Các công trình nghiên cứu tại Việt Nam

Một phần của tài liệu 20211230_160403_NOIDUNGLA_TRONGTAN (Trang 45 - 48)

4. Những điểm mới của đề tài

1.2.4.2. Các công trình nghiên cứu tại Việt Nam

Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu có liên quan đến cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số và các nội dung nghiên cứu của đề tài khá nhiều, tiêu biểu có một số nghiên cứu sau đây:

Nghiên cứu của tác giả Lê Quang Vĩnh và cộng sự (2012) [104] về đánh giá hiệu quả quản lý rừng cộng đồng tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, chất lượng rừng do cộng đồng dân cư thôn quản lý bảo vệ ngày càng được nâng cao, cơ cấu thu nhập của người dân thay đổi so với trước khi giao rừng. Nhận thức của người dân về vai trò của rừng cộng đồng cũng có sự thay đổi có lợi cho việc quản lý bảo vệ, nhờ đó mà rừng cộng đồng hạn chế được hiện tượng xói mòn, lở núi, cát bay; bảo đảm được nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và hoạt động du lịch sinh thái ở các thôn. Qua việc giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý ở Phú Lộc còn cho thấy, cộng đồng dân cư thôn quản lý bảo vệ có hiệu quả hơn so với nhóm hộ. Trong đó có thôn Thuỷ Dương và thôn Thuỷ Yên Thượng đạt được hiệu quả quản lý tốt hơn các thôn khác.

Tác giả Lê Thị Phúc (2014) [59] đã nghiên cứu đề tài “Pháp luật về quy hoạch sử dụng đất qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, trong đó kết quả nghiên cứu về nội dung lấy ý kiến nhân dân về phương án quy hoạch các cấp tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy: Theo quy định của Luật Đất đai 2003, đối với quy hoạch sử dụng đất chi tiết cấp xã phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong vùng quy hoạch. Trước khi lập và xét duyệt quy hoạch sử dụng đất chi tiết thì chính quyền các xã, phường, thị trấn phải tiến hành lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong phạm vi đơn vị hành chính mà mình quản lý. Quán triệt tinh thần của Luật Đất đai năm 2003, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực chỉ đạo các cơ quan và chính quyền các cấp huyện, xã thực hiện quy định này. Dự thảo quy hoạch sử dụng đất chi tiết được công bố công khai tại trụ sở UBND, đồng thời được cán bộ trực tiếp giới thiệu tới từng thôn, từng tổ dân phố. Bên cạnh đó, UBND đã chỉ đạo, bố trí cán bộ tiếp dân và giải đáp các vấn đề liên quan đến quy hoạch. Việc giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng đã được thực hiện nhằm

giúp nhân dân hiểu rõ hơn về quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, kết quả này còn hạn chế trong một số đơn vị cấp xã chứ chưa được sâu rộng trong toàn tỉnh. Việc lấy ý kiến nhân dân còn mang tính hình thức, việc giới thiệu dự thảo quy hoạch chỉ dừng lại

ở ban lãnh đạo các thôn, các bản, các tổ dân phố. Đối với các xã miền núi thậm chí không tổ chức lấy ý kiến nhân dân [35]. Việc công bố công khai quy hoạch sử dụng đất được quy định tại Điều 28 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 27 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003. Theo đó tất cả các tài liệu về quy hoạch sử dụng đất các cấp đều phải công bố công khai cho toàn thể nhân dân biết và trong suốt quá trình diễn ra quy hoạch (trong suốt kỳ quy hoạch). UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở TNMT và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tiến hành công bố công khai các tài liệu về quy hoạch sử dụng đất. Việc công bố đã tiến hành qua nhiều hình thức như thông qua kỳ họp của HĐND các cấp, qua việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nơi công cộng để nhân dân biết, thực hiện và tham gia giám sát. Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế đã công bố quy hoạch sử dụng đất chi tiết tại trụ sở của Ban quản lý. Tuy nhiên, một số dự án, một số công trình đã được phê duyệt nhưng không triển khai công bố hoặc việc công bố không được diễn ra trong suốt kỳ quy hoạch, dẫn đến nhiều người dân trong vùng dự án đã gây khó khăn, cản trở các đơn vị thi công. Riêng đối với cấp huyện và cấp xã thì việc công khai quy hoạch còn nhiều hạn chế hơn. Nhiều đơn vị lập và phê duyệt QHSDĐ chậm nên việc công bố triển khai rất chậm. Nhiều xã việc thực hiện công bố công khai còn mang tính hình th ức và đối phó, sơ sài. Việc công bố chủ yếu là niêm yết tại trụ sở UBND nên việc tiếp cận của nhiều người dân gặp khó khăn. Nhiều người dân có điều kiện tiếp cận nhưng do hạn chế về nhận thức và trình độ nên họ không hiểu được các nội dung ở tài liệu mà UBND xã đã công bố. Các xã không bố trí cán bộ tiếp dân và giải thích các yêu cầu của nhân dân dẫn đến nhiều địa phương đã công bố theo luật định nhưng nhiều người dân trong vùng quy hoạch vẫn không hề hay biết. Việc công bố trên website của các cơ quan có trách nhiệm cũng còn rất hạn chế và mang tính hình thức.

Tác giả Nguyễn Thị Khuy (2015) [47] đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp tăng cường TVCĐ trong quản lý đất đai trên địa bàn huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình”. Kết quả nghiên cứu của tác giả này cho thấy: Nội dung TVCĐ về công tác quản lý Nhà nước về đất đai gồm đăng ký và cấp giấy chứng nhận; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đều đã được thực hiện theo đúng Luật Đất đai 2003, Nghị định 88/2009/NĐ-CP, Thông tư 17/2009/TT-BTNMT, Chỉ thị số 30/CT-TW và Quyết định số 16/2008/QĐ- UBND của UBND tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, cộng đồng chưa được tiếp cận đầy đủ và kịp thời các thông tin về chính sách pháp luật đất đai, đặc biệt các nội dung liên quan đến các quyền sử dụng đất mà người dân quan tâm như thông tin về đăng ký và cấp giấy chứng nhận; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc bồi thường, hỗ

trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi; trình tự thủ tục, nội dung TVCĐ cũng như sự tham gia, giám sát của cộng đồng trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật đất đai. Kết quả đánh giá TVCĐ cho thấy, người dân đã tham gia tương đối tích cực và có đóng góp đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đất đai tại địa phương. Tuy nhiên, việc hiệu quả tham vấn còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức, nội dung và đối tượng tham vấn. Đối với công tác đăng ký và cấp giấy chứng nhận, TVCĐ đã đạt được sự đồng thuận của cộng đồng với mức đánh giá là trung bình (giá trị trung bình chung là 3,12). Về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, TVCĐ trong quy hoạch sử dụng đất có 9/10 nội dung được sự đồng thuận của cộng đồng. Trong đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất cơ sở thể dục thể thao không được sự đồng thuận của cộng đồng (giá trị trung bình chung là 2,57) được đánh giá là kém. Các chỉ tiêu TVCĐ về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chủ yếu được đánh giá từ mức trung bình đến rất tốt, riêng chỉ tiêu về giá dự kiến trong bồi thường, hỗ trợ được đánh giá ở mức kém. Nghiên cứu cũng đã đề xuất được hai nhóm giải pháp về chính sách và kỹ thuật nhằm góp phần tăng cường TVCĐ trong quản lý đất đai tại địa phương.

Tác giả Nguyễn Từ Đức (2018) [35] thực hiện nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp hợp lý trong công tác giao đất lâm nghiệp cho đồng bào DTTS tại huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã chỉ ra rằng: (1) Nhu cầu về đất sản xuất lâm nghiệp của người dân DTTS rất cao, qua khảo sát chỉ có 176/318 hộ, chiếm 55,34% hộ được điều tra có đất trồng rừng sản xuất. Có đến 316/318 hộ, chiếm 99,37% hộ có nhu cầu được giao đất để trồng rừng sản xuất, với diện tích 2 026 ha và còn 257 hộ thiếu đất, chiếm 80,81%. Vì vậy, thiếu đất trồng rừng sản xuất đang là vấn đề cấp thiết và quan trọng trong mọi nhu cầu đời sống hàng ngày của đồng bào DTTS. (2) Tại địa bàn phía Tây các huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, công tác giao đất lâm nghiệp cho đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến năm 2015, tổng diện tích đất rừng trồng sản xuất đã được giao cho người DTTS đạt 4 451,4 ha chiếm 39,6% diện tích đất hộ gia đình cá nhân đang sử dụng, đặc biệt từ năm 2012 đến năm 2015 đã giao được 4 281,9 ha. Lực lượng tham gia vào công tác giao đất lâm nghiệp cho đồng bào DTTS ngày càng lớn; thông tin về chính sách giao đất lâm nghiệp luôn được phổ biến rộng rãi; Nhận thức của cán bộ đối với công tác giao đất lâm nghiệp cho đồng bào DTTS nâng cao và công tác cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác giao đất lâm nghiệp cho đồng bào DTTS vẫn hạn chế, còn rất nhiều khó khăn tồn tại trong công tác giao đất lâm nghiệp từ chính sách, khâu tổ chức thực hiện và các trở ngại từ điều kiện thực tiễn địa bàn. (3) Nghiên cứu đã đề xuất được 04 nhóm giải pháp về: Triển khai thực hiện; Tài chính; Chính sách và Giải pháp về Quản lý. Các nhóm giải pháp đầy đủ các yếu tố, nội dung cần thiết có thể giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác giao đất lâm nghiệp cho đồng bào DTTS trên khu vực phía Tây các huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh trong thời gian qua, hướng đến công tác giao đất lâm nghiệp cho người dân nói chung, cho người DTTS nói riêng đạt được hiệu quả.

Các tác giả Trần Vang Phủ và Nguyễn Võ Linh Giang (2019) [58] đã nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện quy định về lấy ý kiến người dân trong quá trình lập quy hoạch xây dựng đô thị”. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã giới thiệu về tổng quan quyền tiếp cận thông tin của người dân trong quy hoạch xây dựng đô thị; Quy định pháp luật về lấy ý kiến người dân trong quá trình lập quy hoạch xây dựng đô thị bao gồm: đối tượng được lấy ý kiến, chủ thể có trách nhiệm lấy ý kiến, phạm vi lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến, thời gian lấy ý kiến, hình thức lấy ý kiến và cách thức xử lý thông tin; Những vấn đề đặt ra trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin trong quá trình lập quy hoạch xây dựng đô thị; từ đó các tác giả đã đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động lấy ý kiến người dân về quy hoạch xây dựn đô thị. Nhìn chung, trong nghiên cứu này các tác giả chủ yếu kế thừa các dữ liệu thứ cấp, các quy định của pháp luật có liên quan và các nghiên cứu có liên quan khác để tổng hợp và đưa ra các nhận định, đánh giá và đề xuất của mình về vấn nghề nghiên cứu .

Nghiên cứu của Phạm Thanh Quế (2020) [60] về quản lý, sử dụng đất rừng dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cho thấy, công tác quản lý, sử dụng đất rừng cộng đồng đã góp phần tăng thu nhập cho người dân trong cộng đồng, góp phần ổn định sinh kế của người dân. Mặc dù vậy, tỷ lệ thu nhập từ diện tích đất rừng trung bình của các hộ không cao, chỉ chiếm khoảng 9,26% đến 16,59%; đối với các hộ khá và giàu thì thu nhập từ rừng cộng đồng chỉ đóng góp khoảng 4,00% tổng thu nhập của hộ; nhưng đối với các hộ nghèo và cận nghèo thì đây là một nguồn thu đáng kể, chiếm khoảng từ 17,71% đến 21,80% tổng thu nhập của hộ. Nhận thức của người dân trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng dựa vào cộng đồng cũng thay đổi. Những trường hợp vi phạm quy chế quản lý, sử dụng đất rừng cộng đồng đã giảm đáng kể. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 29 yếu tố thuộc 4 nhóm yếu tố có ảnh hưởng đến công tác quản lý sử dụng đất rừng dựa vào cộng đồng, bao gồm: nhóm yếu tố liên quan đến pháp luật; nhóm yếu tố điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng; nhóm yếu tố kinh tế và nhóm yếu tố xã hội. Trong đó, nhóm yếu tố những quy định pháp luật có ảnh hưởng lớn nhất (33,44%), sau đó đến nhóm yếu tố tự nhiên, cơ sở hạ tầng (32,27%), tiếp đến là nhóm yếu tố xã hội (25,13%) và ảnh hưởng ít nhất là nhóm yếu tố điều kiện kinh tế (9,16%). Nghiên cứu cũng đã đề xuất được một số giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện công tác quản lý, sử dụng đất rừng dựa vào cộng đồng.

Một phần của tài liệu 20211230_160403_NOIDUNGLA_TRONGTAN (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(181 trang)
w