Thứ nhất, thay đổi tư duy về liên kết kinh tế vùng và lợi ích của liên kết kinh tế cho cộng đồng, doanh nghiệp và các cấp chính quyền sở tại
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, mối quan hệ liên kết kinh tế vùng nói chung và liên kết giữa kinh tế biển với kinh tế vùng nói riêng trên địa bàn Quảng Bình chưa trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp và chưa thực sự là yêu cầu cấp bách với chính quyền địa phương thì giải pháp đầu tiên là phải
nâng cao nhận thức về liên kết kinh tế và lợi ích của liên kết kinh tế vùng mang lại cho sự phát triển kinh tế biển của Quảng Bình. Để làm được điều này lãnh đạo các cấp của địa phương phải nhận thức rõ ràng về sự cần thiết phải liên kết, chỉ có liên kết kinh tế mới cùng nhau phát triển, xác định rõ tham gia liên kết là tự nguyện vì lợi ích của chính mình, khắc phục tư duy cục bộ trong liên kết kinh tế. UBND tỉnh phải chỉ đạo cơ quan có chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kịp thời biểu dương, khen thưởng các cơ sở, địa phương trong tỉnh làm tốt công tác liên kết, phải nhân rộng các mô hình liên kết mang lại hiệu quả tốt trên địa bàn để khuyến khích các hộ sản xuất, các doanh nghiệp tham gia và tổ chức các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trên tất cả các lĩnh vực của kinh tế biển.
Thứ hai, xây dựng cơ sở pháp lý cho liên kết kinh tế vùng trong lĩnh vực kinh tế biển
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành, các quy hoạch vùng về thủy sản, du lịch, cảng biển và khu kinh tế ven biển của Bộ, ngành đã xây dựng, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các Sở NN&PTNT, Sở Du lịch, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Xây dựng tiến hành ra soát, xây dựng các kế hoạch, đề án triển khai, tổ chức thực hiện phù hợp với địa phương. Đặc biệt, trong kế hoạch phát triển của địa phương như: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh đến năm 2030, quy hoạch tái cấu trúc ngành nông nghiệp, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch đô thị... phải phản ánh mục tiêu của liên kết vùng, nhằm đóng góp hiệu quả vào liên kết vùng. Từ đó đề xuất cơ chế chính sách phối hợp phát triển các ngành và lĩnh vực mà các Bộ, ngành triển khai trên địa bàn Quảng Bình. Làm được điều giúp cho Quảng Bình có đủ luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy và điều chỉnh các quan hệ liên kết giữa kinh tế biển với kinh tế vùng.
Thứ ba, thành lập Ban chỉ đạo điều phối thúc đẩy liên kết, hợp tác kinh tế của địa phương
Từ trước đến nay, việc tổ chức thực hiện phát triển liên kết kinh tế của địa phương với toàn vùng thường do các Sở chủ quản về chuyên môn đảm
trách, công tác phối hợp thường rời rạc, không có tính hệ thống, hiệu quả chưa cao. Ví dụ: Sở Du lịch chỉ tập trung vào mảng liên kết với các địa phương trong vùng để xúc tiến, quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương, bỏ qua việc thiết lập quan hệ liên kết các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cung ứng dịch vụ cho du lịch trong địa phương. Thành lập Ban chỉ đạo điều phối thúc đẩy hợp tác kinh tế chung của tỉnh sẽ khắc phục được điều này. Chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động điều phối các hoạt động thúc đẩy phát triển mối quan hệ liên kết kinh tế của Quảng Bình trong tất cả các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu phát triển, thế mạnh địa phương trong thực tiễn. Ban chỉ đạo phải nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh những nội dung, chương trình, hình thức phát triển các mối quan hệ hợp tác kinh tế và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các cam kết đã được thiết lập.