla Mỹ, góp phần cân đối cán cân thanh toán thương mại. Như vậy, có thể thấy, di chuyển lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng tay nghề cao với mức thu nhập vượt trội hơn hẳn lao động phổ thông trước đó, sẽ góp phần hơn nữa đẩy luồng kiều hối di chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Tận dụng những ưu đãi từ các nước nhận lao động để cải thiện đời sống người lao động
Đối với các quốc gia có nhu cầu ngày càng gia tăng về lao động có trình độ, họ sẵn sàng đưa ra những chính sách đãi ngộ vô cùng hấp dẫn cho người lao động liên quan đến lương và điều kiện sống. Ví dụ, người lao động nước ngoài làm việc tại Singapore dễ dàng hơn trong việc lưu trú dài hạn và trở thành công dân Singapore. Ngoài ra, họ cũng được đề nghị những gói học bổng nghiên cứu, nâng cao tay nghề, có cơ hội nâng cao mức sống thông qua thu nhập hấp dẫn và những ưu đãi liên quan đến thuế thu nhập cá nhân. Một ví dụ khác liên quan đến Malaysia, người lao động có thể sống và làm việc tại quốc gia này lên đến 10 năm, có thể linh hoạt di chuyển sang các công ty/tổ chức khác mà không hề có ràng buộc, người lao động được tạo điều kiện đưa vợ/chồng và con cái dưới 18 tuổi qua Malaysia học tập và sinh sống... Đây là những chính sách thu hút lao động chất lượng cao khá hiệu quả của các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ, kinh tế phát triển. Nếu người lao động Việt Nam tham gia vào dòng di chuyển lao động sang các nước này, biết tận dụng những ưu đãi cho cá nhân và gia đình, đời sống của người lao động sẽ được cải thiện đáng kể. Không những thế, sau khi hết hạn hợp đồng lao động, người lao động về lại Việt Nam sẽ trở thành nguồn lao động chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Di chuyển lao động sang các nước làm đa dạng hóa văn hóa - xã hội
Người lao động khi di chuyển đến một quốc gia khác, trong môi trường sống và làm việc khác nhau, với nền văn hóa, nếp suy nghĩ và phong cách làm việc khác nhau, họ sẽ có xu hướng học tập, hài hòa nếp sống để hòa nhập dễ dàng với công việc. Đối với những quốc gia có nền kinh tế phát triển, phong cách làm việc chuyên nghiệp, nếp sống văn minh sẽ ảnh hưởng đến người lao động. Và khi người lao động quay trở về nước, những nếp sống, nếp làm ấy vẫn sẽ duy trì góp phần cải thiện tác phong làm việc cho người lao động còn nhiều hạn chế hiện nay tại Việt Nam.