Những lợi ích mang lại từ mối quan hệ liên kết kinh tế vùng đối với sự phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Bình

Một phần của tài liệu Luận án Trần Thanh Tùng (Trang 117 - 122)

đối với sự phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Bình

Sự liên kết giữa các phân ngành kinh tế biển Quảng Bình với khu vực trong thời gian qua đã có những dấu hiệu khởi sắc, đã dần định hình và thiết lập được mối quan hệ liên kết kinh tế trên nhiều lĩnh vực và có những vai trò tích cực đối với quá trình phát triển của kinh tế biển nói riêng và địa phương nói chung. Kết quả đó được biểu hiện bằng những lợi ích thiết thực đối với sự phát triển của kinh tế biển địa phương, thể hiện trên một số khía cạnh cụ thể:

- Quy mô, nội dung mối quan hệ liên kết kinh tế đã bắt đầu có bước phát triển

Trước đây, liên kết vùng và liên kết kinh tế của các hộ sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Bình là vấn đề hết sức xa lạ, các chủ thể này

tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng độc lập, đơn lẻ. Hiện nay nhu cầu liên kết của hộ sản xuất với doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp trong nội bộ ngành, giữa các doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp bên ngoài trở thành nhu cầu của các chủ thể vi mô. Thực trạng liên kết giữa các chủ thể này ở ngành thủy sản và du lịch biển đã cho thấy hoạt động liên kết đã được thực hiện theo chuỗi giá trị đang được hình thành với nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Điều đó đã mang lại những kết quả ban đầu đáng ghi nhận trong quá trình thiết lập mối quan hệ liên kết vùng giữa kinh tế biển của Quảng Bình với vùng Bắc Trung Bộ.

- Từng bước thúc đẩy sự phân công lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Quảng Bình

Đối với các phân ngành kinh tế biển của Quảng Bình, tham gia vào quá trình liên kết kinh tế vùng một mặt phát huy được lợi thế, tận dụng được nguồn lực từ bên ngoài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua sự phối hợp, trao đổi, di chuyển nguồn nhân lực từ các địa phương khác trong vùng, mặt khác, trong chính quá trình liên kết vùng làm cho chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ được nâng cao do có sự cạnh tranh và phân công lao động dựa trên cơ sở hợp tác liên kết kinh tế vùng. Đơn cử như ngành du lịch biển của Quảng Bình, đặc biệt là các khách sạn cao cấp và các khu nghỉ dưỡng ven biển như Sun Spa Resort, Sun Spa Resort - Villa & Bungalow, Saigon Quảng Bình, siêu dự án FLC đang triển khai, từ khi có các doanh nghiệp và các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này theo hệ thống chuỗi khách sạn của họ, lực lượng lao động của ngành du lịch Quảng Bình đã có sự biến đổi nhanh chóng chất lượng và tính chuyên nghiệp cao, xuất hiện sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực tuyển chọn lao động cấp quản lý và lao động có tay nghề cao trong các cơ sở du lịch tại địa phương. Trước xu thế đó, Quảng Bình đã đề ra Chương trình hành động về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020 đã xác định, cần từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, các cơ sở đơn vị kinh doanh du lịch;

tăng cường đầu tư của nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, gắn công tác đào tạo với nhu cầu xã hội, từng bước thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch phù hợp với chuẩn của khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng nhân lực quản lý du lịch và lao động có tay nghề cao. Chương trình này đã mở đường cho Trường Đại học Quảng Bình xin phép Tổng cục Du lịch cấp phép đào tạo cấp chứng chỉ “Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch”, và cũng đang liên kết với các trường đại học ở Huế và Hà Nội về đào tạo cử nhân quản trị du lịch tại địa phương, phối hợp với các trường đại học Đông bắc Thái Lan để đào tạo nguồn nhân lực trong đó có du lịch, theo hướng xây dựng các chương trình 2+2 (tức là học 2 năm ở Trường Đại học Quảng Bình và 2 năm tiếp theo ở các trường đại học Thái Lan [31]. Như vậy, xuất phát từ thực tiễn của quá trình liên kết sản xuất của các doanh nghiệp tại địa phương và của toàn vùng đã làm cho quá trình phân công lao động ngày càng sâu sắc, đồng thời quá trình phân công lao động, chuyên môn hóa sản xuất ngày càng tinh vi lại thúc đẩy và hình thành nên mối quan hệ liên kết đối với các ngành kinh tế khác của địa phương với toàn vùng.

-Đẩy mạnh quá trình kết nối, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho sự phát triển của kinh tế biển và kinh tế - xã hội của địa phương

Trước yêu cầu thiết lập mối quan hệ liên kết để cùng phát triển kinh tế, Bắc Trung Bộ đang đẩy nhanh công tác xây dựng hạ tầng giao thông ven biển. Hiện tại, khu vực này đã và đang nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A, quy mô 4 làn xe, nâng cấp các tuyến giao thông hành lang kinh tế Đông - Tây; xây dựng đường vành đai biên giới và hệ thống đường phía tây của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, hoàn thiện việc đầu tư tuyến đường ven biển, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới một số cảng hàng không Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế. Sự phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Bắc Trung Bộ đã thúc đẩy hệ thống hạ tầng giao thông của Quảng Bình từng bước được đầu tư hoàn thiện, kết nối đồng bộ với toàn khu vực. Quảng Bình đã xác định những định hướng chiến lược phát triển

kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong thời gian tới là: đến năm 2020 toàn bộ các tuyến Quốc lộ và đường nội tỉnh phải được đưa vào đúng cấp kỹ thuật, mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 12A, Quốc lộ 9B, trong đó ưu tiên việc cải tạo, nâng cấp hoàn thành Quốc lộ 9B kết nối mới sang Lào qua cửa khẩu Chút Mút - Lã Vơn, từ đó hình thành tuyến vận tải từ Xa Vẳn Na Khẹt về cảng Hòn La. Từng bước xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch được duyệt, hoàn thành cầu Nhật Lệ 2, đầu tư xây dựng đường nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện khai thác quỹ đất phía Đông Nam thành phố Đồng Hới, kết nối cửa ngõ Tây Nam thành phố ra biển, phát triển đô thị, du lịch biển. Đầu tư cầu và đường nối phía Bắc huyện Quảng Trạch với Xuân Trạch, Bố Trạch đến Phong Nha - Kẻ Bàng, tạo điều kiện liên kết các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Đối với đường biển và đường thủy nội địa, đang tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành Cảng Hòn La để nâng cao năng lực thông qua đạt công suất 9,5 triệu tấn hàng hóa/năm, gồm cảng tổng hợp giai đoạn 2 và tiếp nhận các tàu cỡ lớn 30.000 - 50.000 DWT, khu trung chuyển cho tàu 70.000 - 100.000 DWT và các cảng chuyên dùng xăng dầu, xi măng, than, phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cải tạo, nâng cấp 7/19 nhà ga ở các vùng đông dân cư; xây dựng các trạm cảnh báo trên các tuyến đường ngang giao cắt với đường sắt, từng bước xây dựng cầu vượt đường sắt tại các điểm giao cắt với các trục giao thông chính, phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải trong việc chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới để nâng cao năng lực vận tải bằng đường hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện để mở mới các tuyến bay nội địa và quốc tế. Thông qua mối quan hệ liên kết kinh tế với vùng Bắc Trung Bộ, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Bình ngày càng được hoàn thiện, kết nối chặt chẽ với hệ thống hạ tầng giao thông của toàn vùng và của cả nước, đồng thời mở ra sự kết nối đến hệ thống giao thông với các quốc gia trong khu vực, tạo điều kiện cho

sản phẩm của các phân ngành kinh tế biển của Quảng Bình có cơ hội vươn ra thị trường các quốc gia trong khu vực.

-Thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với các lĩnh vực trong kinh tế biển của tỉnh Quảng Bình

Từ trước đến nay, giá trị không gian của các vùng, khu vực biển chưa được chú trọng đúng mức, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế biển chưa xứng tầm. Việc khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Phương thức khai thác chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển ít được chú trọng. Cách tiếp cận “nóng” trong khai thác tài nguyên biển đang là hiện tượng phổ biến ở lĩnh vực kinh tế biển của Quảng Bình, chỉ chú trọng nhiều đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên. Khi quá trình hợp tác và liên kết kinh tế vùng và liên vùng đã dần hình thành đã bắt buộc các chủ thể sản xuất trong lĩnh vực kinh tế biển của Quảng Bình thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, đầu tư chuyển đổi hình thức, công nghệ sản xuất: mô hình nuôi tôm trên cát, thiết lập các chuỗi cung ứng sản phẩm khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, thành lập tổ hợp tác trong khai thác thủy sản trên biển…, nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy tắc chung khi tham gia mối quan hệ liên kết.

- Bước đầu xây dựng được thương hiệu “du lịch biển” của tỉnh Quảng Bình đối với toàn vùng

Thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá của chính quyền địa phương và sự liên kết hợp tác với các địa phương khác trong vùng, du lịch Quảng Bình nói chung và du lịch biển nói riêng đã bắt đầu hình thành được “thương hiệu” của mình. Thương hiệu đó, một mặt bắt nguồn từ sản phẩm du lịch không chỉ dựa vào du lịch hang động, dựa vào sự khai thác di sản thiên

nhiên, mà sản phẩm du lịch Quảng Bình đã đang trở nên đa dạng và phát triển theo hướng “du lịch tổng hợp” kết hợp nhiều hình thức du lịch trong một hành trình khám phá đã mang lại cho du khách những trải nghiệm độc đáo; mặt khác sự liên kết liên kết với các địa phương tổ chức “ Con đường di sản miền Trung”, "Hoài niệm về chiến trường xưa", "Đường Hồ Chí Minh huyền thoại", "Con đường sinh thái, văn hóa tâm linh Bắc miền Trung gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững", xen giữa hành trình là những điểm nghỉ ngơi tại các bãi tắm và khu nghỉ dưỡng ven biển, đã góp phần hồi sinh nhưng làng chài làm du lịch ven biển của Quảng Bình, đánh thức tiềm năng của du lịch biển. Du lịch biển của Quảng Bình đã bước đầu có được dấu ấn trong lòng du khách và khẳng định được vị trí của mình trong toàn ngành du lịch. Điều đó cho thấy, liên kết vùng đã tác động không nhỏ đến quá trình hình thành và xây dựng thương hiệu của du lịch biển Quảng Bình.

Một phần của tài liệu Luận án Trần Thanh Tùng (Trang 117 - 122)