Nhóm vấn đề về lựa chọn định hướng phát triển OFDI

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 163 - 164)

Đối với những ngân hàng đã có hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Những ngân hàng đã có OFDI có thể xác định chiến lược tiếp tục bám trụ thị trường, đồng thời cân nhắc đẩy mạnh đầu tư trong điều kiện cho phép. Có thể chia thành ba trường hợp trong bối cảnh này như sau:

Thứ nhất là đối với những ngân hàng đã OFDI và quy mô đầu tư đã tương đối lớn trong so sánh với những ngân hàng còn lại, tuy nhiên kết quả kinh doanh tại thị trường nước ngoài vẫn còn tương đối hạn chế so với quy mô đầu tư. Đây là trường hợp của các ngân hàng như BIDV, SHB, Sacombank. Đối với những ngân hàng này trong bối cảnh hiện nay, chính sách ưu tiên cần tập trung là tái cơ cấu hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Chính sách tái cơ cấu nhằm hướng đến mục tiêu tháo gỡ những rào cản, khó khăn vướng mắc trong nội bộ và cả những tồn đọng đã nẩy sinh trong quá khứ. Cụ thể đó là việc xử lý nợ xấu, đa dạng hóa nền khách hàng, quản lý chặt chẽ hơn…Sau khi đã tháo gỡ được những rào cản cho phát triển, các NHTM có thể tiếp tục đầu tư và phát triển hoạt động kinh doanh tại thị trường lựa chọn.

Thứ hai là đối với những ngân hàng đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu, quy mô đầu tư còn nhỏ như trường hợp của Vietcombank. Các ngân hàng này có thể xem xét chiến lược đẩy mạnh đầu tư để hoạt động OFDI mang lại lợi ích lớn hơn cho tổng thể ngân hàng. Tuy nhiên trong quá trình phát triển các ngân hàng cần lựa chọn tốc độ phát triển hợp lý, cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu an toàn. Các ngân hàng trong trường hợp này cần hết sức tránh lặp lại những khó khăn, hạn chế của các NHTM Việt Nam tại Campuchia đã gặp phải.

Thứ ba là đối với những ngân hàng đầu tư đạt đến quy mô nhất định và đang đem lại những lợi ích thực sự. Khi đó những ngân hàng này nên mạnh dạn đầu tư mạnh mẽ hơn cho thị trường nước ngoài để khai thác tốt hơn nữa lợi thế theo quy mô. Những chiến lược phát triển ngân hàng số, đẩy nhanh đầu tư công nghệ là những chính sách có thể xem xét để các ngân hàng có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước ngoài. Tuy nhiên trong quá trình đẩy mạnh này, các NHTM cần kiểm soát chặt chẽ chi phí gia tăng.

Đối với những ngân hàng chưa có hoạt động OFDI

Đối với những ngân hàng chưa có hoạt động OFDI, việc xem xét triển khai là việc nên thực hiện nhưng cần hết sức thận trọng. Hoạt động OFDI chỉ phù hợp với những ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh, khả năng quản trị điều hành và quản trị

rủi ro tốt, đồng thời có khả năng ứng phó với các tình huống pháp lý, tài chính và ngân hàng quốc tế tốt. Các ngân hàng có năng lực cạnh tranh yếu không nên mở rộng OFDI theo trào lưu, xu hướng.

Khi ngân hàng đã xác định được việc OFDI là phù hợp và cần thiết. Việc xây dựng chiến lược OFDI một cách thận trọng, chi tiết trên cơ sở tự đánh giá ưu nhược điểm, cơ hội và thách thức cũng như báo cáo thăm dò và đánh giá thị trường trước khi tiến hành hoạt động đầu tư là rất cần thiết.

Khi đã xác định mục tiêu, các ngân hàng cần xác định phương pháp thực hiện OFDI như góp vốn liên doanh, mua lại một ngân hàng bản địa, mở chi nhánh. Việc lựa chọn hình thức đầu tư sẽ phụ thuộc rất lớn vào quy định pháp luật nước sở tại, quy mô vốn đầu tư của ngân hàng và mục tiêu của ngân hàng. Tuy nhiên khi điều kiện riêng cho phép, các ngân hàng nên lựa chọn thành lập ngân hàng con tại nước ngoài để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Về địa lý, các ngân hàng nên mở rộng đầu tư sang các quốc gia mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt, có lượng kiều bào đông đảo và chính trị ổn định. Như trong kết quả phỏng vấn chuyên gia, đầu tư vào những thị trường như Lào, Myanmar là những quốc gia có quan hệ chính trị gần gũi và thân thiện với Việt Nam mang lại những lợi ích và thuận lợi rất lớn cho hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài của các ngân hàng.

Tuy nhiên, xuyên suốt tất cả các định hướng, các NHTM vẫn nên tập trung phát triển, nâng cao năng lực tranh tranh (năng lực tài chính, chất lượng phục vụ,…) trên thị trường nội địa để làm bàn đạp khai thác tối đa thị phần trong nước.

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 163 - 164)