TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA GIẢ ĐỊNH
Vũ Xuân Trọng
TÓM TẮT
Phiên tòa giả định được xem là một phương pháp tiếp cận mới, là xu hướng trong việc đào tạo những sinh viên luật trong khoảng thời gian gần đây tại phần lớn các trường đại học đào tạo về ngành luật. Thông qua phiên tòa giả định, mỗi sinh viên sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng pháp lý cần thiết về ngành luật. Tuy nhiên, không ít kiến thức, kỹ năng trong số đó lại rất khó nắm bắt, khó để áp dụng hiệu quả đối với phần lớn các sinh viên. Điển hình là kỹ năng lập luận pháp lý, một kỹ năng rất cần thiết trong xuyên suốt quá trình tham gia phiên tòa giả định và đặc biệt là trong tranh tụng tại phiên tòa giả định. Từ vấn đề kể trên, tác giả đã nghiên cứu, phân tích và đưa ra những kiến nghị nhằm giúp sinh viên có thể áp dụng hiệu quả các kỹ năng lập luận pháp lý trong việc tranh tụng tại phiên tòa giả định.
Từ khóa: Kỹ năng, lập luận pháp lý, phiên tòa giả định, hiệu quả. 1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, nước ta ngày càng có nhiều bước phát triển vượt bậc về kinh tế. Điều này cũng đi kèm với yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội ngày càng khắt khe và nguồn nhân lực về pháp lý cũng không nằm ngoài trong số đó, khi mà thị trường pháp lý luôn đặt ra những đòi hỏi về những người luật sư, những đội ngũ tư vấn pháp lý là phải có kiến thức luật pháp vững vàng và kỹ năng làm việc hiệu quả. Do đó, điều tất yếu là các cơ sở đào tạo về nghành luật trên cả nước nói chung và Trường Đại học Luật, Đại học Huế nói riêng đều phải nâng cao chất lượng đào tạo cho mỗi sinh viên theo nhu cầu của thị trường pháp lý. Cho nên, mô hình tranh tụng tại phiên tòa giả định đã được áp dụng mạnh mẽ trong quá trình theo học của mỗi sinh viên. Mô hình này được xem như là một phương pháp đào tạo mới, tạo sự hứng thú, tăng khả năng làm quen với hoạt động pháp lý, nâng cao kiến thức và kỹ năng pháp lý cho mỗi sinh viên tại trường.
108
Và trong số những kiến thức, kỹ năng mà sinh viên có thể hình thành, rèn luyện được thông qua hoạt động tranh tụng phiên tòa giả định thì có lẽ kỹ năng lập luận pháp lý được xem là một trong những kỹ năng khó nắm bắt hơn cả khi nó là sự kết hợp giữ kỹ năng và kiến thức, quyết định đến việc xâu chuỗi kiến thức pháp luật để đưa ra những lập luận mang tính pháp lý một cách đúng đắn nhất. Chưa kể đến, việc hình thành và áp dụng hiệu quả kỹ năng này phải thông qua cả hai yếu tố là tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng trong một quá trình lâu dài. Do đó, nhiều sinh viên khi tham gia phiên tòa giả định vẫn chưa thể nắm được và áp dụng có hiệu quả kỹ năng lập luận pháp lý. Điều này một mặt làm giảm đi tính hiệu quả trong việc hình thành, rèn luyện kỹ năng lập luận pháp lý thông qua phiên tòa giả định, một mặt khiến cho kết quả tranh tụng tại phiên tòa giả định không như mong đợi của nhiều sinh viên tham gia.
Vì vậy tác giả đã quyết định nghiên cứu, phân tích, đưa ra kiến nghị để giúp các sinh viên có thể áp dụng một cách có hiệu quả kỹ năng lập luận pháp lý trong tranh tụng tại phiên tòa giả định.