NHỮNG KHOẢNG TRỐNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Luận án Trần Thanh Tùng (Trang 39 - 41)

NGHIÊN CỨU

Những năm gần đây lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế biển và liên kết kinh tế vùng đang rất được chú ý ở Việt Nam, nhưng đa phần các công trình nghiên cứu sâu về kinh tế biển chỉ dừng lại ở các nghiên cứu trường hợp hay một số khía cạnh của kinh tế biển.

Vấn đề nghiên cứu phát triển kinh tế biển của một địa phương gắn với liên kết kinh tế vùng chưa được nghiên cứu một cách hệ thống. Hầu hết các công trình nghiên cứu kinh tế biển mà tác giả đã tổng quan ở trên chỉ mới dừng lại ở các khía cạnh đơn lẻ trong phát triển kinh tế biển. Một số nghiên cứu đã đề cập đến liên kết kinh tế biển với kinh tế vùng, nhưng chỉ đề cập đến nội dung của sự liên kết của từng ngành, lĩnh vực riêng biệt như: liên kết

trong phát triển du lịch biển, liên kết các khu công nghiệp ven biển, liên kết trong dịch vụ cảng biển, vận tải biển. Có những công trình nghiên cứu sâu hơn khi đề cập đến cơ chế chính sách cho vấn đề liên kết của các địa phương có biển, chủ yếu chỉ dừng lại trên khía cạnh liên kết theo phân bố địa kinh tế.

Chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về liên kết kinh tế biển của một địa phương trong mối quan hệ tương hỗ với vùng nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có từ kinh tế biển của địa phương trên cơ sở tận dụng những nguồn lực sẵn có của vùng kinh tế mà địa phương đó có mối liên kết tự nhiên. Những giải pháp mà các nghiên cứu nói trên đưa ra chỉ mang tính chất chất khu biệt, chưa nhìn thấy toàn cảnh của quá trình liên kết.

Chính vì vậy, cần phải có nghiên cứu về sự liên kết giữa kinh tế biển với kinh tế vùng. Đặc biệt cần đi sâu nghiên cứu quá trình liên kết giữa các nhân tố nội tại của kinh tế biển, các mối liên kết của từng lĩnh vực của kinh tế biển nhằm gắn kết những lĩnh vực đó thành hệ thống trong từng vùng kinh tế, lãnh thổ. Từ đó có thể phát huy hết tiềm năng vốn có của từng địa phương, tận dụng tối đa khả năng hợp tác, chia sẻ nguồn lực của các địa phương khác trong vùng thông qua quá trình liên kết kinh tế.

Do vậy, việc nghiên cứu làm rõ thêm cơ sở lý luận, thực tiễn; nội hàm của phát triển kinh tế biển trong liên kết vùng, đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Bình trong liên kết vùng Bắc Trung Bộ là điểm mới của dự định nghiên cứu này, nhằm bù đắp phần nào vào những khoảng trống trong lĩnh vực nghiên cứu đã được phân tích trên.

Chương 2

Một phần của tài liệu Luận án Trần Thanh Tùng (Trang 39 - 41)