Thực trạng quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng tại Hải Phòng

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố hải phòng (Trang 73 - 79)

Cơ sở hạ tầng tại thành phố Hải Phòng bao gồm các hệ thống: Điện và nước; Giao thông đô thị; Đường sắt; Đường hàng không; Đường bộ; Đường thủy và Cảng biển. Các hệ thống cơ sở hạ tầng góp phần tạo nên diện mạo hoàn chỉnh trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng. Đồng thời, chính hệ thống cơ sở hạ tầng góp phần không nhỏ trong việc thu hút đầu tư của thành phố cũng như nâng cao NLCT cấp tỉnh cho địa phương.

Nguồn vốn được cấp cho đầu tư xây dựng tại Hải Phòng năm 2020 đều ở mức tăng so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy ở hình dưới, tổng vốn đầu tư xây dựng tăng 113,51% so với năm 2019. Trong đó, phân bổ đầu tư cho thành phố ở mức cao nhất tiếp đến là cấp huyện và cấp xã. Chính quyền Hải Phòng sử dụng nguồn ngân sách được cấp này để thực hiện xây dựng các hệ thống giao thông, công trình,... khu vực công.

Hình 3.6. Nguồn vốn đầu tư xây dựng dự tính cấp cho Hải Phòng năm 2020

11 tháng năm 2020 (Tỷ đồng) Tỷ lệ 11 tháng năm 2020/11 tháng năm 2019 Tổng số 10.356,6 113,51 Vốn NSNN cấp tỉnh 8.155,9 112,67 Vốn NSNN cấp huyện 1.573,6 114,84

Vốn NSNN cấp xã 627,1 121,73

(Nguồn: Cục thống kê thành phố Hải Phòng)

Hệ thống điện và nước: Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và có khả năng cung cấp đầy đủ cho các khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong đó, hệ thống cấp điện với tổng công suất của Nhà máy Nhiệt điện giai đoạn 1 và 2 là 2.200 MW. Mỗi năm nhà máy cấp vào mạng lưới điện quốc gia trên 6 tỷ Kwh, góp phần quan trọng vào phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện của thành phố và các tỉnh khu vực Đông Bắc. Hệ thống cấp nước của Hải Phòng đến nay có 7 nhà máy xử lý nước với tổng công suất 214.000m3/ngày đêm, chất lượng nước xử lý đạt tiêu chuẩn WHO. Tại mỗi huyện, có các nhà máy xử lý nước cỡ nhỏ cung cấp đủ cho nhu cầu địa phương. Mặc dù vậy, Hải Phòng vẫn tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước với nhà máy cấp nước Vật Cách, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của khu vực cửa ngõ phía tây Hải Phòng. Dự án được thực hiện từ năm 2011-2018 do công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 73,693 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư, trong đó có: Vốn ADB (vay lại của Nhà nước) là 56,796 triệu USD (77%); Vốn nhà nước (ngân sách địa phương cấp) là 3,148 triệu USD (5%); Vốn của Công ty Cấp nước 13,450 triệu USD (18%) (Trang điện tử của Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hải Phòng, Hệ thống điện và nước).

Hệ thống giao thông đô thị: Hiện nay, tại thành phố Hải phòng có khoảng 600 tuyến phố, nằm trong 7 quận. Mạng lưới đường đô thị tổng cộng 324km, trung tâm là khu vực cảng chính Hải Phòng ở sông Cấm mở rộng ra các hướng Đông, Tây và Nam. Tuyến đường dài nhất là đường Phạm Văn Đồng với 14,5 km và tuyến đường ngắn nhất là phố Đội Cấn có chiều dài 70 mét. Đường, phố ở Hải Phòng nhìn chung nhỏ, hẹp, nhưng rất hiếm xảy ra ùn tắc và rất sạch đẹp. Nét đặc trưng ở các tuyến đường là trồng rất nhiều cây xanh, điển hình là cây phượng vĩ. Điều này tạo nên dấu ấn riêng của Hải Phòng với tên gọi “thành phố hoa phượng”. Nằm trong chủ trương của Chính phủ với dự án “Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng” đến nay, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, quy mô đô thị Hải Phòng đang được mở rộng với tốc độ khá nhanh. Các khu đô thị mới được hình thành ở 5 quận,

6 đô thị vệ tinh, tại các khu vực phía Bắc sông Cấm, phía Tây Bắc, Đông Nam, trên trục đường Ngã Năm – sân bay Cát Bi, đường Phạm Văn Đồng. Tốc độ cải tạo, phát triển nhà ở cũng được lãnh đạo chính quyền quan tâm đẩy nhanh, bình quân diện tích nhà ở đô thị đạt gần 8m2 sàn/người.

Hình 3.7. Bản đồ hệ thống giao thông đô thị

(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng)

Hệ thống giao thông hoàn thiện, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, điều kiện ở của nhân dân. Hệ thống hạ tầng xã hội của Hải Phòng cũng ngày càng đáp ứng yêu cầu phục vụ đời sống, tạo sự thúc đẩy văn hóa, du lịch và dịch vụ phát triển mạnh. Hải Phòng chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hệ thống giao thông như: Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, đường Ngã năm – Sân bay Cát Bi, đường Cầu Rào – Đồ Sơn, đường xuyên đảo Đình Vũ – Cát Bà, đường 100m, cầu cảng Đình Vũ, cảng cửa ngõ Lạch Huyện cùng hàng loạt các dự án nâng cấp, phát triển đô thị khác. Thành phố Hải Phòng hôm nay không chỉ dừng lại ở 4 cống, 3 cầu, 5 cửa ô mà đã xuất hiện thêm các cây cầu mới, đẹp như dải lụa vắt ngang sông đó là cầu An Đồng, cầu Lạc Long, cầu Tiên Cựu, cầu Quý Cao, cầu

Kiền, cầu Bính, cầu Kiến An (Trang điện tử của Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hải Phòng, Hệ thống giao thông và đô thị).

Hệ thống đường sắt: Các tuyến đường sắt từ Hải Phòng vận chuyển một số lượng lớn hàng hóa và hành khách từ Hải Phòng đến các tỉnh phía Nam và phía Bắc. Tuyến đường sắt này kết nối với Nam Ninh (Trung Quốc) qua Lạng Sơn và Côn Minh (Trung Quốc) qua Lào Cai. Đường sắt bắt đầu từ ga Gia Lâm đến ga Hải Phòng, dài 102km đi qua địa phận Hải Dương, Hưng Yên và khai thác tàu khách đến ga Long Biên, ga Hà Nội cùng một số tuyến vận tải hàng hóa đi Lào Cai và các tỉnh phía Nam. Trong địa phận thành phố có 3 nhánh chuyên dùng kết nối từ tuyến Hà Nội – Hải Phòng với các khu bến cảng dọc sông Cấm và từ khu vực cảng Vật Cách đến cảng Chùa Vẽ. Các nhánh này có khổ 1.000mm. Do tuyến đường sắt có vị trí xuyên qua trung tâm thành phố nên có tới 211 đường ngang bộ. Tuy nhiên, chỉ có 12 đường ngang có gác chắn, 4 đường ngang có cảnh báo tự động, 17 đường ngang có biển báo, còn lại 178 đường ngang dân sinh. Đây cũng là điều mà lãnh đạo chính quyền Hải Phòng cần xem xét để sớm có chính sách giải quyết nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sống quanh khu vực các tuyến đường sắt đi qua. (Trang điện tử của Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hải Phòng, Hệ thống đường sắt).

Đường hàng không: Hải Phòng hiện có một sân bay là Cát Bi nằm ở phía Tây Nam của thành phố, cách trung tâm thành phố khoảng 5km với các đường bay phục vụ là: Hải phòng - TP. Hồ Chí Minh; Hải Phòng - Đà Nẵng; Hải Phòng - Buôn Mê Thuột; Hải Phòng - Nha Trang. Có 3 hãng nội địa khai thác đường bay tại đây là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar. Dự kiến đến năm 2025, sân bay có khả năng tiếp 2 triệu hành khách/năm, tương đương 800 hành khách/giờ cao điểm và 20.000 tấn hàng hóa/ năm (Trang điện tử của Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hải Phòng, Hệ thống đường hàng không).

Hệ thống đường bộ: Các tuyến đường huyết mạch nối Hải Phòng với các tỉnh thành khác như: Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, Quốc lộ 37, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình là những tuyến đường thông thương giúp cho Hải Phòng lưu thông hàng hóa, vận tải đường

bộ tối ưu. Bên cạnh đó, việc xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống đường bộ được chính quyền thành phố Hải Phòng phân thành hệ thống đường bộ đối ngoại và đường bộ đối nội để thực hiện quản lý, điều hành.

Một là, đường bộ đối ngoại gồm: Quốc lộ 5A có chiều dài nội thành là 29 km, chiều dài toàn tuyến (Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng) là 102km; Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài nội thành là 33,5 km lộ giới 100m, chiều dài toàn tuyến (Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng) là 105,5km.; Quốc lộ 10 là tuyến đường liên tỉnh chạy dọc theo vùng duyên hải Bắc Bộ qua 6 tỉnh và thành phố và là một trong các trục phát triển không gian vùng Duyên hải Bắc Bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của các địa phương, các khu công nghiệp tập trung. Bên cạnh đó là các đường xuyên đảo Hải Phòng - Cát Bà, quốc lộ 37,…

Hai là, đường bộ đối nội gồm: 14 tuyến đường chính trong thành phố và đường tỉnh dài tổng cộng 250 km. Có 6 tuyến chính được đầu tư vào cấp hoàn chỉnh từ cấp III trở lên (là Tôn Đức Thắng và các ĐT 351, ĐT 353, ĐT 35, các tuyến còn lại phần lớn đạt cấp IV và cấp B, mặt đường nhựa cấp thấp (láng hoặc thâm nhập) (Trang điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, Hệ thống đường bộ).

Hệ thống đường thủy: Hệ thống giao thông đường thủy liên kết hầu hết các tỉnh trong khu vực miền Bắc và thực hiện vận chuyển tới 40% tổng lượng hàng hóa lưu thông bằng đường thủy của các tỉnh phía Bắc. Hải Phòng hiện có hơn 400 km đường thủy nội địa với trên 50 bến cảng thủy nội địa, 03 cầu phao, 06 bến phà. Về luồng lạch: Tổng chiều dài toàn tuyến 85 km gồm 4 đoạn với các thông số kỹ thuật được thiết kế như sau: Đoạn Lạch Huyện bề rộng luồng 100m, độ sâu -7,2m; Đoạn Bạch Đằng bề rộng luồng 100m, độ sâu: -7,0m; Đoạn Sông Cấm bề rộng luồng 80m, độ sâu -5,5m; Đoạn Hà Nam bề rộng luồng 80m, độ sâu -7,2m (Trang điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, Hệ thống đường thủy).

Hệ thống cảng biển: Hải Phòng có vị trí chiến lược, là cửa ngõ ra biển kết nối với thế giới của cả miền Bắc. Hệ thống cảng biển của thành phố được chú trọng đầu tư mở rộng từ rất sớm. Hiện nay có 38 cảng thương mại, hàng hóa có thể được vận chuyển dễ dàng và thuận tiện từ Hải Phòng tới các cảng khác trên thế giới, tới

các khu kinh tế của Việt Nam và các tỉnh phía Nam của Trung Quốc thông qua hệ thống đường cao tốc quốc gia, đường sắt hoặc đường thủy trong thời gian ngắn nhất và bằng các phương thức thuận tiện nhất. Hệ thống cảng được xây dựng hiện đại với trang bị các trang thiết bị gồm: bến nước sâu, hệ thống kho bãi, nhà kho luôn được vận hành an toàn, có thể đáp ứng được tất cả các phương thức thương mại và vận tải quốc tế.

Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện: Có chức năng như là cảng trung chuyển cho container quốc tế, khu vực miền Bắc với năng lực xếp dỡ trên 100 triệu tấn/năm. Đây là hệ thống cảng hiện đại nhất ở miền Bắc Việt Nam.

Các khu chức năng và cơ sở hạ tầng: Cảng tổng hợp, cảng hàng lỏng, khu công nghiệp đóng tài, khu cảng chuyên dụng, khu văn phòng, luồng tàu, vũng quay tài, các thiết bị bảo vệ.

Dự án bến cảng Lạch Huyện được thực hiện theo hình thức PPP với 2 hợp phần: Hợp phần A, nạo vét luồng, đường dẫn; xây dựng đê chắn sóng, đê biển, bến hàng, khu hành chính và đường nội bộ; Hợp phần B, xây dựng 2 bến container khởi động. Quy hoạch cảng đến 2020: diện tích 184,5 ha, 5 bến container với tổng chiều dài 1.875m, 3 bến tổng hợp với tổng chiều dài 750m. Quy hoạch cảng đến năm 2030 với diện tích 508,3 ha, 16 bến container với tổng chiều dài 6.000m, 7 bến tổng hợp với chiều dài 1.750m, năng lực xếp dỡ: Tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 DWT và năng lực hàng hóa thông qua là 120 triệu tấn/năm (Trang điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, Hệ thống cảng biển).

Thực tế trong quá trình xây dựng, quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Hải Phòng vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc như dự án xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2. Dự án được khởi công từ năm 1994 và được đánh giá là dự án trọng điểm góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng Bắc - Nam của thành phố. Tuy nhiên, dự án nhiều năm liền (từ năm 1994 đến 2020) vẫn chưa hoàn thành do gián đoạn trong việc giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân do người dân ngay từ đầu đã không đồng thuận chủ trương khai thác đấu giá quỹ đất hai bên trục đường sau khi đường hoàn thành. Thực trạng này đẩy hàng trăm hộ dân trong diện quy

hoạch phải sống hơn 20 trong tâm trạng lo âu, bức xúc và chính quyền cấp cấp cùng Ban quản lý dự án qua nhiều thời kỳ thì ngán ngẩm, loay hoay, đùn đẩy trong công tác giải phóng mặt bằng. Đến giữa năm 2020, người đứng đầu thành phố là Bí thư thành ủy Lê Văn Thành nêu rõ quan điểm “Phải bảo vệ tốt lợi ích của người dân thì người dân mới đồng thuận” và chấm dứt chủ trương trước đó “lấy đất nuôi đường” đã giải quyết dứt điểm nút thắt trong giải phóng mặt bằng (Thanh Nga, 2020). Nếu trước đây, mỗi năm chỉ có vài chục hộ dân bàn giao mặt bằng thì đến quý III năm 2020, chỉ trong 21 ngày từ 3/9 – 24/9 công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, người dân tin tưởng và ủng hộ hết mình cho quyết sách mới của đồng chí Lê Văn Thành. Như vậy, nếu hệ thống chính trị thành phố vào cuộc đảm bảo quyền lợi của người dân cùng với chủ trương, quyết sách đúng đắn mà đi đầu là lãnh đạo chính quyền có tâm, có tầm góp phần làm cho sự phát triển của Hải Phòng có những bước tiến vượt bậc hơn rất nhiều.

Tóm lại, hệ thống chính trị và lãnh đạo chính quyền thành phố Hải Phòng ngoài việc chủ động, phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương trong việc quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng thì cũng cần có những quyết sách, chủ trương đúng đắn theo quy định pháp luật và quan trọng là phải hợp lòng dân. Làm được điều đó sẽ tạo đà cho một giai đoạn phát triển mới của Hải Phòng và nâng cao NLCT cấp tỉnh của thành phố Hải Phòng.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố hải phòng (Trang 73 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(111 trang)
w