BỐI CẢNH MỚI TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TRONG LIÊN KẾT VÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Một phần của tài liệu Luận án Trần Thanh Tùng (Trang 129 - 131)

TRONG LIÊN KẾT VÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Xuất phát từ thực trạng phát triển của kinh tế biển trong thời gian vừa qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của địa phương, các điều kiện của liên kết kinh tế nói chung và liên kết vùng nói riêng cho thấy trong thời gian tới, bối cảnh mới sẽ có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế biển liên vùng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình:

Chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam đã và đang thay đổi, chú trọng vào sự phát triển bền vững, tập trung ưu tiên phát triển trước các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng bứt phá dẫn dắt các vùng kinh tế còn khó khăn nhằm tạo ra sự cân đối nhất định trong phát triển không gian, từng bước thu hẹp khoảng cách về xã hội và tiến tới giảm bớt sự chênh lệch kinh tế giữa các vùng và địa phương. Định hướng chiến lược đó đòi hỏi phải xây dựng cơ chế liên kết kinh tế giữa các vùng, miền nhằm thay đổi hiện trạng phân bố không gian kinh tế và cách thức tổ chức, quản lý sản xuất hiện tại.

Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và từng bước thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam từ chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả nâng cao sức cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia ảnh hưởng đến quá trình phát triển của kinh tế biển và thay đổi mục tiêu của Chiến lược biển của cả quốc gia và các địa phương. Vấn đề quy hoạch phát triển các vùng kinh tế biển phải được điều chỉnh phù hợp theo hướng phát huy lợi thế của vùng nhằm khắc phục tính cát cứ và sự chia cắt về không gian kinh tế. Chính sách tập trung và thu hút đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển trên phạm vi quốc gia tạo điều kiện cho lĩnh vực kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

mở rộng mối quan hệ hợp tác, liên kết chặt chẽ với kinh tế vùng Bắc Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Sự phát triển của hệ thống thị trường, quá trình phân công lao động xã hội diễn ra sâu sắc góp phần kết nối đồng bộ các thị trường tài chính, lao động thông suốt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực kinh tế biển. Đồng thời tạo ra sự phát triển của hoạt động ngoại thương, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các sản phẩm dịch vụ trong các ngành: khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, du lịch lữ hành, nghỉ dưỡng, du lịch biển, dịch vụ cảng biển, khu kinh tế ven biển, logistics, dầu khí, khai thác năng lượng gió từ biển…, ngày càng phát triển và sẽ làm thay đổi toàn bộ lĩnh vực sản xuất hoạt động của kinh tế biển.

Những thành tựu khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất ra của cải vật chất của tất cả các lĩnh vực, kinh tế biển cũng không nằm ngoài sự tác động của nó. Mô hình, cách thức tổ chức sản xuất khai thác biển hiện tại sẽ bị thay thế bởi những mô hình mới từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn gắn với việc ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này. Sự tích tụ và tập trung sản xuất trong lĩnh vực kinh tế biển ngày càng tăng cao, thêm vào đó lực lượng lao động ngày càng được nâng cao về trình độ không còn phù hợp với hình thức tổ chức sản xuất nhỏ bé, đơn lẻ của một địa phương, vùng, miền, phải có cách thức tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn, tạo ra những điều kiện, tiền để đáp ứng được sự phát triển.

Xu hướng mở cửa hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế về biển ngày càng phát triển, kèm theo đó là sự tham gia của Việt Nam vào các cơ cấu hợp tác kinh tế như: WTO; APEC; ASEM; AFTA; AKFTA …,và CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.Những định chế đó, một mặt đòi hỏi sự mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy tự do hóa thương mại trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, mặt khác quá trình di chuyển các nguồn lực và quá trình phân công lao động khu vực và quốc tế diễn ra sâu sắc, toàn diện tác động đến cả nền kinh tế nói chung và các phân ngành kinh tế biển nói riêng.

Một phần của tài liệu Luận án Trần Thanh Tùng (Trang 129 - 131)