Thực trạng về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố hải phòng (Trang 82 - 85)

Giai đoạn 2017-2020, Hải Phòng đã đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ DN cho cả một giai đoạn là Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 03/11/2017 của UBND thành phố Hải Phòng về việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa thành phố Hải Phòng đến năm 2020. Trong đó có các nội dung hỗ trợ cụ thể về tín dụng, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, tư vấn pháp luật,... Đồng thời mỗi năm Hải Phòng lại ban hành các chính sách hỗ trợ DN khác nhau trên cơ sở bám sát kế hoạch theo giai đoạn, sau mỗi năm sẽ tổng kết lại một năm thực hiện chính sách hỗ trợ DN và có những điều chỉnh cho năm tiếp theo. Thực trạng việc hỗ trợ DN tại Hải Phòng thông qua cơ chế, chính sách cụ thể như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ tiếp cận tín dụng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng tổ chức thực hiện các chính sách của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tín dụng nhằm tăng dư nợ cho vay đối với DN trên địa bàn thành phố; tham mưu cho thành phố những giải pháp nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với DN dựa trên xếp hạng tín nhiệm DN. Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố làm đầu mối chủ trì, phối hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của DN. Đến giữa năm 2020, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với 1239 khách hàng với dư nợ cơ cấu là 1919 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay với 2037 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm là 12 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,2- 2%/năm); cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi với 1997 khách hàng, doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 là 10.566 tỷ đồng.

Thứ hai, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa thành phố. Đây được coi là một trong những chính sách hỗ trợ DN của Hải Phòng nhằm thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố. Giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu để UBND thành phố ra quyết định thành lập Quỹ. Mặc dù vậy, đến nay Quỹ vẫn chưa được ra mắt để thực hiện chức năng, nhiệm vụ như định hướng.

Thứ ba, hỗ trợ mặt bằng sản xuất. Đề án bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển các cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho DN trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt. Việc triển khai đã có những kết quả nhất định như: giữ nguyên diện tích đối với 3 cụm công nghiệp (Vĩnh Niệm, Tàu thủy An Hồng, Tân Liên A) đã lấp đầy với tổng diện tích 113,06ha; Mở rộng diện tích của 6 cụm công nghiệp (Quán Trữ, thị trấn Tiên Lãng, An Lão, Kiền Bái – Cao Nhân, Dũng Tiến – Giang Biên) đã được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, 1/2.000 và 1/10.000 với tổng diện tích là 291ha. Quy hoạch mới 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 456,9 ha;

đưa ra khỏi quy hoạch 18 cụm công nghiệp không phù hợp với quy mô và điều kiện phát triển, với tổng diện tích 2,710ha.

Thứ tư, hỗ trợmở rộng thị trường. Hiện nay, Sở Công thương thành phố đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND thành phố thành lập hoặc tham gia thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư; khuyến khích, hướng dẫn DN và tổ chức đầu tư, kinh doanh khác thành lập các chuỗi phân phối sản phẩm có ít nhất 80% DN tại Hải Phòng tham gia trong chuỗi theo quy định. Bên cạnh đó là các chương trình xúc tiến để các DN trên địa bàn có cơ hội tiếp cận thị trường mới, mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư, phát triển.

Thứ năm, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho các DN tại Hải Phòng. Khóa học thường được tổ chức giữa năm và kéo dài trong 2-3 ngày. Bên cạnh đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các khóa đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các DN. Đến nay, hầu hết các DN hoạt động trên địa bàn Hải Phòng đều được hưởng các hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nêu trên. Các khóa đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước và tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như đào tạo trực tuyến, đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp... nhằm phù hợp với nhu cầu của DN.

Ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ nêu trên, Hải Phòng còn chú trọng các chính sách hỗ trợ DN hoạt động trên địa bàn trong việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang các hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH,...; hỗ trợ và đầu tư cho các DN khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Để đảm bảo các cơ chế, chính sách được thực hiện đúng như kế hoạch đã đề ra, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ trước ngày 31/01 hàng năm phải báo cáo kết quả triển khai thực hiện hỗ trợ DN của năm trước gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố hải phòng (Trang 82 - 85)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(111 trang)
w