3.2 Giải pháp hoàn thiện hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng
3.2.1 Cải cách cơ cấu bộ máy quản trị rủi ro
Mục tiêu hoạt động của khối quản trị rủi ro là soạn thảo và đưa ra khuyến nghị cho Hội đồng quản trị phê duyệt chiến lược, chính sách quản trị rủi ro, đảm bảo mức độ rủi ro chấp nhận phù hợp với lợi nhuận kỳ vọng của cổ đông. Để hoàn tất mục tiêu trên, cơ cấu tổ chức của khối quản trị rủi ro phải đáp ứng những yêu cầu sau:
- Độc lập khỏi chức năng kinh doanh;
- Được đứng đầu bởi một thành viên Ban Điều hành không chịu trách nhiệm về kinh doanh hoặc các trách nhiệm khác ngoài quản trị rủi ro;
- Chịu trách nhiệm trực tiếp với Hội đồng quản trị;
Trách nhiệm, quyền hạn của Khối quản trị rủi ro tín dụng:
- Thiết lập khung thống nhất toàn hàng để đo lường, giám sát và đánh giá các rủi ro có thể lượng hóa. Ngân hàng TMCP Phương Đông ghi nhận một thực tế là phương pháp đánh giá rủi ro mặc dù đã được hướng dẫn trên quy mô toàn ngân hàng, nhưng đây chỉ là những hướng dẫn mang tính định hướng, chưa đưa ra các chuẩn mực cụ thể và rủi ro chưa được lượng hóa hoàn toàn. Nhiệm vụ của khối rủi ro là nghiên cứu và đưa ra các mô hình, hướng dẫn để lượng hóa rủi ro và thường xuyên cập nhật những kỹ thuật rủi ro tiên tiến trên thế giới. Chịu trách nhiệm đo lường, giám sát và đánh giá rủi ro. Khối quản trị rủi ro tín dụng một mặt thiết kế các thước đo rủi ro, một mặt phải chịu trách nhiệm sử dụng những thước đo để đo lường, đánh giá rủi ro. Ngoài ra, khối rủi ro phải luôn đảm bảo các quy trình quản trị rủi ro mà họ đưa ra luôn được tuân thủ trên toàn hệ thống. Đảm bảo tính hiệu quả, thực thi của các phương pháp, thước đo rủi ro tín dụng. Các phương pháp, thước đo rủi ro không mang tính bên vững với thời gian do nó bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh doanh, môi trường kinh tế. Do vậy,
chúng cần thiết phải được thường xuyên đánh giá, rà soát và chỉnh sửa cho phù hợp.
- Giám sát lợi nhuận sau điều chỉnh rủi ro của các đơn vị kinh doanh. Mặc dù tách biệt hẳn với khối kinh doanh, song khối rủi ro lại chính là đơn vị phải đánh giá lợi nhuận sau điều chỉnh rủi ro của các đơn vị kinh doanh. Khối quản lý rủi ro phải đảm bảo lợi nhuận sau điều chỉnh rủi ro phù hợp với kỳ vọng của ngân hàng, nói cách khác là của các cổ đông của ngân hàng.
- Đảm bảo mức độ rủi ro tín dụng luôn ở trong giới hạn rủi ro cho phép của ngân hàng, Như đã đề cập ở trên, chiến lược rủi ro của ngân hàng là kim chỉ nam cho hoạt động tín dụng. Dựa trên khẩu vị rủi ro, các giới hạn được đặt ra trong hoạt động tín dụng. Nhiệm vụ của khối rủi ro là luôn luôn đảm bảo mức độ rủi ro thực tế không vượt quá mức rủi ro mà ngân hàng sẵn sàng gánh chịu. Một khi mức độ rủi ro vượt quá giới hạn cho phép, có nghĩa là nhà đầu tư của ngân hàng hoặc là đòi hỏi mức lợi nhuận cao hơn hoặc là không chấp nhận đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, nếu mức độ rủi ro quá thấp, đồng nghĩa với lợi nhuận thu được không đúng theo kỳ vọng của nhà đầu tư. Do vậy, mức độ rủi ro cho phép luôn là mục tiêu giám sát của khối quản trị rủi ro.
- Đảm bảo các quy định, quy trình quản trị tín dụng được tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình cấp tín dụng. Một trong những công cụ của quản trị rủi ro đó là những quy định về hạn mức và các bước thực hiện trong quá trình cấp tín dụng. Một khi các chuẩn mực này được tuân thủ nghiêm ngặt, rủi ro của ngân hàng sẽ luôn nằm trong giới hạn đặt ra.
- Đảm bảo toàn bộ các sản phẩm, dịch vụ mới được rà soát rủi ro tín dụng trước khi triển khai trên toàn hệ thống. Hoạt động ngân hàng tài chính là một trong những loại hình kinh doanh luôn tạo ra sự đổi mới trong các sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, mỗi khi ra đời một loại sản phẩm, dịch vụ tài chính nào đó, những rủi ro có thể xảy ra là điều luôn luôn phải được quan tâm. Hơn thế nữa, đánh giá rủi ro của sản phẩm, dịch vụ mới cũng góp phần định hướng cho việc
giám sát rủi ro này phải được thực hiện bởi khối quản trị rủi ro trước khi triển khai sản phẩm, dịch vụ mới.
- Đảm bảo luồng báo cáo rủi ro được thông suốt, minh bạch, phản ánh đầy đủ những rủi ro ngân hàng đang gánh chịu. Báo cáo rủi ro là một công cụ quản trị rủi ro cơ bản. Một khi hệ thống báo cáo không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng thông tin, tính kịp thời, tính đầy đủ, quản trị rủi ro sẽ là một công việc hết sức khó khăn và hiệu quả thấp.
- Chịu trách nhiệm đưa ra quyết định tín dụng trên cơ sở thẩm định rủi ro, đảm bảo tính độc lập, khách quan với bộ phận quan hệ khách hàng. Đây cũng là một nguyên tắc được khuyến nghị bởi ủy ban Basel II “quyết định tín dụng phải được đưa ra bởi ít nhất 2 người, và một người trong số đó nhất thiết phải là cán bộ rủi ro”.