Trước những năm 2010, liên kết trong nội bộ ngành thủy sản Quảng Bình gắn với liên kết vùng chưa được đề cập. Những năm gần đây, liên kết nội ngành và hợp tác liên kết vùng đã trở nên cấp thiết đối với ngành thủy sản Quảng Bình. Tuy nhiên, tư duy và chính sách của chính quyền Quảng Bình nhằm xây dựng mối quan hệ liên kết vùng ở tầm vĩ mô còn mờ nhạt, mới chỉ đề cập đến liên kết nội ngành.
-Liên kết giữa các chủ thể vĩ mô
Trong chính sách phát triển ngành thủy sản, Quảng Bình chưa chú trọng quan hệ liên kết với các địa phương khác trong vùng. Vấn đề xây dựng mối quan hệ liên kết vùng đối ngành thủy sản chỉ mới dừng lại ở sự hỗ trợ về:
Tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm; tranh thủ sự giúp đỡ của các nước và các tổ chức quốc tế về vốn, công nghệ và kỹ thuật nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản”; “Xây dựng các chính sách hỗ trợ thương mại (trợ giá, trợ vốn, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại), mở rộng thị trường, đặc biệt với thị trường xuất khẩu [99]. Đến năm 2014, chủ trương và chính sách nhằm thúc đẩy mở rộng quan hệ liên kết vùng trong lĩnh vực thủy sản của Quảng Bình vẫn chưa vẫn chưa được quan tâm đúng mức, điều đó thể hiện ngay trong Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp của địa phương:
Tiếp tục thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, tổ đoàn kết khai thác thủy sản, phấn đấu có 30 - 35% tàu cá khai thác hải sản hoạt động theo mô hình liên kết giữa khai thác, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm
... Tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị [100].
Như vậy, trong ngành thủy sản Quảng Bình, quan hệ liên kết vùng giữa các chủ thể vĩ mô chưa rõ nét, các chính sách trên chỉ chú trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, liên kết nội bộ trong địa phương. Ngay trong công tác xúc tiến thương mại đối với ngành hàng thủy sản, trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình trong nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy hải sản cũng chỉ có 5 mặt hàng hải sản được giới thiệu [106], điều đó cho thấy chủ trương, hình thức xúc tiến thương mại quan trọng này vẫn chưa được chú trọng của các cấp chính quyền, giúp phát huy hết công năng của nó trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho ngành này. Để thủy sản Quảng Bình phát triển, liên kết vùng giữa các chủ thể vĩ mô phải được chú trọng và cần chính sách cụ thể hơn nữa, làm tiền đề và tạo hành lang pháp lý giúp cho cho các chủ thể vi mô (đặc biệt là hệ thống doanh nghiệp của địa phương đang hoạt động trong ngành này) mở rộng mối quan hệ liên kết của mình ra với thị trường toàn vùng.
- Liên kết của các chủ thể vi mô
Liên kết vùng của ngành thủy sản Quảng Bình phải bắt đầu từ liên kết nội bộ trong các phân ngành kinh tế biển của địa phương, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sau đó mới có thể mở rộng tham gia vào chuỗi của toàn vùng, do vậy cần xem xét thực trạng liên kết các chủ thể sản xuất trong ngành dưới góc độ chuỗi giá trị sản phẩm. Hiện nay, chủ thể đang tham gia quá trình liên kết hình thành chuỗi giá trị ngành thủy sản ở Quảng Bình bao gồm: người sản xuất thủy sản (hộ ngư dân khai thác, nuôi trồng); người kinh doanh thủy sản (đại lý thu mua trung gian); cơ sở chế biến và xuất khẩu thủy sản.Trong các lĩnh vực của ngành thủy sản Quảng Bình mới chỉ manh nha hình thành những hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Những hình thức liên kết đó xuất hiện rời rạc trên tất cả các lĩnh vực của ngành thủy sản Quảng Bình.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã xuất hiện một số doanh nghiệp đầu tư cung ứng giống tôm sạch bệnh và nuôi tôm công nghiệp trên cát tại xã
Hải Ninh có tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng trên diện tích 50 ha; trại giống tôm thẻ chân trắng của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam tại xã Ngư Thủy với công suất khoảng 150 triệu con giống/tháng cung cấp giống cho tiêu chuẩn cho các hộ nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Ngoài hình thức hợp tác liên kết truyền thống đã xuất hiện mô hình hợp tác liên kết với bên thứ ba giữa ngân hàng, doanh nghiệp cung ứng đầu vào và người nuôi. Hợp đồng ba bên được ký kết, ngân hàng sẽ đứng ra bảo lãnh cho các khoản nợ của hộ khi mua thức ăn và giống, cụ thể là ngân BIDV và Sacombank đã triển khai dịch vụ bảo lãnh tín dụng[39].
Hoạt động tư vấn kỹ thuật trực tuyến, phối hợp với đài truyền hình địa phương tổ chức các buổi tư vấn trực tuyến về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản miễn phí cho hộ nuôi đã được thực hiện, tiêu biểu là Công ty TNHH SXTM Lasan, đây là tiền đề mở ra cơ hội liên kết cung ứng các yếu tố đầu vào cho quá trình hình thành chuỗi giá trị [72]. Công ty cổ phần Thanh Hương đầu tư trực tiếp nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, thực hiện chuỗi khép kín từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, vận chuyển, phân phối, cung ứng sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên thị trường thông qua hợp tác với siêu thị Coop -Mart Quảng Bình, thực hiện việc truy xuất thông tin về nguồn gốc sản phẩm trực tiếp tạo niềm tin cho người tiêu dùng [87]. Mô hình này cần được nhân rộng, sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản theo hướng này là tiền đề giúp sản phẩm của lĩnh vực này tham gia vào chuỗi giá trị mở rộng, hình thành mối quan hệ liên kết vùng.
Trong lĩnh vực đánh bắt, khai thác sự liên kết mới xuất hiện trong mô hình Tổ hợp tác. Từ giữa năm 2009, UBND tỉnh Quảng Bình đã có chủ trương chuyển đổi toàn bộ mô hình liên kết Tổ đoàn kết thành Tổ hợp tác liên kết những phương tiện khai thác hải sản trên biển. Tổ hợp tác được các cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập, đến 30/11/2017 toàn tỉnh đã có 113 tổ hợp tác với hơn 900 tàu và gần 7000 thuyền viên tham gia. Trung bình, mỗi Tổ hợp tác gồm 9 - 10 tàu cá cùng hoạt động trong một ngư trường dưới sự điều hành của 1 tàu đội trưởng.Thuyền trưởng tàu đội trưởng có trách nhiệm
chỉ đạo chung, vừa khai thác thủy sản vừa phân công nhiệm vụ cho các tàu khác trong trường hợp có sự cố hoặc luân phiên vào bờ đưa sản phẩm vào đất liền tiêu thụ và cung ứng dầu, lương thực, thực phẩm cho các tàu trong đội [63].
Để thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm liên kết các tác nhân nội tại của địa phương, dần mở rộng tham gia chuỗi giá trị của toàn vùng và hướng đến sự phát triển xa hơn nữa thì doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến thủy sản đóng vai trò hết sức quan trọng, là “hạt nhân” của hoạt động liên kết. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Quảng Bình vừa ít về số lượng, nhỏ về quy mô: lao động, vốn; thấp về doanh thu. Tại thời điểm 31/12 năm 2015 số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này là 143 doanh nghiệp; vốn sản xuất kinh doanh bình quân là 1.970.560 triệu đồng; doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 10 lao động: 73 doanh nghiệp, từ 10 lao động đến 300 lao động: 86 doanh nghiệp, trên 300 lao động: 02 doanh nghiệp. Xét theo quy mô vốn, số doanh nghiệp có vốn dưới 1 tỉ là 50 doanh nghiệp, từ 1 - 10 tỉ: 80 donh nghiệp, từ 10 - 50 tỉ: 8 doanh nghiệp, trên 50 tỉ: 5 doanh nghiệp, doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này bình quân: 377.806 triệu đồng [13, tr.80, 84, 96, 99, 102]. Số liệu chi ra, đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, việc tham gia các mối quan hệ liên kết kinh tế với các doanh nghiệp trong vùng luôn gặp khó khăn về vai trò và vị thế trong quá trình hợp tác. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa thiết lập được quan hệ hợp tác, liên kết mật thiết với ngư dân, người nuôi thủy sản nên kênh phân phối sản phẩm này vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, phân tán và qua nhiều cấp trung gian; cả người sản xuất và doanh nghiệp chế biến phải phụ thuộc vào đại lý trung gian thu mua nguyên liệu. Các đại lý thu mua trung gian vẫn đóng vai trò quan trọng trong chu trình đưa sản phẩm thủy sản từ người sản xuất tới thị trường, khiến các doanh nghiệp chế biến khó kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu ban đầu. Doanh nghiệp của địa phương trong lĩnh vực này không có đủ sức cạnh tranh với các thương lái trong quá trình thu gom sản phẩm. Do đó, chuỗi
giá trị của ngành thủy sản trong địa phương khó thiết lập và thường “gãy đổ” từ tác nhân này. Điều này lí giải cho việc các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Quảng Bình không có đủ năng lực cạnh tranh dẫn đến giải thể, phá sản do không có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Như đã phân tích trong thực trạng của lĩnh vực chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, vấn đề thu mua chế biến hải sản tại địa phương thường theo mô hình tổ thu mua, chế biến của gia đình với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, làm theo thời vụ, nên sự hợp tác và liên kết thường tự phát. Các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu tại địa phương đã giải thể và phá sản, chỉ còn 02 doanh nghiệp tồn tại nhưng chưa tạo được mối liên kết với người nuôi và người khai thác, năng lực tiếp thị và xúc tiến thương mại hạn chế nên sản phẩm khó tiếp cận với thị trường tiêu thụ.