Đẩy mạnh liên kết với các địa phương và các bộ, ngành

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố hải phòng (Trang 29 - 35)

Có nhiều thắc mắc cho rằng tại sao cạnh tranh lại cần phải liên kết và tại sao lại là liên kết trong cạnh tranh. Nếu hiểu cạnh tranh là sự độc lập của các thực thể khác nhau trong việc tổ chức, hoạt động và phát triển thì sẽ phá vỡ đi sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo từ trung ương xuống địa phương. Yếu tố này sẽ được hiểu rõ hơn nếu đặt trong tình huống thực tế, tỉnh A và tỉnh B là hai tỉnh gần nhau và thuộc cùng một khu vực địa lý, có điều kiện tự nhiên tương đồng. Nếu dựa trên giả thuyết này thì các yếu tố về NLCT sẵn có của hai tỉnh là khá giống nhau, chính vì sự tương đồng về lợi thế cạnh tranh sẵn có làm cho tính A hoặc tỉnh B quyết định tạo ra các lợi thế cạnh tranh khác để thu hút đầu tư như ưu đãi vượt khung, vượt quy định cứng của nhà nước – đây được coi là “xé rào”. Điều này làm cho khung chính sách

của nhà nước bị phá vỡ. Vũ Thành Tự Anh (2006) trong một nghiên cứu của mình đã minh chứng cụ thể cho trường hợp này, với giả định mỗi tỉnh có hai lựa chọn hoặc là tuân thủ khung ưu đãi của nhà nước ban hành hoặc là xé rào tạo khung ưu đãi riêng (Vũ Thành Tự Anh, 2006, trang 14-17).

Nhìn vào bảng 1.1 có thể thấy nếu hai tỉnh cùng liên kết, hợp tác và tuân thủ khung ưu đãi chung của nhà nước thì mỗi bên sẽ thu được lợi ích bằng nhau (3,3) và ngược lại nếu cả hai tỉnh cùng xé rào thì kết quả vẫn là lợi ích của hai tỉnh bằng nhau nhưng khi cả hai tỉnh đều tạo ra quá nhiều ưu đãi đồng nghĩa lợi ích của cả hai đều bị giảm sút (1,1). Trường hợp tỉnh A tuân thủ nhưng tỉnh B xé rào thì đương nhiêu tỉnh B sẽ thu hút được đầu tư nhiều hơn theo tỉ lệ (-1,5) và ngược lại.

Bảng 1.1. Bảng mô tả sự hợp tác, liên kết trong cạnh tranh Tỉnh B

Tuân thủ Xé rào

Tỉnh A Tuân thủ A(3), B(3) A(-1), B(5)

Xé rào A(5), B(-1) A(1), B(1)

Như vậy, có thể thấy việc liên kết, hợp tác trong cạnh tranh thực sự là điều cần thiết bởi nó tạo đà phát triển cho cả nền kinh tế quốc gia (3+3=6). Còn việc tạo ưu đãi trong cạnh tranh nhưng bất chấp khung khổ chung có thể tạo lợi thế phát triển cho từng tỉnh. Tuy nhiên, nếu nhìn về tổng thế thì nó không đem lại giá trị bền vững cho nền kinh tế đất nước. Điều này được biểu hiện cụ thể qua các con số -1+5=4 hoặc 1+1=2, tất cả đều nhỏ hơn 6. Theo đó, nếu mỗi tỉnh chỉ quan tâm đến lợi ích cục bộ thì kết quả chung của là cuộc chạy đua xuống đáy của toàn xã hội.

Khi các tỉnh tự ý trong việc lập các chính sách và tạo lợi thế cạnh tranh trong việc ưu đãi bằng chính sách sẽ làm cho nguồn lực chung của quốc gia bị lãng phí, lợi ích xã hội bị sụt giảm. Thực tế vào năm 2005, Chính phủ đã yêu cầu 33 tỉnh, thành phố có các ưu đãi vượt khung phải báo cáo rõ các ưu đãi đầu tư của tỉnh mình, trong đó có 21 tỉnh đã đưa ra những quy định vượt khung về chính sách đất đai và 11 tỉnh quy định không phù hợp về thuế thu nhập DN (Việt Phong, 2005).

Nói là tuân thủ khung khổ pháp lý và các chính sách về ưu đãi đồng thời liên kết, hợp tác trong thực hiện không có nghĩa là chính quyền các tỉnh áp dụng y nguyên các quy định mà không có sự sáng tạo, linh hoạt trong quá trình vận dụng và thực hiện. Sự linh hoạt được thể hiện trong cách thức quản lý, điều hành của chính quyền tại mỗi địa phương.

1.2.4.4. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Mỗi địa phương khác nhau sẽ có những cơ chế, chính sách khác nhau hỗ trợ cho các DN đang hoạt động tại địa phương. Nhưng thường phụ thuộc vào các quy định của Nhà nước từ cấp Trung ương xuống cấp địa phương và tùy theo từng giai đoạn, từng thời kỳ với những diễn biến khác nhau của nền kinh tế quốc gia mà chính quyền tại các tỉnh nhanh chóng, kịp thời đưa ra các chính sách cho từng giai đoạn vừa đáp ứng phù hợp với tình hình hiện tại, vừa đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước và cấp trên. Đơn cử như khi có sự biến động của nền kinh tế trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19, các địa phương đã nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ DN đối phó với đại dịch nhằm giảm thiểu ở mức thấp nhất các ảnh hưởng, khó khăn trong hoạt động kinh doanh của DN. Sau khi ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Chỉ thị ban hành 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: (i) Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; (ii) Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN; (iii) Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; (iv) Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; (v) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; (vi) Tập trung xử lý vướng mắc về lao động; (vii) Đẩy mạnh thông tin truyền thông. Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách quan trọng đã được các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Qua đây có thể thấy, cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tại các địa phương rất linh hoạt và có sự thống nhất trong thực hiện từ cấp Trung ương đến cấp địa phương. Các tỉnh căn cứ vào chỉ đạo của cấp trên để tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách riêng của tỉnh nhà nhằm hỗ trợ các DN phát triển, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN tại địa phương, không phân biệt DN quốc doanh hay DN dân doanh. Bên cạnh hàng loạt các chính sách và cơ chế theo thời kỳ, theo giai đoạn hỗ trợ DN thì Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cũng ban hành các chính sách có thời gian áp dụng lâu dài để tạo sự ổn định trong thực thi và áp dụng của các cơ quan Nhà nước cũng như trong việc thực hiện của các DN như quy định về điều kiện đăng ký thành lập DN, quy định về ưu đãi trong đầu tư vào các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, hay Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có đề cập tới các hình thức hỗ trợ và chính sách tài chính như: thuế, phí, lệ phí, tín dụng, chi ngân sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, trợ giá, bù giá, quỹ bảo lãnh tín dụng…, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, đưa ra các nhiệm vụ và các giải pháp hỗ trợ các DN với mục tiêu xây dựng và phát triển các DN có NLCT, có quy mô, nguồn lực lớn mạnh. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo từng năm, trong đó có các nhiệm vụ và giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính để khuyến khích và hỗ trợ phát triển DN. Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ DN có thể kể đến như sau:

Hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tín dụng: Các chính sách về giảm chi phí đầu vào như giảm giá điện để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của một số DN đang có điều kiện kinh doanh khó khăn hoặc đầu tư tại các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn. Miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi hoặc giữ nguyên nhóm nợ cho các DN kinh doanh không có lãi trong thời gian dài sau dịch bệnh, thiên tai hoặc cho vay đầu tư đối với các DN mới.

Khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường: Giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường là những yếu tố làm nên chất lượng phát triển của một địa phương. Do đó, các chính sách, cơ chế hỗ trợ cho các DN thường được các địa phương tập trung ưu tiên đối với các DN hoạt động trong các lĩnh vực nói trên.

Hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh: Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và giảm chi phí nhân công, vật lực, thời gian cùng các chi phí khác. Từ đó, góp phần tạo ra giá trị cao cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, theo đó nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ của địa phương. Do đó, các địa phương chú trọng nhất định đến hỗ trợ các DN ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất.

Hỗ trợ trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, sáng tạo khởi nghiệp: Nước ta đang có các chính sách về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, do đó, các tỉnh cũng cần nhanh chóng có các cơ chế, chính sách tạo động lực cho các DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh cho tỉnh.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối giao thương: Các DN ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhưng nếu sản phẩm dịch vụ không được đưa vào lưu thông trên thị trường thì nó cũng không tạo ra giá trị cho địa phương. Điều này cũng tương tự như việc nếu DN chỉ chăm chăm phát triển nội bộ mà không có sự kết nối, mở rộng giao lưu với các DN khác thì cũng không thể tiến xa. Nhưng để làm được điều này cần thiết phải có sự hỗ trợ xúc tiến thương mại và kết nối giao thương của chính quyền địa phương. Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động tổ chức kết nối giữa các DN hoặc tổ chức các diễn đàn để các DN giao lưu, học hỏi.

Hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính cho DN: Tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công cấp tỉnh theo hướng cắt giảm mạnh chi phí để tạo thuận lợi cho các cá nhân, DN khi làm việc với các cơ quan Nhà nước.

Hỗ trợ người dân, người lao động, hộ kinh doanh: Bên cạnh các cơ chế chính sách hỗ trợ DN, chính quyền địa phương cũng cần cân bằng trong việc hỗ trợ

cả người lao động, hộ kinh doanh và người dân quanh khu vực kinh doanh của địa phương. Chính sách hỗ trợ cần được áp dụng cho nhiều đối tượng người lao động, hộ kinh doanh cá thể, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

1.2.4.5. Tăng cường quan hệ, đồng hành cùng doanh nghiệp

Mức độ đồng hành cùng DN của các tỉnh đồng nghĩa với sự gắn bó chặt chẽ của chính quyền tỉnh với DN hoạt động trong tỉnh đó. Mức độ đồng hành cao, tức là sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh cho DN tốt, lợi ích DN đem lại cho địa phương cũng theo đó gia tăng từ đó NLCT cấp tỉnh của địa phương cũng được nâng cao. Ngược lại, mức độ đồng hành cùng DN của chính quyền cấp tỉnh thấp, tức là sự hỗ trợ của chính quyền đối với DN không cao, điều này sẽ làm cho lợi ích DN đem lại cho địa phương bị giảm sút, nguy cơ DN rời xa địa phương cũng ngày càng lớn, và dĩ nhiên, NLCT cấp tỉnh lúc này cũng ở mức độ thấp. Thực chất, mức độ đồng hành cùng DN của các địa phương cũng bao gồm cả những cơ chế, chính sách của địa phương dành cho DN trong từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Giai đoạn năm 2017-2020, cao điểm thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”. Để đồng hành cùng DN trong phong trào thi đua, các địa phương đã rà soát và đề xuất các phương án đơn giản hóa, cắt giảm TTHC trong tất cả các hoạt động thuộc phạm vi quản lý của địa phương, điển hình là bộ phận một cửa. Tập trung tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách đăng ký DN, đầu tư của DN, thuế, hải quan, sản xuất, kinh doanh của DN, thủ tục giải quyết giấy tờ của các cơ quan Nhà nước, trên cơ sở bảo đảm tôn trọng quyền tự do kinh doanh, ổn định, minh bạch, thông thoáng, phù hợp với tinh thần Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục tăng cụ thể, năm 2016 tăng 3 bậc so với năm trước, năm 2017 tăng 8 bậc và năm 2018 tăng 14 bậc. Đồng nghĩa môi trường kinh doanh tại các tỉnh của Việt Nam cũng đã có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, thước đo hiệu quả của hoạt động đồng hành cùng DN còn bao gồm cả sự hài lòng của người dân và các DN. Vì vậy, các cơ quan tại địa phương đã

triển khai sâu rộng hệ thống trao đổi thông tin hai chiều chính quyền – DN, tạo thuận tiện, chính xác, tăng cường quan hệ hợp tác giữa DN với các cơ quan Nhà nước tại địa phương. Chính quyền các tỉnh cũng thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với DN và cơ quan báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhất là về cơ chế chính sách và TTHC thuế, hải quan.

Đến khi nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Các cơ quan Nhà nước nói chung và các cơ quan đại diện cho Nhà nước ở cấp địa phương nói riêng cũng đã nhanh chóng vào cuộc, thay đổi các hoạt động để tạo điều kiện tốt nhất trong việc đồng hành, lắng nghe và hiểu những mong muốn của DN từ đó có những đường hướng, chính sách điều chỉnh kịp thời nhằm giúp các DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện tại. Cùng với DN duy trì các hoạt động phát triển kinh tế địa phương, giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động xấu của ảnh hưởng khách quan đến sự duy trì, ổn định, phát triển nền kinh tế địa phương.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố hải phòng (Trang 29 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(111 trang)
w