Lao động nữ được an toàn sức khỏe qua quyền được chăm sóc sức khỏe. Đây là quyền quan trọng, ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế. Tại Điều 12 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ghi nhận: Các quốc gia thành viên công ước công nhận quyền của mọi người đạt tới một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức có thể được. Quyền được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ, bao gồm cả dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, quyền được hưởng bảo hiểm xã hội, đặc biệt trong các trường hợp về hưu thất nghiệp, đau ốm tàn tật, tuổi già và các tình trạng mất khả năng lao động khác cũng như quyền được nghỉ phép có hưởng lương, quyền được bảo vệ sức khỏe và đảm bảo an toàn lao động, kể cả bảo vệ chức năng sinh sản. CEDAW là công ước về quyền con người duy nhất xác nhận và khẳng định quyền được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bao gồm cả việc tiếp cận các phương pháp kế hoạch hóa gia đình của phụ nữ. Đây là một trong những công ước quốc tế được phê chuẩn rộng rãi nhất, nhận được sự hưởng ứng của
toàn thế giới, nó phản ánh những tiêu chuẩn mang tính quy phạm thích hợp với các quyền của phụ nữ.
Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho LĐN, Luật lao động của các nước đều xác định chế độ làm việc và thời gian nghỉ hợp lý. Nhìn chung, các nước hạn chế thời gian làm việc ở mức tối đa, hạn chế làm thêm giờ, hạn chế làm đêm. Theo tiêu chuẩn quy định tại Hiến chương của ILO độ dài làm việc trong khoảng từ 40h đến 48h, cá biệt có một số nước phát triển quy định từ 35 đến 40h/tuần. Trong khoảng thời gian của ngày làm việc, pháp luật còn quy định thời gian nghỉ giải lao bắt buộc được tính vào giờ làm việc, thời gian nghỉ theo tuần, nghỉ hàng năm không chỉ để bảo vệ sức khỏe mà còn giải quyết hài hòa quan hệ lao động và các quan hệ khác của cuộc sống. Giới hạn làm đêm thường được quy định giao động xung quanh thời điểm từ 12h đêm đến 5h sáng tùy theo điều kiện từng nước phù hợp với nhịp độ sinh học bình thường và giữ sức khỏe cho người lao động. ILO còn cho rằng không nên sử dụng LĐN làm đêm trong công nghiệp trừ những trường hợp bất khả kháng do yêu cầu kĩ thuật hoặc học việc.
1.2.4.2. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của lao động nữ
Quyền được đảm bảo về danh dự, nhân phẩm là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, chấm dứt khi cá nhân đó chết. Có thể nói danh dự, nhân phẩm là những giá trị trừu tượng, khó xác định và không thể định giá được bằng tiền. Tuy nhiên, nó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần của con người nói chung, LĐN nói riêng. Người lao động trước hết là con người nên họ cần thiết được pháp luật bảo vệ trước những nguy cơ về sức khỏe, an toàn tính mạng cũng như danh dự nhân phẩm trong môi trường làm việc. Điều 42 Luật Lao động Lào năm 2007 yêu cầu người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm bảo đảm nơi làm việc, máy móc thiết bị quy trình sản xuất an toàn không nguy hiểm cho sức khoẻ người lao động; có biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động như cung cấp nước uống sạch và sử dụng nước, phòng tắm, nhà vệ sinh, quán giải khát và phòng thay đồ cho công nhân; đối với doanh nghiệp sử dụng từ 50 lao động trở lên phải có cán bộ y tế thường trực làm nhiệm chăm sóc và điều trị cho người lao động. Điều 157 BLLĐ của Philipin buộc người sử dụng lao động phải cung cấp dịch vụ miễn phí cho
người lao động bất kỳ địa điểm dịch vụ y tế như: dịch vụ y tế chuyên trách khi số lượng người lao động vượt quá 50 người nhưng không quá 200 người; dịch vụ y tá chuyên trách và bán chuyên trách của bác sỹ và nha sỹ và bệnh xá cứu khi số lượng lao động trên 200 nhưng dưới 300.
Điều 12 Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người quy định: Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy. Bảo vệ danh dự nhân phẩm của LĐN được thể hiện qua việc chống lại mọi sự xúc phạm đến người lao động đảm bảo chủ sử dụng lao động phải tôn trọng họ. Tại Công ước số 29 và Công ước số 105 của ILO nhấn mạnh các công ty hoặc Hiệp hội tư nhân không được cưỡng bức lao động. Điều 6 Luật Tiêu chuẩn lao động của Hàn Quốc quy định: người sử dụng lao động không được cưỡng bức người lao động làm việc bằng dùng bạo lực, đe dọa giam giữ hoặc các biện pháp khác nhằm hạn chế quyền tự do về tinh thần và thể chất của họ. Theo khoản 1 Điều 2 của Công ước số 29 thì lao động cưỡng bức là tất cả các công việc hay dịch vụ do một người bất kỳ thực hiện dưới sự đe dọa bằng hình phạt và người phải thực hiện công việc hay dịch vụ đó không tự nguyện làm. Điều 42 Luật Lao động Lào năm 2007 yêu cầu người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm bảo đảm nơi làm việc, máy móc thiết bị quy trình sản xuất an toàn không nguy hiểm cho sức khoẻ người lao động; có biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động như cung cấp nước uống sạch và sử dụng nước, phòng tắm, nhà vệ sinh, quán giải khát và phòng thay đồ cho công nhân; đối với doanh nghiệp sử dụng từ 50 lao động trở lên phải có cán bộ y tế thường trực làm nhiệm chăm sóc và điều trị cho người lao động.
Xuất phát từ quyền tự do lựa chọn việc làm người lao động được tự nguyện xác định công việc của mình trong mối liên hệ với nhiều yếu tố khác, LĐN luôn được tôn trọng danh dự nhân phẩm, không ai có quyền xúc phạm đến thân thể và tinh thần của họ. Trong quan hệ lao động họ là đối tác bình đẳng, người sử dụng lao động phải tôn trọng và bình đẳng với đối tác. Nếu LĐN vi phạm kỉ luật thì người sử dụng lao động cũng không được dùng nhục hình và các hình thức khác xâm phạm
đến thân thể, danh dự của họ. Nếu LĐN tham gia đình công hoặc có những hành vi gây thiệt hại cho công ty thì chủ sử dụng vẫn phải đối xử đúng đắn với họ. Tại Điều 11 Khuyến nghị chung số 19 của CEDAW nhấn mạnh: Bình đẳng việc làm có thể tổn hại nghiêm trọng khi phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới, chẳng hạn như quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cũng theo Khuyến nghị số 19 thì: Quấy rối tình dục bao gồm hành vi được xác định về tình dục không được hoan nghênh như động chạm thân thể, theo đuổi tán tỉnh, những nhận xét mang màu sắc tình dục, đưa ra văn hóa phẩm khiêu dâm và đòi hỏi tình dục lời nói hay hành động. Cách ứng xử như vậy có thể làm nhục phụ nữ, có thể gây ra một vấn đề về an toàn sức khỏe, nó mang tính chất phân biệt đối xử khi người phụ nữ có các cơ sở đáng để tin rằng sự phản đối của mình sẽ gây bất lợi cho bản thân về vấn đề việc làm, kể cả việc thăng tiến, hoặc khi cách cư xử như vậy tạo ra môi trường thù địch ở nơi làm việc.
Theo ILO, quấy rối tình dục ảnh hưởng xấu đến bình đẳng giới ở nơi làm việc. Năng suất lao động của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi hành vi này làm xấu đi các quan hệ lao động. Chính vì vậy, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới cũng coi quấy rối tình dục như một vấn đề nghiêm trọng mà người lao động có thể gặp phải ở nơi làm việc. Cuộc khảo sát được thực hiện ở Trung Quốc năm 2009 cho thấy cứ 1 trong năm 5 lao động được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Nước Mỹ chỉ trong năm 2007 cũng nhận được hơn 12.500 đơn tố cáo về quấy rối tình dục liên quan đến công việc. Trong khi đó, theo nghiên cứu gần đây ở Thụy Sỹ thì một nửa số người lao động ở nước này có khả năng bị quấy rối tình dục ở công sở. Kết quả nghiên cứu về quấy dối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ILO thực hiện năm 2012 đã nhận định quấy rối tình dục đang trở nên phổ biến và đó là thách thức xã hội cần giải quyết. Do sợ bị mất việc làm và xấu hổ nên phần lớn nạn nhân đều im lặng, có người muốn tố cáo nhưng không biết cách thức vì các văn bản pháp lý hướng dẫn thực thi về thủ tục giải quyết và trách nhiệm pháp lý, các biện pháp xử phạt không rõ ràng.
Trong quan hệ lao động, quyền của LĐN được pháp luật ghi nhận trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Xét mối tương quan thì LĐN luôn ở vị trí yếu
thế và phụ thuộc; LĐN phải trực tiếp tiến hành và tham gia vào hoạt động sản xuất, đối mặt với những rủi ro, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe. LĐN phải chịu sự điều hành, quản lý từ người sử dụng, do nguyên nhân về sức ép năng xuất lao động và có thể do biến hóa suy đồi về đạo đức của người sử dụng, LĐN phải làm việc trong điều kiện không an toàn, bị xúc phạm danh dự nhân phẩm, quấy rối tình dục nên việc bảo vệ quyền nhân thân cho LĐN là cần thiết.