Thứ nhất, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho du lịch biển có trọng tâm trọng điểm
Tỉnh Quảng Bình cần tập trung đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch biển một cách khoa học có trọng tâm trọng điểm, chủ yếu trên các mặt sau:
Trên cơ sở dự báo số lượng du khách đến Quảng Bình đến năm 2030, cần tập trung đầu tư vào hệ thống cơ sở phục vụ lưu trú cho du khách. Tuy nhiên không nên tập trung quá nhiều vào các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các khách sạn, khu resort - sân golf, vì tập trung quá nhiều vào lĩnh vực này sẽ gây ra sự lãng phí về mặt tài nguyên đất tại những bãi biển đẹp của Quảng Bình như: Nhật Lệ- Quảng Phú- Bảo Ninh, Đá Nhảy Vũng Chùa- Đảo Yến.., mà phải phân bổ hài hòa giữa hệ thống phân khúc nghĩ dưỡng cao cấp này với hệ thống dịch vụ lưu trú dành cho nhiều đối tượng khác mới có thể đáp ứng được nhu cầu.
Có chính sách đầu tư hoàn thiện hệ thống dịch vụ, giải trí có chất lượng phục vụ du lịch biển. Theo quy luật tính nguồn thu của du lịch, 30%
nguồn thu trực tiếp từ ngành du lịch, 70% nguồn thu do khách chi tiêu ngoài xã hội, do đó cần chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này sẽ thu được giá trị gia tăng cao, khoản thu này này mới thực sự đem đến sinh kế cho cư dân và ngân sách nhà nước, thay đổi diện mạo của địa phương.
Tập trung đầu tư cơ sở vật chất để khai thác 03 vùng biển chiến lược trong du lịch biển của tỉnh là Vũng Chùa - Đảo Yến; Đá Nhảy, Nhật Lệ - Quang Phú - Bảo Ninh. Đây là vấn đề mang tính chiến lược cho du lịch biển của địa phương, các địa danh này có vị trí địa lý kết nối được gần như toàn bộ các hình thức du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái với du lịch biển như: Vũng Chùa - Đảo Yến kết nối với khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với khu kinh tế, cảng biển Hòn La; khu Đá Nhảy kết nối với khu hang động Phong Nha- Kẻ Bàng, Sơn Đoòng và hình thức du lịch khám phá, mạo hiểm sinh thái, lịch sử phía tây của tỉnh; khu Nhật Lệ - Quang Phú - Bảo Ninh kết nối trung tâm hành chính, du lịch nghĩ dưỡng và các địa danh phía nam của tỉnh, hình thành trục du lịch biển xuyên suốt toàn tỉnh tạo nên các cực tăng trưởng cho kinh tế - xã hội của địa phương.
Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh công tác kêu gọi, khuyến khích xã hội hóa các dự án đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho du lịch biển nói riêng và du lịch nói chung, nhân rộng mô hình homestay đối với những làng chài ven biển vừa tạo sinh kế cho cư dân địa phương, vừa giúp giảm sức ép đầu tư vào cơ sở vật chất cho chính quyền sở tại.
Thứ hai, xây dựng sản phẩm đặc trưng để tạo dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch biển
Dưới góc độ nghiên cứu này, tác giả mạnh dạn đưa ra giải pháp mang tính khái quát như sau:
Đẩy mạnh chương trình xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu cho du lịch biển. Điều này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa những cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch biển của địa phương. Quảng Bình cần xây dựng cơ chế hợp tác giữa Sở Du lịch - Hiệp hội du lịch tỉnh - Doanh nghiệp du lịch, bên cạnh đó phải dự
báo, xác định và phân loại được các nhóm thị trường sử dụng sản phẩm du lịch để tránh công tác xúc tiến, quảng bá không đúng trọng tâm, lãng phí nguồn lực.
Thiết kế tổ chức những tour du lịch với đầy đủ các nội dung liên hoàn: du lịch nghỉ dưỡng - du lịch sinh thái - du lịch khám phá, mạo hiểm- du lịch hang động - du lịch tâm linh - du lịch biển trong một hành trình. Quảng Bình hiện là tỉnh có các hoạt động du lịch đa dạng nhất tại Việt Nam với đầy đủ các loại hình du lịch như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thám hiểm, du lịch trên sông, du lịch khám phá với nhiều cấp độ khác nhau. Thực sự nếu so sánh và đánh giá những loại hình du lịch thì các địa danh du lịch khác như trên cả nước đều không thể có nhiều loại hình du lịch như tại Quảng Bình. Sự đa dạng và phong phú của các loại hình du lịch kể trên, Quảng Bình đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của hầu hết các khách du lịch với mọi lứa tuổi cũng như sở thích. Đây có thể trở thành sản phẩm riêng có của Quảng Bình, nếu tổ chức tốt có thể xây dựng được thương hiệu của địa phương trên phạm vi khu vực và thậm chí vươn ra thế giới, bởi không thể có một khu Phong Nha - Kẻ Bàng, Sơn Đoòng thứ hai trên thế giới.
Thứ ba, thúc đẩy hình thành mối quan hệ liên kết kinh tế giữa du lịch biển với du lịch toàn vùng
Quảng Bình cần tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ để phát huy được hết lợi thế so sánh của địa phương, trên góc độ vi mô, để hình thành được mối quan hệ liên vùng trong phát triển du lịch biển phải thiết lập mối quan hệ liên kết đối với các tác nhân trong nội bộ ngành du lịch của tỉnh, từ đó làm cơ sở thiết lập mối quan hệ liên vùng, ngành. Theo đó, Quảng Bình cần thực hiện một số giải pháp sau:
Nhanh chóng xây dựng một chiến lược phát triển du lịch tổng hợp mang tính chất liên ngành, liên vùng, dựa trên điều kiện đặc thù của địa phương để tránh trùng lắp trong việc hình thành các sản phẩm du lịch với các địa phương trong vùng, sự khác biệt đó giúp tạo ra sự liên kết trong lĩnh vực này bền chặt hơn. Trên cơ sở đó, Quảng Bình cần phải lựa chọn những lĩnh vực và đối tác
liên kết mang tính chiến lược và dài hạn, không nên lựa chọn những đối tác ngắn hạn và mang tính hình thức, sự liên kết phải đảm bảo tính thiết thực, có khung pháp lý cụ thể, đảm bảo cho các hợp đồng liên kết được thực thi hiệu quả trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các bên tham gia.
Đẩy mạnh phát triển liên kết theo chuỗi dọc công ty lữ hành - điểm đến - cơ sở lưu trú - dịch vụ giải trí - vận chuyển trong tỉnh. Đây là cơ sở để định hình chuỗi liên kết giữa các đơn vị kinh doanh du lịch của địa phương trong phát triển những sản phẩm du lịch mang tính tổng hợp, có tính cạnh tranh cao làm tiền đề cho quá trình hợp tác bình đẳng giữa các chủ thể trong ngành du lịch của tỉnh với các chủ thể khác ngoại tỉnh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng tạo dựng được niềm tin với các đối tác để có được sự liên kết, hợp tác lâu dài và bền vững.
Quảng Bình nên chủ động đề xuất và phối hợp với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ thành lập Văn phòng điều phối liên kết phát triển du lịch của toàn vùng. Thành viên Văn phòng điều phối này lấy từ các cơ quan chuyên trách du lịch của các địa phương và hoạt động độc lập chuyên giám sát và triển khai các ý tưởng liên kết cấp vùng mà các cơ quan chức năng của địa phương đã ký kết. Đồng thời triển khai tổ chức các mô hình liên kết giữa các địa phương hình thành nên các tour du lịch chung của vùng, góp phần tạo nên chuỗi giá trị du lịch liên vùng. Điều này sẽ giúp cho quá trình liên kết du lịch của vùng trở thành hiện thực và thu được hiệu quả kinh tế cao.