4. Những điểm mới của đề tài
3.1.1.4. Các nguồn tài nguyên
a. Tài nguyên đất
Toàn huyện có 14 loại đất chính, quy mô và cơ cấu các loại đất tại bảng 3.1.
Bảng 3.1: Quy mô và cơ cấu các loại đất huyện Hướng Hoá
STT Tên đất Ký hiệu Diện tích Cơ cấu
(ha) (%)
Tổng diện tích tự nhiên 115.235,72 100
1 Đất phù sa không được bồi P 462,00 0,40
2 Phù sa suối Py 323,00 0,28
3 Đất nâu đỏ trên đá BaZan Fk 2.897,00 2,51
4 Đất nâu vàng trên đá Ba Zan Fu 25,00 0,02
5 Đất đỏ vàng trên đá Granit Fa 40.492,58 35,14
6 Đất đỏ vàng trên đá Granit-Nai Fj 18.466,00 16,02
7 Đất đỏ vàng trên đá Gơnai Fj 425,00 0,37
8 Đất đỏ vàng trên đá phiến sét Fs 24.895,00 21,60
9 Đất nâu tím trên đá phiến tím Fe 4.120,00 3,58
10 Đất vàng nhạt trên đá cát Fq 15.659,00 13,59
11 Đất mùn vàng đỏ trên đá Granit Ha 5.900,00 5,12
12 Đất mùn vàng đỏ trên đá Granit-Nai Hj 150,00 0,13
13 Đất thung lũng dốc tụ D 462,00 0,40
14 Đất xói mòn trơ sỏi đá E 959,14 0,83
Nguồn: UBND huyện Hướng Hóa
Qua bảng 3.1 cho thấy, huyện Hướng Hóa có 14 nhóm đất, trong đó đất đỏ vàng trên đá Granit có diện tích nhiều nhất với 40.492,58 ha (chiếm 35,14% tổng diện tích
tự nhiên) và đất nâu vàng trên đá Bazan có diện tích ít nhất với 25 ha (chiếm 0,28% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện).
Huyện có cơ cấu đất đai đa dạng, tiềm năng đất đai lớn để đa dạng hóa cơ cấu sử dụng đất, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp, phát triển các loại cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt và hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình đồi dốc nhiều, một số nơi độ dốc lớn nên hiện tượng đất đai bị xói mòn, rửa trôi, thoái hóa đất còn xảy ra, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc sử dụng đất và hiệu quả sử dụng đất của địa phương.
b. Tài nguyên nước
* Nguồn nước mặt: Tại huyện có 2 con sông lớn và nhiều sông suối nhỏ.
Sông Sêpôn: Chảy ven theo ranh giới với Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, theo hướng từ phía Nam lên phía Tây, vùng ven theo phía Nam các xã: Xy, A Túc và phía Tây các xã: Thanh, Thuận, Tân Long, Tân Thành, thị trấn Lao Bảo rồi chảy vào địa phận của Lào, đoạn sông chảy qua huyện Hướng Hóa là 55 Km, có nguồn nước dồi dào.
Sông Rào Quán: Chảy từ núi cao của xã Hướng Sơn qua Hướng Linh, Tân Hợp rồi đổ vào sông Quảng Trị (tại xã Đakrông), sông dài 30km, nguồn nước khá dồi dào. Hiện nay đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hồ Thủy lợi -Thủy điện Quảng Trị
ở hạ lưu của sông Rào Quán.
Sông Sê Băng Hiêng: chảy qua xã Hướng Lập, theo hướng từ Đông sang Tây và chảy vào nước CHDCND Lào; Suối bản Cợp, suối Xa Ry chảy từ Đông sang Tây đổ vào sông Sen ra sông Sê băng hiêng; Sông Cam và suối Tiên Hiên bắt nguồn từ dãy núi cao của xã Hướng Sơn đổ ra sông Cam Lộ; Khe Tà Bồng: Bắt nguồn từ phía Bắc xã Hướng Sơn chảy xuống phía Nam xã rồi đổ vào sông Rào Quán. Ngoài ra còn rất nhiều khe, suối nhỏ ở hầu hết các xã và đổ vào các sông lớn kể trên.
Nguồn nước ao, hồ: Huyện có một số hồ đập quan trọng phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống dân sinh, đồng thời góp phần cải tạo môi trường như: Đập Kỳ Nơi (A Túc), hồ Tân Tài (Tân Lập), hồ A Xao (A Túc), hồ Xa Kia (Hướng Phùng), hồ Lương Lễ (Tân Hợp), đập Tân Liên (Tân Liên), đập Hướng Tân (Hướng Tân), hồ chứa nước Thuỷ lợi - Thuỷ điện Quảng Trị diện tích trên 1000ha, trữ lượng gần 400 triệu m3.
* Nguồn nước ngầm: Qua điều tra thực tế cho thấy mực nước ngầm trong vùng rất sâu, hầu hết các giếng đào có mạch nước ngầm sâu hơn 15 - 20m. Theo kết quả khảo sát của Công ty TNHH 1 thành viên cấp nước và Xây dựng Quảng Trị tại các điểm thị trấn Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh cho thấy chất lượng nước ngầm tương đối tốt, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh của nước sinh hoạt. Có thể nói, địa phương có nguồn tài nguyên nước tương đối dồi dào, thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho con người và phát triển thủy điện.
c. Tài nguyên rừng
Hướng Hoá có tài nguyên rừng đa dạng với nhiều chủng loại gỗ quý và phong phú. Toàn huyện có 61339,5 ha đất lâm nghiệp, chiếm 53,23% diện tích tự nhiên. Trong đó rừng sản xuất có diện tích 16122,9 ha, chiếm 26,28% diện tích đất lâm nghiệp; rừng phòng hộ có diện tích 22571,0 ha, chiếm 36,8% diện tích đất lâm nghiệp; rừng đặc dụng có diện tích 22645,6 ha, chiếm 36,92% diện tích đất lâm nghiệp.
Tài nguyên rừng đa dạng nên huyện Hướng Hóa có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành lâm nghiệp, thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng quản lý theo chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp cũng là thách thức đối với địa phương trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng.
d. Tài nguyên động vật hoang dã
Trên địa bàn có nhiều loại chim thú hoang dã như: Lợn rừng, Nai, Mang, Khỉ, Gấu, Trĩ, Gà Lôi Lam... Đây là nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá có ý nghĩa lớn về môi trường sinh thái, khoa học và kinh tế. Thời gian đến, huyện Hướng Hóa cần có những giải pháp, chính sách phù hợp để bảo tồn và gia tăng số lượng những loài động vật quý hiếm nhằm phục vụ đắc lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học và các mục đích khác.
e. Tài nguyên khoáng sản
Nguồn khoáng sản tại huyện Hướng Hoá chưa có kết quả điều tra chi tiết, theo những tài liệu đã công bố, khoáng sản đáng kể nhất trên địa bàn là đá vôi (Hướng Lập) có chất lượng khá tốt, có thể sử dụng cho công nghiệp xi măng, tại xã Hướng Sơn có mỏ sắt Làng Hồ với trữ lượng nhỏ có thể đưa vào khai thác trong thời gian tới, đá đỏ chưa khai thác tại Chênh Vênh của xã Hướng Phùng.
Như vậy, tài nguyên khoáng sản tại địa bàn huyện Hướng Hóa là không quá đa dạng, không có nhiều loại khoáng sản có giá trị lớn như vàng hay các loại khoáng sản kim loại khác, đây là một trong những khó khăn, trở ngại cho địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Thời gian đến, huyện cần có kế hoạch, hình thức kêu gọi dự án hoặc nguồn vốn để thực hiện hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá toàn diện về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn nhằm có được những thông tin chi tiết, chính xác về loại tài nguyên này của địa phương, từ đó có cơ sở để xây dựng các phương án quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội phù hợp, khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương.