Độ pH là một trong những nhân tố môi trường có ảnh hưởng rất lớn trực tiếp và gián tiếp đến đời sống của thuỷ sinh vật như: sinh trưởng, sinh sản, tỉ lệ sống và dinh dưỡng. pH thích hợp cho thuỷ sinh vật thường nằm trong khoảng từ 6,5-9. Đối với cá nước ngọt thì khoảng pH tối ưu thường nằm trong khoảng từ 7 - 8. Tôm nước lợ thì khoảng pH tối ưu thường nằm trong khoảng từ 8 - 8,5... Khi pH môi trường nước quá cao hay quá thấp đều không thuận lợi cho quá trình phát triển của thuỷ sinh vật.
Mức độ ảnh hưởng của pH đối với tôm cá được thể hiện theo bảng dưới đây:
Bảng 5.1. Ảnh hưởng của pH đối với tôm cá
TT pH dao động Tác động ảnh hưởng 1 < 4 Tôm, cá chết 2 5,5 – 6 Chậm phát triển 3 7 – 9 Phát triển tốt 4 > 9 – 11 Chậm phát triển 5 > 11 Tôm, cá chết
Tác động chủ yếu của pH khi quá cao hay quá thấp là làm thay đổi độ thẩm thấu của màng tế bào dẫn đến làm rối loạn quá trình trao đổi muối - nước giữa cơ thể và môi trường ngoài.
Độ pH có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của phôi, quá trình dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản của cá. Cá sống trong môi trường có pH thấp sẽ chậm phát dục, nếu pH quá thấp sẽ không đẻ hay đẻ rất ít. Khi pH cao làm phá huỷ mang và da cá, làm tôm bị tổn thương phụ bộ, mang cũng như gây trở ngại cho việc lột xác và tôm bị mềm vỏ.
Các ảnh hưởng sinh hoá của pH đến vật nuôi cũng là nguyên nhân làm tăng ngưỡng oxy của vật nuôi khi pH giảm. Ví dụ: cá chép cỡ 0,5 kg/con, khi pH = 7 ngưỡng oxy của nó là 0,11 mg/l; nhưng nếu pH = 6 thì ngưỡng oxy của nó là 0,22 mg/l.
pH cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới nhiều các quá trình chuyển hoá các chất trong nước, như làm ảnh hưởng tới độ kiềm, hoà tan hay làm kết tủa nhiều kim loại. Tuy nhiên, tác động chủ yếu của chúng đối với môi trường nước chủ yếu là làm ảnh hưởng đến sự chuyển hoá các loại khí độc như NH3, H2S trong nước. Hàm lượng khí NH3 tăng dần khi pH tăng và hàm lượng khí H2S tăng dần khi pH giảm.
Để hạn chế độc tính của các loại khí độc này trong ao nuôi thuỷ sản phải luôn duy trì pH ổn định trong khoảng từ 7 - 8,5.