Khái quát về thành phố Hải Phòng

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố hải phòng (Trang 56 - 60)

3.1.1.1. Điều kiện địa lý, tự nhiên

Tổng diện tích của thành phố Hải Phòng là 1.519 km2. Trong đó đồi núi chiếm 15% diện tích và phân bố chủ yếu ở phía Bắc, làm cho địa hình phía Bắc có hình dáng và cấu tạo địa chất của vùng trung du (đồng bằng xen đồi núi); phía nam có địa hình thấp và khá bằng phẳng đặc trưng vùng đồng bằng với hướng nghiêng ra biển, độ cao dao động từ 0,7-1,7m so với mực nước biển. Hải Phòng nằm phía Đông miền duyên hải Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội 102 km. Các mặt tiếp giáp của Hải Phòng gồm: phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Ninh, phía Tây Bắc giáp Hải Dương, phía Tây Nam giáp Thái Bình và phía Đông là bờ biển chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ phía Đông đảo Cát Hải đến cửa sông Thái Bình.

Khu đồi núi chạy đứt quãng từ An Lão đến Đồ Sơn khoảng 30 km có hướng Tây Bắc - Đông Nam gồm các núi: Voi, Phù Liễn, Xuân Sơn, Xuân Áng, núi Đối, Đồ Sơn, Hòn Dáu. Cấu tạo chính là đá cát kết và đá vôi.

Vùng biển có đảo Cát Bà được ví như hòn ngọc của Hải Phòng, một đảo đẹp và lớn nhất trong quần thể trên 360 đảo lớn, nhỏ quây quần và nối tiếp với vùng đảo vịnh Hạ Long. Đảo chính Cát Bà ở độ cao 200m trên biển, có diện tích khoảng 100 km2, cách thành phố 30 hải lý. Cách Cát Bà hơn 90 km về phía Đông Nam là đảo Bạch Long Vĩ, khá bằng phẳng và nhiều cát trắng (Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, 2020). Bờ biển Hải Phòng dài trên 125 km, thấp và khá bằng phẳng, nước biển Đồ Sơn hơi đục nhưng sau khi cải tạo nước biển đã có phần sạch hơn, cát mịn vàng, phong cảnh đẹp.

Sông ngòi ở Hải Phòng khá nhiều, mật độ trung bình từ 0,6-0,8 km/km². Độ dốc khá nhỏ, chảy chủ yếu theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Đây là nơi tất cả hạ lưu

của sông Thái Bình đổ ra biển, tạo ra một vùng hạ lưu màu mỡ, dồi dào nước ngọt phục vụ đời sống con người nơi đây. Các con sông chính ở Hải Phòng gồm: Sông Đá Bạc - hoặc sông Bạch Đằng dài hơn 32 km; Sông Cấm dài trên 30km; Sông Lạch Tray dài 45km; Sông Văn Úc dài 35km; Sông Rế chảy qua huyện An Dương, là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho 80% các hộ dân của thành phố. Ngoài ra còn có nhiều con sông khác khá nhỏ nằm ở khu vực nội thành quận Hồng Bàng.

Hải Phòng là nơi có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước, nằm trên vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Với lợi thế cảng nước sâu nên vận tải biển tại Hải Phòng rất phát triển và trở thành đầu mối giao thông đường biển phía Bắc. Cảnh Hải Phòng có công suất vài chục triệu tấn, tương lai quy mô vẫn tiếp tục phát triển lớn mạnh góp phần đưa hàng hoá của Bắc bộ đến các vùng của cả nước, cũng như tham gia dịch vụ vận tải hàng hoá quá cảnh cho khu vực tây nam Trung Quốc (Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, 2020). Hải Phòng còn là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Hải Phòng còn giữ vị trí tiền trạm của miền Bắc, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Bộ Tư lệnh vùng 1 hải quân và Bộ Tư lệnh Quân chủng hải quân Việt Nam(Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, 2020).

Là nơi hội tụ đầy đủ các lợi thế về đường biển, đường sắt, đường bộ và đường hàng không, giao lưu thuận lợi với các tỉnh trong cả nước và các quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương tại Việt Nam, là đô thị loại I, trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia cùng với Đà Nẵng, Cần Thơ.

3.1.1.2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua đặc biệt từ cuối năm 2019 đầu năm 2020 diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, làm cho bối cảnh tình hình kinh tế trong nước gặp khó khăn, hoạt động lưu thông hàng hóa bị đình trệ, sản xuất, tiêu dùng giảm mạnh. Tất cả đã

tạo ra bất lợi chung cho nền kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và các địa phương nói riêng, trong đó có Hải Phòng. Nhờ chỉ đạo điều hành chủ động, quyết liệu, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thành ủy, HĐND thành phố Hải Phòng cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành, cộng đồng DN và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thành phố. Hải Phòng đã có những kết quả khả quan trong thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội tại thành phố.

Kinh tế của thành phố phát triển theo hướng phát triển bền vững. Năm 2019, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt mức tăng trưởng cao, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, có chỉ tiêu hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (2016-2020). Kết quả tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 16,68%, cao nhất từ trước đến nay với cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng, phù hợp với yêu cầu thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 4,73% (năm 2018 là 5,18%); công nghiệp, xây dựng chiếm 48,20% (năm 2018 là 45,41%); dịch vụ chiếm 41,10% (năm 2018 là 43,01%). Đặc biệt tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GDP/người) năm 2019 ước đạt 122,1 triệu đồng/người, tăng 17,3 triệu đồng/người so với năm 2018 với năng suất lao động tiếp tục được cải thiện tăng đều qua các năm, thể hiện rõ động lực chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế, ước đạt 219,9 triệu đồng/lao động cùng với việc sử dụng vốn đầu tư hiệu quả (hệ số ICOR) khoảng 3,99 năm 2019, tăng so với hệ số 3,38 của năm 2018 (Cục thống kê Hải Phòng, 2020).

Các kết quả về phát triển kinh tế - xã hội ở Hải Phòng trong 9 tháng đầu năm 2020 được thu thập từ Báo cáo số 304/BC-UBND ngày 09/10/2020 của UBND thành phố Hải Phòng, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp quý IV năm 2020 như sau:

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP: Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 11,39%. Trong đó, nhóm nông, lâm, thủy sản

tăng 2,11%, nhóm công nghiệp – xây dựng tăng 17,92%, nhóm dịch vụ tăng 4,73% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 8,3%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP: Tăng 14,02% so với năm 2019. Một số ngành kinh tế cấp 4 có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2019 như sau: sản xuất xe có động cơ (+124,82%), sản xuất thiết bị truyền thông (+89,07%), sản xuất pin và ắc quy (+22,38%). Bên cạnh đó cũng có một số ngành bị giảm sút như: sản xuất săm, lốp cao su (-34,2%), may mặc (-20,79%), sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe (-26,1%).

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản: Ước đạt 11.144,9 tỷ đồng, tăng 1,74% so với cùng kỳ và bằng 73,52% kế hoạch đề ra năm 2020. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 7.356,9 tỷ đồng, giảm 0,17% so với cùng kỳ và bằng 71,78% kế hoạch năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 22,8 tỷ đồng, giảm 0,63% so với cùng kỳ, bằng 55,34% kế hoạch năm; giá trị sản xuất thủy sản 3.765,2 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ, bằng 74,7% kế hoạch năm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: Đạt 121.615,9 tỷ đồng, tăng 7,77% so với cùng kỳ 2019 và bằng 65,6% kế hoạch năm.

Kim ngạch xuất khẩu: Ước đạt 14.098,6 triệu USD, tăng 19,92% so với cùng kỳ và bằng 74,51% kế hoạch năm 2020.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng: Ước đạt 99,31 triệu tấn, tăng 9,88% so với cùng kỳ và bằng 64,78% kế hoạch năm.

Thu ngân sách: Tổng ngân sách nhà nước đạt 55.445,2 tỷ đồng, giảm 13,9% so với cùng kỳ và bằng 56,4% dự toán bao gồm: Thu ngân sách nhà nước địa phương đạt 20.654,46 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ, bằng 58,6% dự toán HĐND thành phố giao, riêng thu nội địa là 17.422,96 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ và bằng 52,8% dự toán HĐND thành phố giao; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 34.790,74 tỷ đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ và bằng 55,2% dự toán.

Số lượng khách du lịch: ước đạt 5,71 triệu lượt, giảm 16,63% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 53,67% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 257 nghìn lượt, giảm 65,21% so với cùng kỳ và bằng 20,56% kế hoạch năm.

Thu hút đầu tư nước ngoài FDI: Tính từ đầu năm đến hết ngày 18/9/2020 đạt 824,49 triệu USD, giảm 24,82% so với cùng kỳ, đạt 51,535 kế hoạch.

Giải quyết việc làm cho người lao động: Ước tính đến thời điểm hết tháng 9/2020 giải quyết việc làm cho khoảng 41.220 lượt lao động, giảm 3,01% so với cùng kỳ, bằng 74,4% kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 84,4% trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ từ 3 tháng trở lên đạt 34,7%.

Qua các số liệu 9 tháng năm 2020 cho thấy tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Hải Phòng đã có những kết quả tích cực trong thời điểm tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước. Để có được những kết quả trên, chính quyền Hải Phòng đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như tổ chức 12 Hội nghị kết nối Ngân hàng – DN, với các cam kết cho vay 550 tỷ đồng, dư nợ đạt 210 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, phát triển trí tuệ,…Tiếp cận và ứng dụng dịch vụ thuế điện tử eTax và thu được kết quả đáng mong đợi khi tiếp nhận 324 hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng và đã giải quyết được 252 hồ sơ trong đó hoàn điện tử đạt 85,6%. Giúp các DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố hải phòng (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(111 trang)
w