Du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng là lĩnh vực có thế mạnh của Quảng Bình, thực trạng phát triển của lĩnh vực này trong thời gian qua đã chứng minh cho nhận định đó. Đặc thù của sản phẩm du lịch Quảng Bình là sự hòa quyện chặt chẽ giữa du lịch biển - du lịch hang động - du lịch mạo hiểm - du lịch sinh thái - du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh.
- Liên kết của chủ thể vĩ mô
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề liên kết vùng mang lại lợi ích thiết thực cho ngành du lịch, Quảng Bình đã có những động thái hết sức tích cực nhằm phát huy lợi thế so sánh của mình và tận dụng nguồn lực của toàn vùng để đẩy mạnh phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng.
+ Trong liên kết đối với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ: Đối với các địa phương phía nam vùng Bắc Trung Bộ: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Đại diện ngành Du lịch 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế đã ký kết biên bản kiện toàn chương trình hợp tác du lịch 3 địa phương với 5 nội dung chính: Hợp tác về xây dựng cơ chế quản lý nhà nước về du lịch; hợp tác về phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch; hợp tác về phát triển nhân lực du lịch và hợp tác về quy hoạch, kêu gọi đầu tư [36]. Đối với khu vực bắc vùng Bắc Trung Bộ: Hà Tỉnh, Nghệ An, Thanh Hóa,
Quảng Bình đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch, điểm chung của 4 tỉnh là sản phẩm du lịch biển, do vậy cần phải xây dựng sản phẩm đặc thù cho mỗi địa phương. Các địa phương nói trên đang hợp tác để phát triển tuyến du lịch “ Con đường di sản miền Trung” nhằm xây dựng sản phẩm du lịch kết nối chung cho toàn ngành du lịch của vùng [3]. Việc bắt tay liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch cũng như trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, nguồn lực du lịch trong những năm qua đã góp phần từng bước định vị thương hiệu du lịch cho Quảng Bình và vùng bắc Trung Bộ như một điểm đến có giá trị và thú vị nhất ở Việt Nam với nhiều sản phẩm đa dạng.
+ Liên kết với các địa phương ngoài vùng Bắc Trung Bộ: Ngoài việc đẩy mạnh liên kết trong nội vùng, Quảng Bình đã có những bước tiến xa hơn trong hợp tác và liên kết trong phát triển du lịch trên phạm vi cả nước. Năm 2017, Sở Du lịch và Văn hóa Quảng Bình đã thực hiện nhiều chương trình quảng bá và liên kết hợp tác với thủ đô Hà Nội (ký kết biên bản hợp tác phát triển Du lịch Quảng Bình - Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020; biên bản hợp tác của hai Hiệp hội Du lịch và giữa Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Bình và Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội) [4]. Động thái mới nhất thể hiện sự liên kết của các công ty kinh doanh lữ hành du lịch diễn ra trong lĩnh vực vận chuyển hành khách, ngày 3/4/2018 “Hiệp hội Du lịch và các công ty lữ hành Quảng Bình” tổ chức ký kết “Chương trình liên minh kích cầu bằng đường sắt” với Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội nhằm thúc đẩy quá trình cung ứng dịch vụ vận chuyển du khách đạt chất lượng cao hơn [41].
+ Liên kết quốc tế: Quảng Bình đã tổ chức được đường bay trực tiếp từ Quảng Bình đi Chiang Mai (Thái Lan) và ngược lại đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Để khai thác tối đa hiệu quả mà đường bay này mang lại, chính quyền Quảng Bình tổ chức Hội nghị liên kết phát triển sản phẩm du lịch để khai thác đường bay này, hơn 40 doanh nghiệp du lịch đến từ 4 tỉnh phía Bắc Thái Lan gồm Chiang Mai, Chiang Rai, Lampang, Payao và hơn 120 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch tại Quảng Bình, những công ty lữ
hành du lịch lớn ở Việt Nam đã cùng chia sẻ, quảng bá, giới thiệu, ký kết và trao đổi những sản phẩm du lịch nổi bật của địa phương [75].
- Liên kết của các chủ thể vi mô
Sự kết nối giữa các doanh nghiệp được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ khác nhau như: liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí; liên kết giữa các cơ sở lưu trú; các doanh nghiệp lữ hành với nhau; liên kết trong xây dựng điểm đến, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch. Việc đẩy mạnh liên kết sản phẩm từ các doanh nghiệp trong vùng là vấn đề then chốt để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tránh sự trùng lắp trong phát triển sản phẩm so với các địa phương lân cận, tạo sự hấp dẫn và đặc trưng riêng có của mỗi địa phương trong vùng nhằm thu hút khách du lịch.
Theo nghiên cứu, nhu cầu liên kết của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực phục vụ cho du lịch rất cao như: đào tạo nguồn nhân lực: 42%, vận chuyển khách du lịch: 87%, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ ăn uống, lưu trú: 85%, các dịch vụ khác từ 62-83% [54, tr.114]. Mối quan hệ liên kết du lịch của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành ở lĩnh vực: vận chuyển khách du lịch, thăm quan điểm đến, cung cấp thực phẩm, đồ uống với tỉ lệ doanh nghiệp tham gia liên kết trên 50%, tỉ lệ các doanh nghiệp tham gia liên kết trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm dịch vụ của ngành thấp, chỉ chiếm dưới 20% số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này [54, tr.93]. Giữa nhu cầu và thực tế liên kết của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn khoảng cách rất lớn. Cách thức thực hiện để liên kết cung ứng dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp chỉ thực hiện thông qua sự thỏa thuận bằng miệng là chủ yếu, hình thức thỏa thuận bằng văn bản ký kết rất thấp, cụ thể dịch vụ ăn uống, cung cấp thực phẩm 100% thỏa thuận bằng miệng, vận chuyển hành khách: 91%, lưu trú nghỉ dưỡng: 92%, thăm quan điểm đến 95%, đào tạo nhân lực 73% [54, tr.94].
Phạm vi liên kết của các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ cho ngành du lịch chủ yếu chỉ diễn ra trong nội bộ các doanh nghiệp trong
tỉnh, sự liên kết giữa các doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp ngoài tỉnh chiếm tỉ lệ chưa cao (Biểu đồ 3.12).
Đơn vị tính: % 60 52 50 44 42 39 40 33 35 35 33 30 30 24 23 20 9 10 0 Lưu trú, ngỉ dưỡng
Tham quan điểm dến Vận chuyển khách du lịch Cung cấp thực phẩm Liên kết nội bộ Liên kết ngoài tỉnh Liên kết giữa DN trong và ngoài tỉnh
Biểu đồ 3.12: Phạm vi liên kết của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch của tỉnh Quảng Bình
Nguồn: Nguyễn Văn Phát(2018), Báo cáo nghiên cứu các giải pháp liên kết trong phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh
2016 - 2018, Đại học Huế, Trường Đại học kinh tế [54, tr.95]
Điểm đáng xem xét nhất trong hoạt động liên kết du lịch là vai trò của công ty kinh doanh lữ hành, đây là loại hình hoạt động đóng vai trò trung tâm phân phối, tạo ra cơ chế liên kết theo chuỗi trong hoạt động du lịch trên địa bàn của Quảng Bình cũng như toàn vùng.Trên địa bàn Quảng Bình có 36 công ty kinh doanh lữ hành du lịch, (26 công ty trong nước, 10 công ty quốc tế đăng ký hoạt động) nhưng các công ty kinh doanh lữ hành chưa thể hiện được vai trò của mình, thể hiện ở tỉ trọng khách du lịch thông qua công ty kinh doanh lữ hành đến Quảng Bình, năm 2014 chỉ chiếm khoảng 26,4%, năm 2016 chiếm 32,89% còn lại 67,11% là khách du lịch tự tổ chức đi theo nhóm hoặc gia đình [54, tr.125]. Điều đó dẫn đến doanh thu của các công ty kinh doanh lữ hành chiếm tỉ trọng khá khiêm tốn trong tổng doanh thu từ du lịch của địa phương, cụ thể, năm 2010 chiếm 72,6%, năm 2013: 38,4%, năm 2014: 30,1%, năm 2015: 25,8%, năm 2016: 29,3% [13, tr.216], năm 2017 chiếm 11,7% trong tổng doanh thu toàn ngành du lịch Quảng Bình [54,
tr.125]. Thực tế cho thấy, hầu hết các công ty lữ hành chưa đủ năng lực tự thiết kế và tổ chức tour, chỉ nhận tour thông qua các công ty lữ hành lớn ngoại tỉnh, chỉ đáp ứng được một số khâu nhỏ lẻ nên hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty lữ hành ngoại tỉnh. Chưa có mối liên kết giữa các công ty lữ hành địa phương với nhau và chưa đảm nhận được những khâu trọng yếu của chuỗi giá trị du lịch. Năng lực hoạt động của các công ty kinh doanh lữ hành du lịch gần như là thước đo để đánh giá năng lực liên kết vùng của một địa phương, bởi các công ty này đóng vai trò cầu nối cung - cầu của thị trường du lịch trong việc hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch nội tại trong ngành du lịch của một địa phương và tham gia vào chuỗi giá trị mở rộng đến toàn vùng và quốc tế. Đối với ngành du lịch, mặc dù yếu tố liên kết vĩ mô hết sức quan trọng nhưng để liên kết vùng thành công và thực sự hiệu quả thì sự liên kết vĩ mô chưa đủ, cần phải chú trọng hơn nữa đến sự liên kết của các chủ thể vi mô, đó mới là thực chất của quá trình liên kết.