Hoàn thiện các quy định về đánh giá tác động môi trường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường ở việt nam (Trang 82 - 85)

6. Bố cục của luận văn

3.2.2. Hoàn thiện các quy định về đánh giá tác động môi trường

Trong thời gian qua, công tác Đánh giá tác động môi trường (ĐMT) đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu hoàn thiện nhằm đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới của Việt Nam.

Việc hoàn thiện các quy định về đánh giá tác động môi trường nhằm tạo sự thông thoáng cho môi trường đầu tư nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu của công tác BVMT. Để hoàn thiện các quy định này cần thực hiện những biện pháp sau:

Thứ nhất,tiến hành nghiên cứu tổng thể về thực trạng ĐTM của Việt Nam thông qua hoạt động rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá các điều kiện, nguồn lực thực hiện; hệ thống hóa những tồn tại, khó khăn thách thức, những bài học kinh nghiệm từ các sự cố môi trường trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu, tham khảo hệ thống ĐTM của một số nước trên thế giới đã áp dụng thành công.

Thứ hai, tiến hành sửa đổi các quy định về ĐTM cho cả 3 cấp độ là Luật, Nghị định, Thông tư, trong đó định hướng công tác ĐTM, khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức và tiếp cận hài hòa với các quy định quốc tế, cụ thể: (i) Về lâu dài cần nghiên cứu xây dựng Luật ĐTM riêng như một số nước trên thế giới đã làm; (ii) Sàng lọc, phân chia thành các nhóm dự án tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm, phức tạp về khía cạnh môi trường; từ đó, quy định rõ phạm vi, quy trình, các bước/khâu ĐTM và mức độ chi tiết của báo cáo ĐTM đối với từng nhóm dự án. Đối với các dự án có quy mô lớn, nhạy cảm về môi trường, nên quy định hai bước thực hiện ĐTM: ĐTM sơ bộ để sàng lọc dự án (trên cơ sở vị trí, công suất, công nghệ đề xuất) và ĐTM chi tiết khi có thiết kế của dự án; (iii) Xác định phạm vi về không gian của ĐTM là vùng xem xét, đánh giá hiện trạng, tác động môi trường và không bị giới hạn bởi ranh giới hành chính của dự án; (iv) Nâng cao chất lượng công tác tham vấn cộng đồng theo hướng công khai thông tin cho chính quyền, nhân dân địa phương, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, các đơn vị, cá nhân quan tâm và lắng nghe, tiếp thu ý kiến của họ về dự án, về các vấn đề môi trường và xã hội trong quá trình ĐTM; công tác tham vấn cộng đồng thậm chí cần được tiến hành nhiều lần (tối thiểu là 2 lần) đối với nhóm các dự án quy mô lớn, nhạy cảm về môi trường; (v) Quy định rõ phạm vi, vai trò, thời hiệu của văn bản thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM (Quyết định phê duyệt hoặc Giấy phép môi trường hoặc phương án khác); (vi) Nghiên cứu xây dựng các quy định cụ thể đối với việc kiểm tra, giám sát công tác BVMT cho tất cả các giai đoạn của dự án (chuẩn bị, xây dựng, vận hành thử nghiệm, vận hành thương mại, đóng cửa dự án), trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bên từ chủ dự án đến các cơ quan quản lý môi trường các cấp và có sự tham gia của chính quyền, nhân dân địa phương; (vii) Xây dựng quy định về kinh phí lập ĐTM, hệ thống chứng chỉ hành nghề dịch vụ ĐTM; (viii) Nghiên cứu cơ chế về ký quỹ BVMT trước khi dự án vận hành thử nghiệm đối với các đầu tư lớn, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn rủi ro, sự cố môi trường. Số tiền ký quỹ được xác định trong báo cáo ĐTM; (ix) Đề xuất khung pháp lý để giải quyết cho

các trường hợp khi dự án có thay đổi về phạm vi, quy mô, công suất, thời gian tồn tại hay các thay đổi khác của dự án.

Thứ ba,xây dựng quy trình kỹ thuật ĐTM, đề xuất cấu trúc, nội dung của báo cáo ĐTM cho từng danh mục dự án; Xây dựng quy trình kiểm tra, xác nhận công tác BVMT theo từng giai đoạn của dự án và theo các cấp độ khác nhau; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật thẩm định báo cáo ĐTM, hình thành bộ tiêu chí thẩm định ĐTM thông qua việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Cần xem mỗi ĐTM là tập hợp các nghiên cứu chuyên sâu về các thành phần môi trường vật lý, sinh thái, văn hóa, kinh tế, xã hội; về khoa học dự báo và công nghệ môi trường… Như vậy mỗi ĐTM đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều thành phần chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm. Ngoài ra, hội đồng thẩm định phải gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và được đào tạo bài bản về ĐTM..

Thứ tư, sàng lọc và quyết định đầu tư dự án trên cơ sở thấm nhuần quan điểm phát triển bền vững - phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội từ chủ đầu tư cho đến các cấp có thẩm quyền. Xóa bỏ quan điểm xem ĐTM là một thủ tục hành chính để được cấp phép hoặc chấp thuận đầu tư, thay vào đó, cần xác định rằng ĐTM là công cụ khoa học - kỹ thuật - pháp lý, là một trong những căn cứ quan trọng để đi đến quyết định đầu tư hay không đầu tư dự án hoặc phải thay đổi phương án khác cho dự án. Theo đó, từng dự án phải được xem xét kỹ các yếu tố chi phí - lợi ích, chẳng hạn như dự án đó sẽ đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách nhà nước, thu hút được bao nhiêu việc làm, tổn thất môi trường khi hoạt động bình thường và khi xảy ra sự cố. Về môi trường và xã hội, cần nghiên cứu, tính toán tính cụ thể các yếu tố: (i) Ô nhiễm, dự báo các rủi ro, sự cố và tác động đến môi trường; (ii) Các chất độc và nguy hại; (iii) Các nơi cư trú tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; (iv) Tài sản văn hóa vật thể; (v) Các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp; (vi) Các nhóm dễ bị tổn thương; (vii) Chiếm dụng đất và tái định cư; (viii) Sức khỏe và an toàn của công nhân.

Công khai hóa các quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình giám sát thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường. Đây là các yêu cầu mới của Luật Bảo vệ môi trường

năm 2014 đòi hỏi phải được hướng dẫn cụ thể trong tất cả các văn bản quy định việc đánh giá tác động môi trường. Hầu hết các văn bản hiện hành quy định về đánh giá tác động môi trường đều chưa có nội dung này, thông tin trong quá trình đánh giá tác động môi trường cũng như quá trình chấp hành cam kết bảo vệ môi trường hầu như vẫn “được giữ kín” giữa cơ quan nhà nước với chủ dự án đầu tư. Chính vì thế, trong thời gian tới, toàn bộ các quy định về đánh giá tác động môi trường trong các văn bản hiện hành đều phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng bổ sung cơ chế đảm bảo tính công khai hóa, dân chủ hóa quá trình đánh giá tác động môi trường.

Chủ thể thực hiện giải pháp này ở cấp Trung ương chính là Bộ TN&MT, các Bộ/ngành khác có liên quan nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐTM.

Để thực hiện được các giải pháp này cần dựa trên cơ sở đề xuất của các Bộ/ngành và các cơ quan khác có liên quan.

Nếu thực hiện được tốt giải pháp này thì Việt Nam sẽ hoàn thiện các quy định về đánh giá tác động môi trường để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đồng thời vẫn đảm bảo việc bảo vệ môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường ở việt nam (Trang 82 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)