Do yêu cầu của các chuyên gia trong quá trình phỏng vấn, luận án không nêu cụ thể tên của chuyên gia đã nêu ra cho từng nhận định đánh giá thu được. Thay vào đó, luận án thực hiện tổng hợp, đối chiếu và so sánh nhận định, ý kiến của các chuyên gia với nhau để ra ra kết quả.
Trong quá trình phỏng vấn, luận án nhận nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ lớn từ các chuyên gia nên các thông tin thu nhập được đều là những chia sẻ sâu sắc và có giá trị cao:
Các động lực của ngân hàng để thực hiện OFDI
Có 3 động lực chính xuất hiện nhiều nhất trong phần trả lời của các chuyên gia: - Thứ nhất là theo chân khách hàng trong nước đi ra nước ngoài. Các chuyên gia nêu ra
minh chứng cho động lực này là các quốc gia mà NHTM VN hướng đến cũng là các quốc gia thu hút được lượng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt nam thời gian qua. Cụ thể đó là Myanmar, Lào và Campuchia. Cũng có những chuyên gia nhấn
mạnh đến yêu cầu phải hướng đến phục vụ các doanh nghiệp Việt nam tại thị trường nước ngoài trước khi xem xét tiếp đến các mảng thị trường khác. Khi hỏi về nguyên nhân, các chuyên gia nêu nguyên nhân quan trọng nhất đó là để đảm bảo có hoạt động kinh doanh phát triển, có thu nhập ngay từ thời gian đầu khi hoạt động.
Đây là điểm khá thú vị nên các câu hỏi phỏng vấn tập trung tìm kiếm sâu hơn cơ sở cho nhận định này. Theo đó, khác với các tập đoàn nước ngoài khi thực hiện đầu tư mạo hiểm hay vào các thị trường mới. Khi đó họ thường cho phép một khoảng thời gian hoàn vốn nhất định. Thông thường có thể kéo dài từ 3-5 năm, thậm chí 10 năm. Tuy nhiên hầu hết các ngân hàng Việt Nam luôn đặt áp lực có lợi nhuận ngay từ năm đầu kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Điều này buộc các đơn vị tại thị trường nước ngoài tìm đến các doanh nghiệp Việt nam tại thị trường nước để làm bàn đáp đầu tiên. Chính nguyên nhân này khiến cho các ngân hàng Việt nam thường hướng đến các quốc gia có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh. Và đây có lẽ cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động kinh doanh tại một số ngân hàng tại thị trường nước ngoài chưa thực sự tốt với nợ xấu cao và danh mục khách hàng đơn giản, công tác quản trị rủi ro hạn chế.
- Thứ hai là động lực mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Có thể động lực theo chân khách hàng là động lực đầu tiên, khơi nguồn cho ý tưởng thực hiện OFDI của các NHTM Việt Nam. Tuy nhiên động lực tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, mở rộng thị trường có lẽ là động lực bao phủ, có vai trò quan trọng chính. Hoặc tối thiểu cũng tương đương với động lực theo chân khách hàng. Hầu hết các ngân hàng đều nhận thức được việc chỉ dựa vào phục vụ khách hàng Việt Nam tại nước ngoài sẽ không đủ và rủi ro, nên đều hướng đến thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước ngoài, tìm kiếm những mảng, phân khúc thị trường phù hợp để hướng đến phát triển bền vững, lâu dài, ổn định.
Mục tiêu này là có cơ sở khi nền kinh tế các quốc gia lân cận như myanmar hứa hẹn rất nhiều tiềm năng phát triển. Kéo theo đó chắc chắn ngành ngân hàng cũng sẽ tăng trưởng vượt bậc. Với kinh nghiệm từ chính bản thân tăng trưởng ngành ngân hàng Việt nam trong 30 năm qua, các NHTM Việt Nam có thể nhìn nhận khá rõ về tiềm năng và tương lai phát triển của các thị trường nước ngoài. Đặc biệt thị trường các quốc gia như Myanmar, Lào còn có khoảng cách địa lý khá gần với Việt nam và có hỗ trợ tích cực từ quan hệ ngoại giao 2 nước.
Bên cạnh đó trong các cuộc phỏng vấn, các chuyên gia cũng đều nhấn mạnh đến chiến lược phát triển lâu dài của các ngân hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài
là mảng bán lẻ. Điều này khẳng định mục tiêu mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới là mục tiêu dài hạn của các ngân hàng.
- Thứ ba là động lực từ cạnh tranh tại thị trường trong nước. Mức độ cạnh tranh tại thị trường ngân hàng trong nước ngày càng gay gắt hơn. Đây là áp lực thúc đẩy các NHTM tìm kiếm, mở rộng thêm các mảng thị trường tại nước ngoài. Ở khía cạnh khác, cũng từ giác độ cạnh tranh, việc có ngày càng nhiều ngân hàng thực hiện đầu tư, mở rộng thị trường ra nước ngoài cũng trở thành áp lực đối với các ngân hàng khác cũng thực hiện mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Với những mục tiêu như vậy thì những lợi ích mà ngân hàng đạt được đến nay khi OFDI là gì
- Gia tăng ưu thế trong cạnh tranh thông qua nâng cao công tác dịch vụ khách hàng đối với các khách hàng cả doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động liên quan đến thị trường nước ngoài. Đây là lợi ích mà nhiều chuyên gia nhắc đến nhất. Trong các cuộc trao đổi có ghi nhận ý kiến khi cho rằng có nhiều trường hợp chi nhánh hoạt động tại nước ngoài tìm kiếm được khách hàng Việt nam tại thị trường nước ngoài và lôi kéo ngược trở lại cho ngân hàng mẹ trong nước. Theo ý kiến đánh giá của chuyên gia, lượng khách hàng như vậy là không nhỏ. Điều này cho thấy lợi ích thông qua khai thác lợi thế đặc thù là khá lớn.
- Một lợi ích khác nữa mà các chuyên gia nhắc đến rất nhiều đó là lợi ích trong dài hạn. Nhiều chuyên gia nhắc đến lợi thế về mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt nam với các quốc gia như Myanmar, Lào, Campuchia. Đây là cơ sở cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng từng bước phát triển, thâm nhập sâu rộng vào những thị trường mới. Trong khi những thị trường này đang phát triển nhanh chóng. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến yêu cầu phải nhanh chóng có hiện diện và dần mở rộng phạm vi kinh doanh tại thị trường nước ngoài như một điều kiện bắt buộc để có thể phát triển ổn định, bền vững trong tương lai. Đặc điểm này được củng cố thêm bởi nhận định chi phí để mở một đơn vị kinh doanh tại nước ngoài không nhỏ nhưng cũng không phải quá lớn. Khi đó tính đến yếu tố thời gian lâu dài, những lợi ích mang lại từ hoạt động OFDI sẽ rất lớn đối với các NHTM Việt nam.
Trong quá trình phỏng vấn, có một số chuyên gia nhấn mạnh đến vấn đề nếu không thực hiện những bước đầu tiên thì sẽ không bao giờ có được
- Lợi ích giảm chi phí nhờ đạt được lợi thế theo quy mô và theo phạm vi. Khi các ngân hàng con tại nước ngoài của các ngân hàng Việt Nam được hỗ trợ lớn từ ngân
hàng mẹ trong các công việc như phát triển sản phẩm, công nghệ, quản lý rủi ro, kiểm tra kiểm soát, mô hình tổ chức…
Tuy nhiên có chuyên gia cho rằng lợi thế này không phải là quá lớn và ít nhất trong thời điểm hiện tại thì đây không phải lợi ích chính mang lại. Cụ thể theo chuyên gia được phỏng vấn, có rất nhiều trường hợp quy định pháp luật tại nước ngoài không cho phép dùng chung hệ thống ngân hàng lõi với ngân hàng mẹ ở trong nước. Không những vậy ngay khi được pháp luật cho phép thì những điều khoản ràng buộc với nhà thầu cung cấp hệ thống ngân hàng lõi với ngân hàng mẹ cũng không cho phép mở rộng ra nước ngoài. Thường các điều khoản mở rộng sẽ kèm theo chi phí rất lớn, tương đương với việc mua một hệ thống ngân hàng lõi mới. Tuy nhiên đến quốc gia thứ 10 trở đi, chi phí mua hệ thống ngân hàng lõi mới lại giảm đi. Theo đó với số lượng thị trường nước ngoài của các NHTM Việt nam chỉ lên đến tối đa là 4 thị trường, việc khai thác lợi thế theo quy mô nhờ giảm chi phí khấu hao tài sản cố định là gần như không đạt được.
Mặc dù vậy những lợi thế về chi phí phát triển sản phẩm mới, xây dựng các quy trình, quy định pháp luật lại được những chuyên gia nhắc đến rất nhiều. Một ví dụ được nêu ra khá thú vị khi việc xây dựng toàn hệ thống sản phẩm, quy trình, thế chế của một đơn vị mới đặt tại nước ngoài chỉ gói gọn trong thời gian từ 2-3 tháng triển khai. Điều này thực hiện được nhờ đội ngũ cán bộ rất có kinh nghiệm tại ngân hàng mẹ đưa sang hỗ trợ xây dựng và định kỳ thực hiện chỉnh sửa.
- Cuối cùng là đa dạng hóa thị trường. Đây là lợi ích được nhiều chuyên gia nhắc đến và nhấn mạnh. Điều này khá bất ngờ khi thực hiện phỏng vấn. Trong giả định ban đầu, với điều kiện các ngân hàng Việt nam chỉ đầu tư vào các thị trường kém phát triển và chỉ 2-3 quốc gia lân cận thì những lợi ích thu được từ đa dạng hóa rủi ro, ổn định nguồn thu sẽ rất ít cơ hội có thể thu được. Tuy nhiên các chuyên gia nhấn mạnh đến yếu tố khác. Đó là khi thực hiện OFDI, có hoạt động tại một thị trường khác, các tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế luôn ghi nhận tích cực hơn so với những ngân hàng hoạt động thuần túy trong nước. Việc ghi nhận tích cực này không làm thay đổi kết quả định hạng nhưng lại là một nội dung ghi chú tích cực trong báo cáo định hạng của các tổ chức này. Khi đó chi phí hoặc lãi suất mà ngân hàng bỏ ra để có thể đi vay các định chế tài chính nước ngoài, phát hành trái phiếu trong và ngoài nước, tăng vốn từ nhà đầu tư chiến lược hay nhà đầu tư tài chính nước ngoài sẽ có lợi thế hơn khá nhiều. Dường như những nhận định này chỉ mang tính nguyên lý và không thể hiện rõ nét trong thực tế. Tuy nhiên qua đánh giá của chuyên gia, mức độ tác động là khá đáng kể và không thể bỏ qua.
Tóm lại, 4 lợi ích thu được từ hoạt động OFDI của các ngân hàng được nêu ra khá thuyết phục và củng cố thêm kết quả trong mô hình định lượng. Những nội dung phỏng vấn giúp làm rõ thêm cơ chế tác động tác động của hoạt động OFDI đến lợi ích tổng thể của ngân hàng. Theo đó có thể sắp xếp những tác động từ mạnh đến thấp hơn theo thứ tự như sau: trước hết là lợi ích từ gia tăng ưu thế cạnh tranh, thứ hai là lợi ích giảm chi phí đầu vào và thuận lợi trong tăng vốn, thứ ba là lợi ích theo quy mô. Lợi ích dài hạn được nhấn mạnh rất nhiều. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại chưa được thể hiện.
Trong đó một phát hiện mới đó là việc OFDI giúp giảm lãi suất vay vốn, chi phí tăng vốn từ các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài. Đây có lẽ là điểm phù hợp với đặc điểm riêng các ngân hàng Việt Nam hơn khi đang trong giai đoạn cần huy động vốn từ nước ngoài, tăng vốn rất lớn.
Bên cạnh đó ở chiều ngược lại, lợi ích thu được từ quy mô lại không phải quá lớn theo đánh giá của các chuyên gia. Trong khi đó đây lại là một trong những cơ chế chính mang lại lợi ích với các tập đoàn đa quốc gia. Điểm khác biệt này được lý giải bằng phạm vi thị trường OFDI còn hạn chế của các ngân hàng Việt Nam, chưa đủ độ lớn để vượt qua mức đầu tư ban đầu. Chính điều này khiến cho mức đầu tư của các ngân hàng Việt nam ra nước ngoài vẫn được kiểm soát ở mức kiêm tốn. Ở đây xuất hiện một vòng tròn khi chính vì độ rộng của thị trường nước ngoài chưa đủ lớn nên chưa khai thác được lợi thế theo quy mô. Nhưng cũng chính vì vậy nên các ngân hàng giới hạn quy mô đầu tư vào thị trường nước và kiểm soát chặt chẽ. Khi đó việc phát triển tại các thị trường nước ngoài của đơn vị hiện diện là rất khó khăn. Đây có lẽ là vấn đề nút thắt mà các ngân hàng Việt Nam cần xác định rõ định hướng, chính sách trong thời gian tới nếu muốn những lợi ích của hoạt động OFDI rõ nét hơn.
Đối với rủi ro, thách thức
Các chuyên gia nêu ra bốn vấn đề chính gồm:
Thứ nhất, chiến lược theo chân khách hàng của các ngân hàng Việt Nam vừa là điểm tích cực nhưng ngược lại cũng là rủi ro. Khi các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tại nước ngoài không tốt, không có chiến lược phù hợp, sẽ trở thành gánh nặng cho các ngân hàng tại nước ngoài. Hầu hết các chuyên gia nhấn mạnh rằng hoạt động của các doanh nghiệp Việt nam tại nước ngoài thường kém bài bản, mang tính thời điểm. Những doanh nghiệp phần lớn sẵn sàng vi phạm pháp luật và thực hiện lách luật. Do đó các ngân hàng Việt nam tại thị trường nước ngoài phải sàng lọc, lựa chọn khách hàng rất kỹ lường.
Thứ hai, việc thâm nhập vào thị trường nước ngoài luôn là vấn đề khó khăn do những khác biệt về văn hóa, am hiểu thị trường, pháp luật, điều kiện kinh doanh, tập quán… Do đó nếu không chuẩn bị công tác nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, có được chiến lược thâm nhập thị trường hiệu quả, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tại nước ngoài sẽ trở nên khó khăn. Các chuyên gia đều cho rằng, các ngân hàng Việt nam tại nước ngoài phải mất tương đối thời gian để có thể dần nắm bắt và am hiểu phong tục, tập quán trong hoạt động kinh doanh của các công ty tại thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó yếu tố về pháp luật cũng là rào cản rất lớn đối với các ngân hàng Việt nam hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Hầu hết các thị trường nước ngoài của các ngân hàng Việt Nam hiện nay đều có hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện. Do đó có rất nhiều điểm, nội dung chưa được quy định dẫn đến việc triển khai hoạt động kinh doanh của các ngân hàng khó khăn hơn. Theo ý kiến của một chuyên gia: “nhiều trường hợp phải vừa làm, vừa xin”. Hay ở giác độ khác, thông thường hệ thống pháp luật tại Việt nam và tại nước ngoài luôn có độ vênh, không đồng nhất. Khi đó quy định tại Việt nam thường theo hướng chặt chẽ hơn. Điều này là bắt buộc đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt nam tại nước ngoài nhưng lại tạo ra bất lợi cho các ngân hàng Việt Nam cạnh tranh với các ngân hàng khác tại thị trường nước ngoài.
Cũng liên quan đến vấn đề về pháp luật, hệ thống pháp luật tại nước ngoài thường khá xa lạ với các ngân hàng Việt Nam. Ví dụ tiêu biểu được nêu ra là trường hợp tại Myanmar theo hệ thống án lệ khác tương đối xa lạ với Việt nam. Do đó khi có vấn đề liên quan đến pháp luật tại thị trường Myanamr, yêu cầu bắt buộc là phải thuê luật sư của nước sở tại. Nhưng chi phí thuê luật sự là “cực đắt” theo ý kiến của chuyên gia. Do đó các ngân hàng Việt Nam thường theo hướng thận trọng trong kinh doanh để tránh những vấn đề pháp lý.
Một ví dụ được nêu ra đó là các văn bản pháp luật Việt nam thường theo hướng thu hút đầu tư hơn là thực hiện OFDI. Bên cạnh đó những quy định về quản lý ngoại hối của Việt nam cũng rất chặt chẽ và nhiều trường hợp không tính đến điều kiện hoạt động của các ngân hàng Việt nam tại nước ngoài. Một ví dụ được chuyên gia nêu ra là quy định trong pháp lệnh ngoại hối khi ngân hàng bảo lãnh cho người nước ngoài thì phải có sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này làm cho các chi nhánh ngân hàng Việt nam tại nước ngoài không thể thực hiện được các sản phẩm bảo lãnh. Hay cũng quy