Về sự cần thiết ban hành Đề án

Một phần của tài liệu CHUYÊN ĐỀ TẬP HUẤN VỀ PHÁP LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT NĂM 2020 (Trang 104 - 107)

Với các lý do sau: (1) Một là, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (Điểm 2 Mục 14 Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII) nêu rõ:

“Trong những năm tới, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với việc tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Điều này, càng có ý nghĩa trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Chính phủ 2015 được Quốc hội ban hành tiếp tục quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật.

Trong tinh thần đó, Kế hoạch số 1141-KH/BCSĐCP ngày 11/11/2016 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã giao “Bộ Tư pháp chủ trì tăng cường công tác theo dõi thi

hành pháp luật; nâng cao năng lực phản ứng chính sách và các vấn đề mới phát sinh; nghiên cứu xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật, trong đó quy định sự gắn kết, sử dụng hiệu quả các công cụ phổ biến pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, củng cố các thiết chế thi hành pháp luật”.

(2) Hai là, sau hơn 30 năm tiến hành đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm các mặt đời sống, kinh tế - xã hội đều được pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên, trong khi công tác xây dựng pháp luật đã đạt được những thành tựu quan trọng thì công tác tổ chức thi hành pháp luật lại chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển, bộc lộ những tồn tại, hạn chế như:

Tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, triệt để diễn ra tương đối phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội (quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp, nông thôn …) và tình trạng này thậm chí diễn ra ngay trong chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tác động xấu đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội1.

Trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật chưa có giải pháp hiệu quả, mang tính hệ thống để đạt được mục tiêu trên thực tế. Hệ quả là nhiều đạo luật mặc dù tư tưởng, tinh thần có tiến bộ nhưng chậm và khó đi vào cuộc sống do thiếu các điều kiện bảo đảm thực hiện, thiếu cơ chế kiểm tra, theo dõi, đánh giá tác động kinh tế – xã hội của đạo luật sau khi đã có hiệu lực thi hành. Việc xác định một văn bản pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung trong nhiều trường hợp còn dựa vào một vài hiện tượng cá biệt từ số ít các chủ thể hoặc một nhóm cá nhân mà không mang tính đại diện, không lặp lại thường xuyên, chưa tiến hành đánh giá đầy đủ, nhất là đánh giá tác động kinh tế - xã hội của chính văn bản đó một cách khách quan, khoa học. Việc tổng kết thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều trường hợp chưa được tiến hành với cách tiếp cận toàn diện, liên ngành. Trong một số lĩnh vực, xây dựng pháp luật chưa gắn với quản lý thi hành pháp luật làm cho pháp luật không những khó phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn, mà còn khó có khả năng dự báo, định hướng điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Nguyên nhân của thực trạng nêu trên chủ yếu là do:

Thứ nhất, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa được các cơ quan có liên quan nhìn nhận, coi trọng là nhiệm vụ hàng đầu. Qua theo dõi cho thấy, nhận thức chung về công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa tương xứng

1 Theo số liệu tổng hợp, thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2017, mặc dù số vụ vi phạm hình sự

và số người phạm tội giảm, nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng và diễn biến phức tạp như: số vụ giết người tăng 1,44%, tội phạm môi trường tăng 19,18%, tội phạm về ma túy tăng 10,13% với diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến, địa bàn trọng điểm …Các vụ án giết người, đặc biệt là các vụ giết người thân trong gia đình tăng 5,66%, với thủ đoạn dã man, tàn bạo, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống của một số đối tượng, gây bức xúc trong xã hội; tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng, sử dụng công nghiệp cao, buôn lậu, gian lận thương mại, môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc, gây bức xúc trong dư luận, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn rất phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân. Tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt nghiêm trọng trong thời gian qua. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc còn nể nang, né tránh, chưa xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý khi để xảy ra sai phạm, thậm chí cả có trường hợp “bảo kê” cho vi phạm..

với ý nghĩa của công tác này và với hoạt động lập pháp. Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức trực tiếp thi hành pháp luật còn thấp, chưa ngang tầm với đòi hỏi của quản lý nhà nước bằng pháp luật, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, tình trạng tiêu cực, vi phạm pháp luật xảy ra trong đời sống nhà nước và xã hội.

Thứ hai, tổ chức thi hành pháp luật có vị trí, vai trò quan trọng, có nội dung và phương thức thực hiện phức tạp, song đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ, không xác định rõ trách nhiệm, mục tiêu, phương pháp, quy trình và cơ chế tổ chức thi hành pháp luật, các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật được hiệu quả. Công tác theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật chưa được chú trọng, chưa có hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, cũng như tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật làm công cụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan trọng này.

Thứ ba, các điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức thi hành pháp luật chưa được xem xét, cân nhắc, kỹ lưỡng; việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội trước khi ban hành luật chưa được chú trọng đúng mức; việc triển khai công tác tập huấn, phổ biến, tuyên truyền pháp luật chưa thật sự hiệu quả; biên chế cán bộ công chức còn thiếu về số lượng trong khi chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thi hành pháp luật ở nhiều ngành, nhiều cấp chưa được chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Sau một thời gian nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành cùng với việc lấy ý kiến góp ý từ các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, cuối năm 2017, Bộ Tư pháp đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nói trên. Ngày 26/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018 – 2022”. Đề án được ban hành nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hanh pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động này.

Nhằm chi tiết hóa để thực hiện toàn diện, hiệu quả Quyết định số 242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1020/QĐ-BTP ngày 08/5/2018 ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018 – 2022”.

Thực hiện Quyết định số 242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1020/QĐ-BTP ngày 08/5/2018 của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 14/6/2018 triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn năm 2018 – 2022” nhằm triển khai thực hiện thống nhất Đề án trên địa bàn tỉnh.

Một phần của tài liệu CHUYÊN ĐỀ TẬP HUẤN VỀ PHÁP LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT NĂM 2020 (Trang 104 - 107)