Xu hướng thương mại điện tử di động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng quản trị nguồn lực doanh nghiệp (enterprise resource planning – ERP) của một số doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng tại hoa kỳ (Trang 80 - 82)

6. Bố cục của luận văn

3.1.1. Xu hướng thương mại điện tử di động

Thương mại di động (m-commerce) sẽ là xu hướng tất yếu của thương mại điện tử với nhiều ứng dụng sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, và xu hướng phát triển của hệ thống ERP cho các doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng đó. Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng có rất nhiều cơ hội với điện thoại di động, và đặc biệt là tận dụng điện thoại di động trong các cửa hàng để tạo ra một số trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng trong môi trường lưu trữ. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển chiến lược cá nhân hóa vượt ra ngoài e-mail để các doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng có thể cung cấp trải nghiệm cá nhân hấp dẫn cho khách hàng ở mọi điểm tiếp xúc với thương hiệu của doanh nghiệp.

"Custora E-Commerce Pulse Mobile Report", xuất bản bởi Custora (một nền tảng phân tích tiên đoán cho Thương mại điện tử), đã khảo sát cách thức ngày càng tăng của người tiêu dùng sử dụng các thiết bị di động góp phần vào sự tăng trưởng bùng nổ trong thị trường thương mại điện thoại di động. Báo cáo đã phân tích dữ liệu từ hơn 100 nhà bán lẻ, 70 triệu khách hàng và 10 tỷ đô la doanh thu giao dịch. Dưới đây là một số kết quả chính (enVista, 2014):

- Từ năm 2010, thị trường thương mại di động ở Mỹ đã tăng từ 2,2 tỷ đô la Mỹ lên 42,8 tỷ đô la vào năm 2013.

- Trong bốn năm qua, tỷ lệ lưu lượng truy cập vào các trang web Thương mại Điện tử từ thiết bị di động đã tăng từ 3% lên 37%.

- Người mua sắm thiết bị chéo là phân khúc khách hàng nhỏ nhưng đang phát triển - tính đến quý 1 năm 2014,12% người mua sắm trực tuyến mua hàng trên nhiều thiết bị, chỉ tăng 4% trong năm 2012.

Tại Việt Nam, xu hướng thương mại di động cũng là nhận định của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử khi nói đến xu hướng thương mại điện tử trong thời gian sắp tới. Các doanh nghiệp đều nhìn nhận thương mại di động sẽ là xu hướng phát triển tại Việt Nam do người tiêu dùng đang sử dụng nhiều thiết bị di động nên việc mua sắm thông qua những thiết bị di động cũng tăng theo. Hiện nay, giá trị giao dịch hàng hóa bằng điện thoại chiếm gần 60% tổng giá trị giao dịch của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử. Các doanh nghiệp đang kỳ vọng con số này sẽ vượt qua mốc 80% trong năm 2020. Ông Trần Hải Linh – Tổng Giám đốc Sàn thương mại điện tử Sendo.vn cho biết, tổng đơn hàng đặt qua các thiết bị di động đạt khoảng 45%. Năm 2016, số đơn hàng thông qua di động trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn có thể vượt qua con số 60% (Lữ Ý Nhi, 2017).

Với xu hướng này, doanh nghiệp thương mại điện tử đang tập trung xây dựng website tương thích với smartphone, máy tính bảng (mobile site), phát triển ứng dụng di động (mobile app), giúp cho các website thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, website khuyến mãi trực tuyến tiếp cận dễ dàng hơn với đông đảo người tiêu dùng.

Đây là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng đẩy mạnh tham gia vào thương mại điện tử di động bởi Việt Nam là nước đang có cấu trúc dân số trẻ, tỉ lệ người dùng Internet chiếm hơn một nửa dân số, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh không ngừng tăng cao, góp phần hỗ trợ rất nhiều cho ngành thương mại điện tử phát triển, đặc biệt trong mảng chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Bên cạnh đó, việc đô thị hóa ngày càng cao cũng mang đến cơ hội lớn để các doanh nghiệp, nhà cung cấp mở rộng thị trường và tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Thương mại điện tử di động cũng chính là một trong những chiến lược phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng. Sự gia tăng mô hình bán lẻ đa kênh bên cạnh những cửa hàng truyền thống sẽ cho phép mở rộng đến nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Nền tảng trực tuyến và di động chính là giải pháp hữu hiệu trong việc thiết lập và thực hiện chiến lược phát triển thương mại điện tử của các doanh nghiệp bán lẻ. Hơn nữa, điều này còn cho phép thương hiệu bắt kịp những trào lưu mới trên nền tảng di động, cũng như tiếp cận đến khách hàng mục tiêu tốt hơn nữa.

Tính đến hết năm 2015, Việt Nam hiện có 35 triệu người sử dụng điện thoại thông minh, một nửa trong số này thường xuyên tìm kiếm thông tin mua hàng thông qua di động và 27% người dùng đã từng đặt hàng qua di động. Những con số này cho thấy, thương mại điện tử trên nền tảng di động đang là xu hướng phát triển mạnh tại Việt Nam và năm nay được nhận định là năm bùng nổ của thương mại di động.

Theo Google Việt Nam, trong năm 2016, lượng tìm kiếm thông tin, đặc biệt là các mảng thời trang, phụ kiện, sách, điện gia dụng trên di động cũng đã vượt qua máy tính cá nhân. Ông Trần Hữu Linh, Nguyên Cục trưởng Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương, cho biết: “Trong ngày mua sắm trực tuyến gần đây của Bộ Công thương tổ chức, có tới 40% người đặt hàng qua các thiết bị di động, và con số này ngày càng tăng khi mà thiết bị di động ngày càng rẻ, chất lượng mạng 3G, 4G ngày càng tốt, sóng wifi rất phổ biến. Do đó, tiềm năng và sự phát triển của thương mại điện tử trên thiết bị di động là xu hướng tất yếu và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong doanh thu của thương mại điện tử nói chung của thị trường” (Lệ Quyên, 2016).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng quản trị nguồn lực doanh nghiệp (enterprise resource planning – ERP) của một số doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng tại hoa kỳ (Trang 80 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)