sinh con và nuôi con nhỏ
Các chế độ hưởng thai sản đối với LĐN được pháp luật quy định chủ yếu tại BLLĐ 2012, Luật BHXH năm 2014: LĐN khi sinh con được nghỉ trước và sau sinh là 6 tháng (so với quy định trước đây đã tăng 2 tháng). Trước thời gian sinh con, người LĐN có thể được nghỉ sinh tối đa không quá 02 tháng (Khoản 1 Điều 157 Bộ Luật lao động 2012). Đây là điểm tiến bộ đảm bảo sức khỏe của bà mẹ và trẻ em sơ sinh, tạo điều kiện cho những LĐN có sức khỏe yếu sau khi sinh con hoặc con yếu có thêm thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi cơ thể và chăm sóc con. Đồng thời theo Khoản 4 Điều 157 Luật BHXH năm 2014, trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại Khoản 1 nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, LĐN có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, LĐN vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Ở khía cạnh bảo vệ sức khỏe sinh sản của LĐN, tại Điều 37 Luật BHXH 2014 quy định: “1. Khi đặt vòng tránh thai người lao động được nghỉ 7 ngày. 2. Khi thực hiện biện pháp triệt sản người lao động được nghỉ việc 15 ngày. 3. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần”. Cụ thể, về trường hợp người LĐN bị sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai lưu, pháp luật quy định họ được hưởng trợ cấp 10 ngày nếu thai dưới 1 tháng, 20 ngày nếu thai từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, 40 ngày nếu thai từ 3 tháng đến dưới 6 tháng, 50 ngày nếu thai từ 6 tháng trở lên. Thời gian
nghỉ việc hưởng chế độ trong trường hợp sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết và ngày nghỉ hằng tuần. Những quy định này giúp người LĐN có thời gian nghỉ ngơi, nhanh chóng phục hồi sức khỏe, sớm ổn định cơ thể để thực hiện các vai trò của mình.
Tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 quy định LĐN trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ: Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của LĐN và khả năng của người sử dụng lao động; Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để LĐN nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động. Quy định này giúp phụ nữ hoàn thành tốt vai trò làm mẹ và tạo tâm lý thoải mái hơn khi làm việc.
Ngoài ra, theo Điều 34 Luật BHXH 2014 thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: 05 ngày làm việc; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp mẹ tham gia bảo
hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 31 của Luật này mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại Khoản 4 Điều này thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Luật BHXH 2014 quy định người cha được hưởng bảo hiểm thai sản phù hợp với các khuyến nghị của ILO và pháp của nhiều nước trên thế giới khuyến khích các bậc làm cha tham gia nhiều hơn trong và sau quá trình con chào đời. Việc công nhận quyền làm cha của nam giới cũng như trách nhiệm của họ phải san sẻ việc nhà và chăm sóc gia đình (những công việc không được trả lương) sẽ giúp xóa bỏ những quan điểm xã hội truyền thống và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và tại gia đình.
Đối chiếu các quy định của BLLĐ 2012 và Luật BHXH thì trên thực tế nhiều doanh nghiệp thờ ơ, không quan tâm đến thời gian được nghỉ ngơi của LĐN mang thai và nuôi con nhỏ, có những doanh nghiệp chưa nắm được những ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐN nhưng cũng không ít doanh nghiệp cố tình vi phạm quyền làm mẹ của LĐN. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc, thủy sản, thời gian làm việc lên tới 12 - 14 h/ngày, khoảng 600 đến 1000 h/năm, vượt xa mức quy định theo pháp luật. Năm 2012, 76% LĐN phải làm thêm giờ, thời gian làm thêm giờ tùy thuộc vào khối lượng công việc có thể lên tới 2- 5 h/ngày. Một thực trạng đặt ra, buộc LĐN phải làm thêm giờ là để đủ công, tăng thu nhập, bởi mức lương tối thiểu của họ không cao, nhất là đối với LĐN có trình độ phổ thông.
Có thể thấy rằng, về cơ bản Luật BHXH đã quy định chế độ thai sản và chế độ nghỉ chăm sóc con ốm của người LĐN được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là phù hợp, mang lại ý nghĩa thiết thực giúp LĐN giỏi việc nước, đảm việc nhà. Theo
Báo cáo tổng kết năm 2011 và nhiệm vụ năm 2012 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì trong năm 2011 bảo hiểm xã hội đã giải quyết chế độ ốm đau và chế độ thai sản cho khoảng 2,24 triệu LĐN, tăng 8.5% so với năm 2010 nhưng việc nợ lương và vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của ngưởi sử dụng lao động là rất nhiều. Các doanh nghiệp thường xảy ra tình trạng không nộp bảo hiểm xã hội đúng hạn hoặc kéo dài việc chậm nộp. Nhiều doanh nghiệp còn khai báo số lượng nhân viên thấp hơn thực tế đơn vị sử dụng để khai báo bảo hiểm xã hội hoặc ký hợp đồng 3 tháng với người lao động nhằm trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho họ. Năm 2012 có 5.223.001 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Tính đến ngày 31/8/2013, tổng số nợ Bảo hiểm xã hội là hơn 7.957 tỉ đồng. Năm 2014 cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội lên đến 11.500 tỉ đồng (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Báo cáo thực hiện Luật BHXH, 2014).
Không phải đến bây giờ, tình trạng chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động mới được các cơ quan chức năng khuyến cáo. Hàng chục ngàn lao động trong cả nước đang bị “đóng băng” chế độ, chính sách khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bỏ trốn, “xù” bảo hiểm xã hội. Nhiều chuyên gia quản lý lao động đặt vấn đề tại sao chỉ đến thời điểm thụ hưởng các chế độ an sinh xã hội thì người lao động mới biết bị mình chiếm dụng tiền lương? Do vậy, cần tội phạm hoá hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội như hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, hành vi không đóng đủ cho số người lao động, hành vi không đóng đủ mức bảo hiểm xã hội cho người lao động và hành vi không đóng đúng hạn. Vì lẽ đó, ngày 25/11/2015 Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự 2015 với quy định hai tội danh mới là: “Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp” (Điều 214) và “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” (Điều 216). Với chế tài hình sự nghiêm khắc sẽ góp phần phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền được hưởng chính sách thai sản và chính sách hưu trí cho lao động nữ tốt hơn.
2.1.3. Quyền nhân thân