Chính sách tỷ giá luôn là một chính sách vĩ mô rất quan trọng bởi phạm vi tác động lớn, khó lường trước và thường phải đánh đổi giữa nhiều mục tiêu vĩ mô. Trên thực tế thường có quá nhiều mục tiêu được đặt ra cho chính sách tỷ giá, trong khi đó các công cụ thực thi chính sách và dư địa thực hiện chính sách lại khá hạn hẹp. Việc giảm giá đồng nội tệ có thể thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra trong những điều kiện nhất định. Lựa chọn một chế độ tỷ giá hối đoái phù hợp để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng dài
hạn cũng như ổn định cho hoạt động trên thị trường ngoại hối được coi là một ưu tiên trong quản trị kinh tế hiện nay.
Phá giá đồng nội tệ có thể hỗ trợ xuất khẩu, nhưng mức độ đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào tỷ trọng hàng nhập khẩu trong hàng hóa xuất khẩu, một đồng bản tệ quá yếu sẽ gây nên lạm phát và bong bóng tài sản, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Vấn đề quan trọng là phải tăng lợi nhuận xuất khẩu và tạo việc làm một cách liên tục, nhưng không nên lệ thuộc vào điều chỉnh tỷ giá, những yếu tố khác của tăng trưởng kinh tế có thể bù cho bất cứ sự sụt giảm nào của xuất khẩu.
Không có một cơ chế tỷ giá hối đoái nào là tối ưu trong mọi trường hợp. Nhưng thực tế cho thấy, giữ được tỷ giá ổn định dựa trên việc tìm kiếm thường xuyên sự cân đối tối ưu giữa tính chất tự thân thị trường với sự can thiệp nhà nước là điều kiện tốt cho tăng trưởng kinh tế trong từng thời kỳ nhất định. Vì vậy, chính sách tỷ giá ngày càng được nhiều nước lựa chọn là sự điều chỉnh tỷ giá có tính mềm dẻo, linh hoạt một cách thận trọng thích ứng với những biến động dựa trên quan hệ cung cầu thị trường có sự điều tiết tích cực của nhà nước.