Thành phố Uông Bí là thành phố với cơ cấu kinh tế dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng, nông lâm thủy sản, Uông Bí đang phấn đấu mục tiêu phát triển đến năm 2020 trở thành thành phố dịch vụ - công nghiệp, xanh - sạch - đẹp, có vai trò quan trọng nằm trong tâm điểm tam giác động lực phát triển miền bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; thành phố Uông Bí có khu di tích danh thắng lịch sử Yên Tử, là trung tâm dịch vụ, du lịch, trung tâm Phật giáo của cả nước; thành phố có bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển là bệnh viện tuyến trung ương, trên địa bàn thành phố có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, do vậy thành phố Uông Bí được coi là trung tâm y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của tỉnh Quảng Ninh.
Kinh tế - xã hội thành phố Uông Bí trong giai đoạn 2012-2017 tiếp tục phát triển tương đối toàn diện; các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với mức bình quân chung cả tỉnh; chỉ số GRDP bình quân đầu người đạt 5.400 USD/người/năm. Chủ động đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm dần , tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ, thương mại. Tốc độ tăng bình quân hàng năm về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 25,3%/năm; Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,6%/năm; giá trị tăng thêm các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch tăng bình quân 15%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đều đạt và vượt so với dự toán tỉnh giao, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên, phục vụ nhiệm vụ chính trị và đầu tư phát triển. Thành phố tiếp tục giữ vững chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Năm 2012, được công nhận chuẩn Quốc gia bốn cấp học hệ công lập, năm 2015 hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở hai xã Điền Công và Thượng Yên Công. Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi
trường, đất đai, đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng. Sự nghiệp văn hóa, xã hội không ngừng được chăm lo và có những tiến bộ mới; các lĩnh vực về việc làm, chính sách xã hội, an sinh xã hội được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,2%/năm, đến hết năm 2017 còn 0,96%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Tiềm lực quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp được nâng cao; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và dịch vụ công được triển khai tích cực, có hiệu quả (Chi Cục Thống kê thành phố Uông Bí, Báo cáo điều tra kinh tế xã hội, 2017).
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Uông Bí, đội ngũ Công nhân viên chức lao động thành phố tiếp tục phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, đa dạng về cơ cấu và có sự dịch chuyển mạnh giữa các thành phần kinh tế.Số lượng công nhân, lao động trực tiếp sản xuất trong các loại hình doanh nghiệp nhìn chung tăng nhưng không đồng đều giữa các ngành, nghề, địa phương và trung ương, chủ yếu tăng ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; đồng thời giảm ở những doanh nghiệp phục vụ ngành than, doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất hoặc giải thể, theo số liệu thống kê những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ngừng hoạt động: Năm 2013 có 4 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, thu hẹp sản xuất kinh doanh; năm 2014 là 6 doanh nghiệp, năm 2015 có 3 doanh nghiệp, năm 2016 có 4 doanh nghiệp, năm 2017 có 2 doanh nghiệp (Liên đoàn Lao động thành phố Uông Bí, Báo cáo tổng kết hoạt động công đoàn, 2017).
Đến hết tháng 11/2017, Liên đoàn Lao động Thành phố quản lý 185 công đoàn và nghiệp đoàn cơ sở; trong đó có 11 công đoàn cơ sở cơ quan xã - phường, 16 công đoàn cơ sở hành chính sự nghiệp, 44 công đoàn cơ sở giáo dục, 307 công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước, 2 công đoàn cơ sở doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, 7 nghiệp đoàn (Liên đoàn Lao động thành phố Uông Bí, Báo cáo tổng kết công đoàn, 2017).
dụng pháp luật bảo vệ quyền lao động nữ
Với những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội như trên có tác động đến thực tiễn áp dụng pháp luật bảo vệ quyền lao động nữ. Với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên, có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn là điều kiện thuận lợi để đảm bảo về việc làm cho người lao động, trong đó có LĐN. Hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, giao thông thuận lợi, hệ thống y tế tốt là điều kiện để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho LĐN nhất là LĐN trong thời kỳ mang thai và thời kỳ đầu sau khi sinh con. Hệ thống tổ chức công đoàn được thành lập ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là điều kiện để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nói chung trong đó có LĐN nói riêng.
Là thành phố tiền thân từ ngành công nghiệp than, điện, đồng thời trong quá trình xây dựng và phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng, nông lâm thủy sản, do đó những tư tưởng phong kiến “trọng nam, kinh nữ” cũng dần được thay đổi. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho LĐN tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội...
Trong những năm qua thực hiện Luật bình đẳng giới và Nghị quyết 11- NQ/TW ngày 27/04/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn thành phố Uông Bí triển khai thực hiện trong tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động đến phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân cả nước, của tỉnh nói chung và của Thành phố Uông Bí nói riêng. Song được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, do đó tạo sự đồng thuận cao trong tầng lớp nhân dân, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực.
Cùng với việc duy trì, ổn định và tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, các cấp ủy Đảng, Chính quyền thành phố Uông Bí tăng cường công tác chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Từ đó tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho chị em phụ nữ tích cực học tập, công tác, phấn đấu vươn lên, tham gia vào các lĩnh vực
hoạt động xã hội, nhiều chị em được tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Thành phố đến xã, phường. Đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ được quan tâm hơn, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định.
Tuy nhiên, bên cạnh đó với đặc điểm dân cư phân bố không đồng đều cũng là một khó khăn cho thành phố Uông Bí trong việc đảm bảo việc làm cho LĐN, nhất là đối với LĐN ở khu vực nông thôn, xa trung tâm. Bên cạnh đó, tình hình đời sống văn hoá xã hội mặc dù đã được chăm lo, cải thiện song có mặt chưa tương xứng với phát triển kinh tế và nhu cầu xã hội, còn thiếu các thiết chế văn hoá lớn. Trình độ, năng lực quản trị của một số doanh nghiệp chưa theo kịp với nhu cầu phát triển của thị trường. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động của một số doanh nghiệp còn chưa nghiêm túc (đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô sản xuất vừa và nhỏ): tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hoặc đóng không đúng mức tiền công, tiền lương làm ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi hàng ngàn lao động; việc giao kết hợp đồng lao động còn chung chung chưa thể hiện hết quyền và nghĩa vụ của mỗi bên; không xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, thang bảng lương, quy chế lương, thưởng; vi phạm thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,... Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội thành phố: Năm 2013 có 21 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với số tiền 6.282.000.000 đồng, đến tháng 10 năm 2017 có 15 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn trực thuộc nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ 397.513.940đ, với 121 công nhân viên chức lao động.