Tình hình tham vấn cộng đồng trong quản lý đất đai tại một số địa phương

Một phần của tài liệu 20211230_160403_NOIDUNGLA_TRONGTAN (Trang 38 - 41)

4. Những điểm mới của đề tài

1.2.3.1. Tình hình tham vấn cộng đồng trong quản lý đất đai tại một số địa phương

Tại Quảng Ninh, để thực hiện Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Hạ Long, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp phối hợp với các đối tác liên quan đã tổ chức hội nghị tham vấn cộng đồng về kế hoạch GPMB và TĐC của dự án nhằm phổ biến các thông tin cơ bản, kế hoạch GPMB và TĐC của dự án và thu thập ý kiến, thông tin từ người dân của các phường trong vùng dự án để hoàn thiện kế hoạch GPMB và TĐC. Đại diện hộ dân của các phường trong vùng dự án đều nhận thấy tầm quan trọng và sự phù hợp của dự án, họ đều đồng ý GPMB để dự án được thực hiện theo đúng mục tiêu bảo vệ môi trường biển Vịnh Hạ Long không bị ô nhiễm bởi nước thải (Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, 2017) [33].

Tại Quảng Trị, để thực hiện dự án phát triển đô thị hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS), Ban quản lý dự án GMS và chuyên gia tái định cư của Tư vấn hỗ trợ quản lý dư án và phát triển năng lực, đào tạo (PMSCD), phối hợp với UBND các phường Đông Giang, Phường II, Đông Lương, Đông Lễ của thành phố Đông Hà đã tổ chức các cuộc TVCĐ với sự tham gia của các cán bộ Chính quyền tại địa bàn tham vấn, các tổ chức đoàn thể tại phường và đông đủ các hộ bị ảnh hưởng, tham gia các cuộc TVCĐ còn có hai đơn vị thực hiện công tác kiểm đếm tại địa bàn là Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh và thành phố Đông Hà. Mục tiêu chính của các cuộc tham vấn là nhằm thảo luận kết quả điều tra kiểm đếm các ảnh hưởng đối với các tài sản, vật kiến trúc, đất đai, các loại cây trồng, cũng như các công trình công cộng trực tiếp bị ảnh hưởng, cập nhật đơn giá và lấy ý kiến và đề xuất của hộ bị ảnh hưởng về các bồi

thường và quyền lợi của họ, trong đó bao gồm cả phục hồi thu nhập và các phương án di dời tái định cư. Tại các cuộc tham vấn, các vấn đề mà người dân quan tâm mang tính thời sự và chính đáng đã được nêu ra và thảo luận hết sức sôi nổi trên tin thần xây dựng, các câu hỏi liên quan đến chính sách đề bù thiệt hại đã được các cán bộ của Dự án giới thiệu và trả lời ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, người dân đã thể hiện sự phấn khởi, đồng tình trong việc thực hiện dự án (Cao Viết Chính và cộng sự, 2016) [17].

Tại Hà Nam, trong quá trình xây dựng kế hoạch tái định cư cho các hạng mục bổ sung của Dự án phát triển các đô thị loại vừa, Tiểu dự án thành phố Phủ Lý, UBND huyện Phủ Lý đã thực hiện nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động TVCĐ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, quá trình TVCĐ ở hai giai đoạn là giai đoạn chuẩn bị dự án và giai đoạn thực hiện dự án. Mục tiêu của hoạt động TVCĐ tại Tiểu dự án này là đảm bảo cho những người bị ảnh hưởng tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị kế hoạch, giảm khả năng phát sinh mâu thuẫn và giảm thiểu rủi ro làm chậm dự án, từ đó cho phép Dự án thiết kế chương trình tái định cư và khôi phục như một chương trình phát triển tổng hợp, phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của người bị ảnh hưởng, từ đó tăng tối đa hiệu ích kinh tế và xã hội của nguồn vốn đầu tư. Kết quả TVCĐ cho thấy, chính quyền địa phương, các hội/đoàn thể địa phương, dân cư khu vực dự án và các hộ gia đình/tổ chức bị ảnh hưởng được thông báo về dự án, về mục tiêu và các hoạt động của dự án. Họ được tham khảo ý kiến và tham gia một cách tích cực vào các cuộc thảo luận về nhu cầu phát triển và ưu tiên của địa phương họ. Các hộ được tham vấn đánh giá về tác động tiêu cực có thể có của dự án và các biện pháp giảm thiểu chúng, và biện pháp tăng lợi ích của dự án đối với họ. Tất cả các các hộ đều nhất trí ủng hộ dự án; các hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp đều lựa chọn hình thức chi trả bằng tiền mặt với giá thay thế cho đất bị thu hồi và giá thị trường cho cây cối/ hoa màu trên đất; hầu hết các hộ phải di dời đều lựa chọn hình thức nhận đất tái định cư của dự án với cơ sở hạ tầng khu tái định cư phải phù hợp và đề xuất được ưu tiên vị trí thuận tiện cho việc buôn bán trong khu tái định cư. Bên cạnh đó, người dân và cộng đồng trong vùng dự án đồng ý tham gia thực hiện đúng quy trình kiểm kê, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; đồng thời thực hiện đúng quy trình khiếu nại (UBND Thành phố Phủ Lý, 2015) [101].

Tại tỉnh Hà Giang, trong quá trình lập phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì thực hiện lập phương án. Sau đó, UBND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị và nhân dân để góp ý cho phương án điều quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh. Hồ sơ lấy ý kiến bao gồm: Báo cáo tóm tắt điều quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Hà Giang; Danh mục nhu cầu sử dụng đất thực hiện các công trình, dự án đến năm 2020; Bản đồ

điều quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Thời gian công khai lấy ý kiến là 30 ngày, từ ngày 01/6/2017 đến hết ngày 30/6/2017 (UBND tỉnh Hà Giang, 2017) [29].

Tại tỉnh Bình Dương, UBND huyện Dầu Tiếng đã công bố công khai dự thảo Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của huyện Dầu Tiếng trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh để lấy ý kiến nhân dân, các nội dung lấy ý kiến gồm: Báo cáo tóm tắt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Dầu Tiếng, trong đó có các chỉ tiêu sử dụng đất, địa điểm, diện tích khu vực dự kiến thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong kỳ Quy hoạch sử dụng đất; Danh mục các công trình, dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030; Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Dầu tiếng (tỷ lệ 1/10.000). Thời gian lấy ý kiến là 30 ngày từ 15/7/2021 đến 15/8/2021. Hình thức lấy ý kiến gồm nhiều hình thức như nhân dân có thể góp ý trực tiếp tại UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Dầu Tiếng; góp ý bằng văn bản đến Trang Thông tin điện tử huyện Dầu Tiếng hoặc thông qua email (UBND huyện Dầu Tiếng, 2021) [28].

Trong quá trình xây dựng phương án Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, UBND thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý của Nhân dân về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 thành phố Đồng Hới trên Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh Quảng Bình. Các nội dung lấy ý kiến bao gồm: Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch sử dụng đất đến năm2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 thành phố Đồng Hới, trong đó có danh mục dự án, công trình dự kiến thực hiện trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

Bản đồ quyhoạch sử dụng đất đến năm 2030 thành phố Đồng Hới; Biểu quy hoạch lấy ý kiến Nhândân. Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là 30 ngày kể từ ngày 08/10/2020 (UBND thành phố Đồng Hới, 2020) [31].

UBND huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ cũng công khai dự thảo phương án Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 của huyện trên Cổng thông tin điện tử huyện Phù Ninh để lấy ý kiến nhân dân, hồ sơ lấy ý kiến bao gồm: Báo cáo thuyết minh Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 huyện Phù Ninh; Danh mục các công trình, dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030 huyện Phù Ninh; Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 huyện Phù Ninh. Thời gian lấy ý kiến là 30 ngày kể từ ngày công khai; người dân có thể góp ý bằng cách gửi email hoặc gửi văn bản góp ý trực tiếp cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Ninh (UBND huyện Phù Ninh, 2021) [30].

Hoạt động lấy ý kiến nhân dân cho phương án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn được nhiều địa phương trên cả nước tổ chức trong thời gian qua theo đúng quy định của pháp luật đất đai, đảm bảo quyền lợi của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả của phương án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; đồng thời phát huy dân chủ ở cơ sở.

1.2.3.2. Tham vấn cộng đồng về Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 liên quan đến hộ gia đình và cộng đồng

Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (Trường Đại học Nông Lâm–Đại học Huế), Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý tài nguyên và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (2014) [75], đã phối hợp thực hiện hoạt động TVCĐ cho việc điều chỉnh và bổ sung Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 về những vấn đề liên quan đến cộng đồng và hộ gia đình nhằm cải thiện sinh kế người dân sống phụ thuộc vào tài nguyên đất, rừng đồng thời góp phần vào việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tốt hơn. Phạm vi thực hiện hoạt động TVCĐ này tại địa bàn 8 xã thuộc 6 huyện của 3 tỉnh đại diện cho 3 vùng miền khác nhau: (1) Vùng Tây Nguyên: Xã Ea Sol của huyện Ea H’leo và xã Yang Mao của huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk. (2) Vùng Bắc Trung Bộ: Xã Hương Lộc, xã Hương Sơn của huyện Nam Đông và xã Hồng Thượng, xã Sơn Thủy của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. (3) Vùng Tây Bắc: Xã Tân Pheo của huyện Đà Bắc và xã Quyết Chiến của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Đối tượng của hoạt động TVCĐ này là cộng đồng và hộ gia đình các dân tộc Gia Rai và M’Nông (Tây Nguyên); Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Kô và dân tộc Kinh (Bắc Trung Bộ); dân tộc Tày và Mường (Tây Bắc). Thông qua hoạt động TVCĐ, các vấn đề được phát hiện là:

(1) Qui hoạch rừng đặc dụng chồng lên rừng tự nhiên đã giao cho hộ gia đình. (2) Khó thực hiện đầy đủ qui định giao rừng cho toàn “cộng đồng dân cư thôn”. (3) Giao rừng cho nhóm hộ khá phổ biến và có hiệu quả nhưng chưa được luật pháp công nhận. (4) Giao rừng tự nhiên không gắn với giao đất - hoàn tất thủ tục giao rừng tự nhiên xong nhưng chưa hoàn tất thủ tục giao đất lâm nghiệp cho người dân. (4) Hộ gia đình đứng tên thay cho cộng đồng trong hồ sơ chi trả dịch vụ môi trường rừng. (5) Thủ tục phức tạp cản trở chủ rừng tận thu, khai thác gỗ gia dụng trong các khu rừng đã được giao. (6) Chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân bảo vệ rừng. (7) Chưa có chính sách hưởng lợi phù hợp cho người dân nhận rừng. (8) Quy ước BV&PTR trong cộng đồng mang nặng tính hình thức, khó áp dụng và không hiệu quả. (9) Chính sách về giải quyết các vụ vi phạm lâm luật không đảm bảo quyền hưởng lợi của chủ thể được giao rừng, do đó không khuyến khích việc họ bảo vệ rừng hiệu quả.

Một phần của tài liệu 20211230_160403_NOIDUNGLA_TRONGTAN (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(181 trang)
w