Kết quả đạt được

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố hải phòng (Trang 87 - 89)

Trong 5 năm, giai đoạn 2015-2020, với những gì mà chính quyền thành phố Hải Phòng đã làm và được phân tích tại phần trên, có thể thấy nền kinh tế Hải Phòng đã có những bứt phá mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tốt.

Thứ nhất, tăng trưởng vượt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra. Tại Đại hội Đảng thành phố lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố Hải Phòng đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP trong nhiệm kỳ là 10,5%. Tuy nhiên, trong 5 năm qua (từ 2015- 2020), GRDP của Hải Phòng đã đạt mức tăng trưởng 14,02%/năm, gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2015. Tổng GRDP giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1.057.207 tỷ đồng, gấp 1,97 lần giai đoạn 2011-2015 (537.600 tỷ đồng). Trong năm 2020, GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.863 USD (bình quân chung cả nước khoảng 3.000 USD) gấp 1,93 lần so với năm 2015 (3.042 USD). Trong giai đoạn này, thu ngân sách Nhà nước cũng đạt mức tăng trưởng vượt bậc ước thu đạt 408.498 tỷ đồng, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015 (256.119 tỷ đồng). Đặc biệt, thu nội địa có sự tăng trưởng mạnh, trong 5 năm ước thu đạt 120.698 tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2011-2015 (45.570 tỷ đồng). Tổng chi cho đầu tư phát triển đã lên mức khoảng 564.295 tỷ

đồng (nhiều gấp 3 lần giai đoạn 2011-2015), trong đó cơ cấu vốn đầu tư chuyển mạnh theo hướng xã hội hóa, tỷ lệ vốn từ xã hội chiếm tới 90% , ngân sách chỉ khoảng 10% (Trần Kỳ, 2020).

Thứ hai, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn chỉnh. Cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp… được triển khai đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có thế kể đến: cầu Tân Vũ - Cát Hải, cầu Hoàng Văn Thụ, cảng quốc tế Lạch Huyện, đường trục World Bank, Quốc lộ 10 mở rộng. Trong lĩnh vực công nghiệp có sự hiện diện của nhà máy ô tô Vinfast, tập đoàn điện tử LG…, lĩnh vực bất động sản có các dự án của Vingroup tại đảo Vũ Yên, Nam cầu Bính, cầu Rào…, du lịch dịch vụ có Sungroup với dự án cáp treo Cát Bà, Geleximco với dự án Đồi Rồng - Đồ Sơn, về thương mại có Tập đoàn Aeonmall với Trung tâm thương mại tại quận Lê Chân… Bên cạnh đó, khu vực nông thôn cũng được trú trọng đầu tư, tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đạt 40.396 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2010-2015. Đến năm 2019, đã có 139/139 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới (Trần Kỳ, 2020). Tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là 43.886 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giai đoạn 2010-2015. Hải Phòng hiện là địa phương có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại, liên hoàn (Lê Văn Thành, 2020).

Thứ ba, hoạt động hỗ trợ DN, thúc đẩy thị trường liên kết được được quan tâm đúng mức. Để thúc đẩy hoạt động đầu tư của các DN, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng và giải quyết các vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động về mặt thủ tục hành chính, Hải Phòng đã trực tiếp tổ chức đối thoại DN thường kỳ hàng tháng. Hội nghị này được coi như một diễn đàn để các DN bày tỏ vướng mắc cũng như kiến nghị những khó khăn trong quá trình hoạt động. Từ đó lãnh đạo thành phố có thể nắm bắt được những thông tin phản ánh để rà soát lại công việc của các cấp, các ngành nhằm chỉ đạo rút kinh nghiệm hoặc khắc phục ngay những khó khăn giúp DN tháo gỡ vướng mắc. Nhờ đó, trong hai năm 2016 và 2017, Hải Phòng đã giải quyết triệt để và gần như ngay lập tức 70% số lượt kiến nghị của DN.

Thứ tư, ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình kinh tế trong và ngoài nước đều bị tác động của đại dịch Covid-19, mặc dù vậy, nền kinh tế thành phố Hải Phòng vẫn đạt được những kết quả ấn tượng, đặc biệt là đưa CNTT vào giải quyết công việc hành chính công đã làm cho mọi hoạt động giao dịch hành chính công diễn ra bình thường, không bị ứ đọng khi có chính sách giãn cách xã hội của Chính phủ. Thành phố đã thực hiện kết nối các DVC trực tuyến với cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với tổng số 549 dịch vụ (Lê Minh Thắng, 2020). Năm 2020, Thành phố hoàn thành việc tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ các DN cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố (Nguyễn Văn Thành, 2020)

Thứ năm, liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho DN. Từ khi triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hải Phòng đã liên tục đưa nội dung “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” vào chủ đề hành động hàng năm, tạo thuận lợi cao, rõ nét, tạo điều kiện tốt nhất để DN hoạt động và phát triển.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thế mạnh. Lĩnh vực du lịch đã thu hút một số DN lớn như Vingroup, Sungroup, Geleximco đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Kinh tế dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,42%/năm, dịch vụ logistics, dịch vụ hàng không, lượng khách du lịch đều đạt mức tăng trưởng cao (Lê Văn Thành, 2020).

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố hải phòng (Trang 87 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(111 trang)
w