6. Bố cục của luận văn
1.2.10. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường
Luật Quốc tế về môi trường đã đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của các quốc gia.
Luật Quốc tế đã nêu ra tổng thể các nguyên tắc, quy phạm quốc tế để điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa quốc gia và tổ chức quốc tế về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
Từ hội nghị quốc tế về “Môi trường và con người” tổ chức năm 1972 tại Stockholm, Thuỵ điển và sau hội nghị thượng đỉnh Rio 1992, Brazil đã có rất nhiều văn bản luật quốc tế được soạn thảo và ký kết có đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường
Việc phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp trên thế giới thường đi theo hai con đường: tập trung và phân quyền. Lựa chọn thứ hai thường được sử dụng nhiều hơn trong quản lý môi trường do tận dụng tốt hơn các hiểu biết và nguồn lực của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, cũng có khi phải cần tới tiếp cận tập trung hóa, nhất là các chương trình tập trung ở cấp độ quốc gia.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia sử dụng một hệ thống trách nhiệm song hành, theo đó trách nhiệm chính thuộc về chính quyền ở các bang, song chính phủ vẫn duy trì thẩm quyền và trách nhiệm song hành và có thể can thiệp nếu như hoạt động của bang không đáp ứng được các tiêu chuẩn định sẵn. Các tiêu chuẩn này được ban hành bởi một cơ quan có tên gọi là Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (U.S. Environmental Protection Agency - EPA), bao trùm cả ba khía cạnh thẩm quyền, nguồn lực và con người. Đây là cơ quan có thẩm quyền toàn diện nhất về các vấn đề môi trường ở Mỹ, chịu trách nhiệm ban hành các tiêu chuẩn môi trường quốc gia và đảm bảo sự thực thi của các đạo luật về môi trường. Cơ quan này cũng có thể can thiệp vào hoạt động của chính quyền các bang trong một số trường hợp nhất định. Mặt khác, cơ quan này cũng hỗ trợ cho chính quyền các bang về mặt nhân sự và trang thiết bị, và phối hợp chặt chẽ với các bang trong việc phát triển các ưu tiên công việc và các vấn đề có liên quan khác.
Cơ chế song hành trách nhiệm với vai trò trọng tâm của một cơ quan của Hoa Kỳ bộc lộ một số ưu điểm như nâng cao chất lượng quản lý do đảm bảo sự hiện diện ở cấp quốc gia và các tiêu chuẩn tối thiểu; hỗ trợ cho các khả năng về mặt kĩ thuật từ EPA, đảm bảo sự thống nhất trong phạm vi cả nước; tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các bang do hiệu quả từ các chương trình được báo cáo lại; cũng như chia xẻ được các gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, vấn đề chính đối với cơ chế này là trách nhiệm song song dễ dẫn tới sự chồng chéo, lãng phí nỗ lực do bị trùng lặp và những nhầm lẫn về vai trò của các bên. Trong nỗ lực để tăng cường sự cộng tác giữa các cơ quan, năm 1984 một ủy ban được thành lập để đề ra chính sách phối hợp giữa các cơ quan, trong đó làm rõ vai trò của EPA như một cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá và can thiệp nếu cần. Báo cáo hàng năm về hoạt động của EPA và
các bang sẽ được ủy ban này xem xét. Vì thế, EPA đóng vai trò rất quan trọng cho hoạt động quản lý chung của quốc gia.