Trong những năm 1960s hệ lý thuyết về vùng bắt đầu phát triển mạnh khi trên thực tế, những liên kết phát triển giữa các vùng nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh, khi sự phân bố không gian lãnh thổ công nghiệp, nông nghiệp vùng được triển khai sâu rộng ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ. Nghiên cứu liên kết kinh tế vùng phải bắt đầu từ khái niệm liên kết kinh tế, mục tiêu của liên kết kinh tế, các yếu tố của liên kết, từ đó xem xét các lý thuyết liên kết kinh tế vùng sâu sắc và đầy đủ hơn.
Một số nghiên cứu trên thế giới khẳng định bản chất của liên kết kinh tế là thể chế kinh tế và trên cơ sở đó họ đi tìm sự khác biệt giữa nó với hai thể chế đối lập nhau như hai cực đó là thị trường mở và thứ bậc (kế hoạch mệnh lệnh), trong sự phân biệt đó họ xem xét liên kết kinh tế như là một thể chế kinh tế trung gian giữa hai cơ chế nêu trên với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Key, N và Rusten, D nhìn nhận bản chất liên kết kinh tế là một thể chế kinh tế (economic institution) [123]. Ở Việt Nam, liên kết kinh tế được đề cập đến rất nhiều trong các nghiên cứu khác nhau, có quan niệm cho rằng thực chất của liên kết kinh tế là quá trình xã hội hóa sản xuất [59].
Liên kết kinh tế là hình thức hợp tác và phối hợp thường xuyên các hoạt động do các chủ thể kinh tế tự nguyện tiến hành để cùng đề ra và thực hiện các chủ trương, biện pháp có liên quan đến công việc sản xuất, kinh doanh của các bên tham gia nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển theo hướng có lợi nhất. Được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi thông qua hợp đồng kinh tế ký kết giữa các bên tham gia và trong khuôn khổ pháp luật của các nhà nước. Chính mối quan hệ liên kết đã đưa đến cho các chủ thể kinh tế những cơ hội để nhận được những lợi ích lớn hơn, an toàn hơn [73, tr.133].
Mục tiêu của liên kết kinh tế là tạo ra mối quan hệ kinh tế ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc các quy chế hoạt động để tiến hành phân công sản xuất chuyên môn hoá, nhằm khai thác tốt tiềm năng của từng đơn vị tham gia liên kết; hoặc để cùng nhau tạo thị trường chung, phân định hạn mức sản lượng cho từng đơn vị thành viên, hay giá cả cho từng loại sản phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như lợi ích của các bên. Liên kết kinh tế trong giai đoạn hiện nay được diễn ra trên một phạm vi rộng lớn, ở cả tầm vi mô lẫn vĩ mô. Vì vậy, bên cạnh phát triển nội lực bên trong để tăng hiệu quả của sự phối hợp, thì việc đẩy mạnh liên kết những chủ thể kinh tế trong xã hội là một điều tất yếu. Sự hợp tác giữa các địa phương trong việc xây dựng các quy hoạch cũng như hình thành các cơ chế, chính sách phát triển thống nhất thúc đẩy sự phát triển của từng địa phương là một trong những ví dụ điển hình về liên kết kinh tế.
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về bản chất liên kết kinh tế, tựu chung lại, liên kết kinh tế có 4 cách tiếp cận cơ bản: i) liên kết kinh tế là một cơ chế kinh tế; ii) liên kết kinh tế là một hình thức tổ chức sản xuất; iii) liên kết kinh tế là một quá trình kinh tế; iv) liên kết kinh tế vừa là cơ chế kinh tế vừa là một hình thức tổ chức sản xuất, điều đó có nghĩa là xem xét liên kết kinh tế dưới góc độ thể chế kinh tế. Dưới góc độ kinh tế chính trị, khái niệm:
Liên kết kinh tế là một thể chế kinh tế nhằm thực hiện một kiểu hành động giữa các chủ thể kinh tế độc lập tự chủ với nhau, một cách tự nguyện, thỏa thuận đôi bên cùng có lợi và tin tưởng lẫn nhau; ràng buộc lẫn nhau theo một kế hoạch hoặc quy chế định trước, dài hạn hoặc thường xuyên; nhằm ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế [50, tr.12].
Khái niệm này là khái quát nhất và đã chỉ ra đầy đủ các đặc trưng, chủ thể, cơ chế, và mục tiêu của liên kết kinh tế.
Trong lý thuyết phát triển, thuật ngữ liên kết vùng được sử dụng đầu tiên trong các công trình của Perroux, đã luận chứng về các liên kết theo cách tiếp cận tính lan tỏa dựa vào lý thuyết về “cực tăng trưởng”. Các cực tăng trưởng này có sức lan tỏa, và sức hút dòng hàng hóa nguyên liệu và lao động trong các khu vực khác của vùng và ngoài vùng. Sự tác động lan tỏa này sẽ thúc đẩy hình thành không gian liên kết kinh tế và mạng lưới buôn bán, và hình thành một tập hợp các liên kết kinh tế giữa cực tăng trưởng và các vùng xung quanh.
John Friedmann [120] đã đưa ra một cách tiếp cận về liên kết không gian trong phát triển vùng tương đối giống lý thuyết cực tăng trưởng của Perroux là mô hình trung tâm - ngoại vi. Hirschman [107] khi đề cập đến liên kết kinh tế vùng ông đã sử dụng khái niệm liên kết ngược và liên kết xuôi để nghiên cứu các mối quan hệ ngành và liên ngành. Ông cho rằng các hiệu ứng liên kết ngược nảy sinh từ nhu cầu cung ứng đầu vào của một ngành nào đó mới được thiết lập; còn hiệu ứng liên kết xuôi phát sinh từ việc sử dụng đầu ra của ngành đó như là đầu vào của các ngành khác đi theo.
Từ những quan điểm của các tác giả đã nêu trên, có thể khái quát: Liên kết kinh tế vùng là liên kết các ngành kinh tế mang tính hợp tác bổ sung lẫn nhau giữa các địa phương có những nét tương đồng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, phân bố dân cư, nguồn lực..., nhằm mục đích tăng cường sức hút đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng, phương thức liên kết đa dạng, trong đó có thể tập trung phát triển một hạt nhân trung tâm, xung quanh là các vệ tinh, hoặc là một thành phẩm được đưa qua nhiều giai đoạn mà mỗi địa phương đảm nhận một vai trò trong chuỗi giá trị sản phẩm.