3.3.1.1. Xây dựng bảng câu hỏi định tính
Trong bước nghiên cứu định tính, tác giả sử dụng bảng câu hỏi bán cấu trúc, là phỏng vấn dựa theo câu hỏi hoặc các chủ đề cần đề cập đến. Tuy nhiên thứ tự và cách đặt câu hỏi có thể tuỳ thuộc vào ngữ cảnh và đặc điểm của đối tượng phỏng vấn, người được phỏng vấn sẽ tự do trả lời theo quan điểm của mình. Bảng câu hỏi bán cấu trúc gồm 2 phần (xem chi tiết phụ lục 1.1):
Phần 1: Các câu hỏi mở: nhằm thu thập ý kiến, hành vi, quan điểm (suy nghĩ, cảm nhận, nói về vấn đề, phản ứng..) của cá nhân người tham gia phỏng vấn. Nhằm tìm hiểu, thăm dò các vấn đề chưa rõ hoặc chưa biết
Phần 2: Câu hỏi về các yếu tố liên quan đến mô hình nghiên cứu. Mục đích khi đặt ra các câu hỏi này nhằm lấy ý kiến của đáp viên về mức độ đồng ý của họ khi đưa các yếu tố này vào mô hình, ngoài ra muốn nghe thêm góp ý của đáp viên để hoàn thiện thang đo. Các câu hỏi trong phần 2 này được xây dựng từ bộ thang đo chỉ số mô tả công việc (Job Descriptive Index – JDI) do Smith và cộng sự (1969); Crossman và Abou-Zaki (2003); Anin và cộng sự (2015) và Trần Kim Dung (2005). Thang đo biến phụ thuộc là sự thỏa mãn trong công việc được lấy từ bộ thang đo của Anin và cộng sự (2015); Trần Kim Dung (2005).
3.3.1.2. Kết quả nghiên cứu định tính
Nghiên cứu định tính được thực hiện phỏng vấn tay đôi sau khi có giả thuyết và mô hình nghiên cứu. Mục đích của các cuộc phỏng vấn này là để nghe góp ý của các đối tượng được phỏng vấn về các câu hỏi đặt ra đối với các yếu tố cần đo lường. Từ đó đưa ra các điều chỉnh và/hoặc thêm bớt các câu hỏi cho phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu là sự thỏa mãn trong công việc của nhân viên Công ty Cổ phần Trang. Cụ thể:
31
Đối tượng phỏng vấn: Tổng cộng có 20 người tham gia vào cuộc phỏng vấn gồm: 02 cán bộ phòng hành chính nhân sự, 15 nhân viên các phòng ban và 3 trưởng phòng. Kết quả thảo luận nhóm được trình bày tại Phụ lục 1.2 và 1.3
Địa điểm phỏng vấn: phòng họp trực tuyến trên google meet.
Phương pháp phỏng vấn: phỏng vấn nhóm theo bảng câu hỏi bán cấu trúc - là hình thức được thực hiện dựa trên công cụ hướng dẫn với một số câu hỏi có tính chất quyết định được chuẩn hóa, còn với các câu hỏi khác có thể phát biểu tùy theo tình hình cụ thể. Do vậy, người thực hiện hoàn toàn có thể linh hoạt và tùy biến việc khai thác thông tin ở cấp độ sâu, rộng đối với một số nội dung, chủ đề mà người được phỏng vấn cung cấp thông tin (bảng câu hỏi phỏng vấn bán cấu trúc xem phụ lục 1.1).
Nội dung phỏng vấn: người thực hiện phỏng vấn phải giải thích cho người được phỏng vấn hiểu rõ về mục đích cuộc phỏng vấn, nội dung các câu hỏi để khơi gợi, tạo động lực sẵn sàng trả lời được chính xác của người được phỏng vấn. Người thực hiện phỏng vấn có khả năng linh hoạt tạo thêm hàng loạt những thông tin bổ sung quan trọng để đánh giá đối tượng khảo sát bên cạnh những câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn từ trước. Nội dung hướng dẫn phỏng vấn nhằm nhận diện những ảnh hưởng của sự thỏa mãn trong công việc. Cấu trúc bảng câu hỏi được xây dựng dưới dạng gợi mở để đối tượng được phỏng vấn nêu lên những quan điểm riêng, cũng như suy nghĩ của họ; và từ đó nêu bật được các yếu tố ảnh hưởng lên sự thỏa mãn trong công việc của nhân viên công ty
Kết quả phỏng vấn: Đáp viên đều đồng ý các thành phần đo lường trong mô hình. Ngoài ra những người được phỏng vấn góp ý nội dung phát biểu nên bổ sung và chỉnh sửa lại một số câu văn Việt hóa để đọc dễ hiểu và trôi chảy hơn và chuyển thành câu phát biểu nêu lên ý kiến cá nhân của đáp viên. Bổ sung thêm chủ ngữ vị ngữ cho câu phát biểu trôi chảy hơn và tạo thiện cảm cho người trả lời. Ví dụ “nhân viên” trong thang đo gốc thì đổi thành “anh/chị”, “tổ chức, công ty” trong thang đo gốc thì đổi thành “công ty cổ phần Trang” để mang tính cá nhân hóa (xem chi tiết tại phụ lục 1.3).
3.3.1.3. Nghiên cứu sơ bộ định lượng
Sau khi có được kết quả phỏng vấn nhóm, các câu hỏi trong bảng khảo sát được chỉnh sửa cho phù hợp ngôn ngữ nghiên cứu (Bảng câu hỏi thử nghiệm được trình bày ở Phụ lục 2) và tiến hành điều tra thử nghiệm trên 32 nhân viên của Công ty Cổ phần Trang đạt yêu cầu.