Bảo đảm, bảo vệ quyền con người nói chung và bảo đảm, bảo vệ quyền của lao động nữ được thực hiện ở cấp độ toàn cầu, ở khu vực và ở từng quốc gia. Do các quyền con người rất phong phú và những vi phạm quyền rất đa dạng, được thực hiện bởi nhiều loại chủ thể (Nhà nước, các pháp nhân và cá nhân) nên việc bảo vệ và thúc đẩy quyền đòi hỏi có sự tham gia của nhiều dạng chủ thể (cá nhân, cộng đồng, tổ chức phi chính phủ, cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế…) thông qua nhiều biện pháp, từ phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đến theo dõi, giám sát và xử lý những hành vi vi phạm về quyền…
Bảo vệ và không ngừng nâng cao các quyền của LĐN là một quá trình không thể tách rời với thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và chính trị bởi chúng có mối quan hệ biện chứng. Mặt khác, thực hiện quyền của LĐN không thể không căn cứ vào điều kiện lịch sử cụ thể của từng nước. Bất kỳ cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người nói chung và quyền của LĐN nói riêng đều không thể là sản phẩm ngẫu nhiên mà là sản phẩm của các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa hoặc là sản phẩm của các hoàn cảnh lịch sử nhất định. Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành và hoạt động của của các cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền lao động còn có cơ sở pháp lý quốc tế và khu vực như Hiến chương Liên hiệp quốc, các công ước quốc tế….cơ sở pháp lý quốc gia như Hiến pháp, Luật, Văn bản dưới Luật và các thiết chế như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân,…trong đó cơ sở pháp lý quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng nhất. Nó là cơ sở chủ yếu và trực tiếp nhất xây dựng cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền của LĐN. Nếu chưa có cơ sở này thì cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền LĐN cũng khó có thể thi hành được.
Hiện nay, hoạt động của tổ chức chính trị xã hội cũng tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, kiến nghị chính sách, tham gia các hoạt động giám sát thực thi chính sách, tham gia ký kết các thỏa ước lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, đấu tranh chống phân biệt, đối xử bình đẳng giới….Các hội nghề nghiệp, hiệp hội kinh tế cũng có vị trí vai trò quan trọng tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị, luật pháp tác động đến hoạt động bảo vệ quyền của người lao động. Ngoài ra, các yếu tố về truyền thông, sự tham gia phản biện của các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và tiếng nói của người lao động cũng góp phần vào quá trình hình thành bảo đảm, bảo vệ quyền của LĐN.
Văn hoá, xã hội truyền thống cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc xây dựng, thực hiện và bảo vệ quyền của LĐN. Đặc biệt là phong tục tập quán dư luận xã hội, môi trường sống…có ảnh hưởng chi phối đến các quan hệ lao động qua đó tác động đến việc xây dựng pháp luật và đến lượt mình với những đặc trưng của quan hệ lao động mang tính dân chủ công bằng tác động đến việc hình thành và phát triển môi trường văn hoá lành mạnh trong lao động có ý nghĩa đem lại sự công bằng cho LĐN. Những yếu tố hình thành nên tư tưởng trọng nam, xem thường nữ ẩn sâu trong tâm lý, suy nghĩ không chỉ của chính người lao động và chủ sử dụng mà còn ở chính những người làm công tác quản lý, bảo vệ pháp luật làm rào cản đến việc bảo vệ quyền của LĐN.
Trình độ nhận thức về quyền của người lao động không chỉ đặt ra trong vấn đề thụ hưởng quyền của LĐN mà nó ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền của lao động nữ. Vì vậy, những cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo vệ người lao động và chính người sử dụng lao động, LĐN phải có trình độ nhận thức về quyền của LĐN tốt thì quyền của LĐN mới được bảo đảm, bảo vệ hiệu quả. Việc phân biệt đối xử bắt nguồn từ bằng cấp, giới tính, tuổi tác, tầng lớp xuất thân và diện mạo cũng bắt nguồn từ văn hóa và phong tục tập quán và ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sử dụng lao động nữ, cơ hội thăng tiến cũng như trả thù lao không công bằng cho LĐN.