Trước hết, phải điều tra kỹ lưỡng về con người hay phái đoàn mà ta sẽ gặp trên bàn đàm phán cũng như công ty sẽ hợp tác. Phải nắm thật rõ về hoạt động kinh doanh, nhu cầu tâm lý, cách nghĩ, cách phản ứng, chiến lược, sách lược, thủ tục đàm phán của họ.
Phương pháp đơn giản nhất của nghiên cứu về một công ty khác, lịch sử của nó trong quá khứ và chính sách hiện tại và về các nhà đàm phán của công ty đó là nghiên cứu qua các tư liệu xuất bản. Có thể thu được một bức tranh tổng thể về hoạt động kinh doanh của công ty qua nghiên cứu các báo cáo năm, thông tin báo chí, quảng cáo trong tài liệu đăng ký quốc gia hoặc địa phương, báo cáo của các nhà phân tích đầu tư kinh doanh vốn, hồ sơ công ty của chính phủ, hướng dẫn về thị trường chứng khoán, tập nghiên cứu lưu hành nội bộ, thông tin về tín dụng công ty và báo cáo về các tranh chấp tín dụng và tài sản.
Các nguồn thông tin đầy đủ và chi tiết hơn có thể được thu thập thông qua gặp gỡ, phỏng vấn. Các bên sẽ trao đổi về tình hình tranh chấp, giải quyết xung đột của công ty. Đặc biệt, chúng ta có thể thu thập thong tin thông qua gặp gỡ, phỏng vấn với các bên đã từng làm việc không thành công với công ty mà chúng ta sẽ đàm phán hoặc với những bên có ít nhiều quan hệ kinh doanh với công ty đó.
Trong một số trường hợp nhạy cảm, ta có thể mở một cuộc điều tra riêng liên quan đến địa vị xã hội trong công ty của nhà đàm phán, quyền hạn và phạm vi ra quyết định, các thủ thuật đàm phán, điểm mạnh, điểm yếu, nhu cầu tình cảm, tín ngưỡng, thậm chí cả chỉ số thông minh. Đôi khi chúng ta cần tìm hiểu kỹ thêm về tính cách, giọng nói, những nét riêng tư, sở thích. Tất cả những thông tin trên cộng lại sẽ giúp nhà đàm phán đoán trước phong cách, tư duy và phản ứng của người mình sẽ gặp qua bàn đàm phán.
Sau khi đã tập hợp được các số liệu và dữ liệu thông tin, nhà đàm phán phải lý giải số liệu và dữ liệu đã có với sự tham gia của người khác để nhà đàm phán chia sẻ với họ những giả thiết và nhận thức.
Việc chia sẻ các giả thiết nhận thức với người khác có những lợi thế như:
(1) Giúp nhà đàm phán làm rõ đối với bản thân mình và người cộng sự về lý do đi đến những giả thiết như vậy.
(2) Cho phép nhà đàm phán nhận rõ giá trị khả dụng của những giả thiết đã đưa ra và giúp tránh những xung đột không đáng có trên bàn đàm phán do những giả thiết sai về đối phương chưa được điều chỉnh lại. Kiểm tra giả thiết là một trong những cách nhanh nhất để giải quyết xung đột.
Khi đưa ra giả thiết, cần phải phân biệt giữa giả thiết và nhận định, đánh giá. Những giả thiết mà chúng ta mang vào phòng đàm phán thường là những nhận định cụ thể về những hành vi nhằm làm rõ những động cơ nằm sau những hành vi đó và để hiểu những sự kiện nhất định đã xảy ra. Đây là một bước quan trọng trong quá trình tìm hiểu mối quan hệ nhân quả. Trong khi đó, những nhận định đánh giá thường là những nhận định bao quát, thấu suốt với hàm ý như một định lý về một con người, nó mang tính bất biến. Những nhận định như vậy thường đẩy người bị nhận xét về phía phản ứng tiêu cực chống lại chúng ta và đẩy chúng ta vào thế vị không năng động. Chúng không tốt cho quá trình giao tiếp đàm phán.