Để các khu kinh tế ven biển, cảng biển thiết lập mối quan hệ hợp tác, liên kết phải được bắt đầu từ quy hoạch tổng thể của Chính phủ và chính quyền các địa phương trong vùng. Thực trạng phát triển khu kinh tế ven biển của toàn vùng Bắc Trung Bộ cho thấy, trong quá trình xây dựng thường không đề cập đến tính thống nhất và tương quan với quy hoạch tổng thể và liên kết toàn vùng, điều này được thể hiện trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế giai đoạn 2001-2010, đây là thời điểm các khu kinh tế ven biển của các địa phương được thành lập. Vì vậy, mối quan hệ hợp tác, liên kết vùng trong trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến các khu kinh tế ven biển, cảng biển của vùng Bắc Trung Bộ nói chung và Quảng Bình nói riêng chỉ chú trọng hoạt động quảng bá, xúc tiến, kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư nhằm lấp đầy các khu công nghiệp ven biển. Năm 2014, lần đầu tiên Chính phủ đã có quyết định quy hoạch vùng nam Hà Tỉnh và bắc Quảng Bình nhằm tạo ra không gian liên kết kinh tế tại khu vực này, xác định:
Là vùng kinh tế tổng hợp, động lực phát triển của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình,của vùng Bắc Trung Bộ, có tiềm năng lớn về phát triển cảng nước sâu và công nghiệp nặng; là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy, trao đổi thương mại với nước bạn Lào thông qua cửa khẩu quốc gia Cha Lo [81, tr1].
Hệ thống cảng bao gồm: Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương công suất, quy mô tuân thủ Quy hoạch chi tiết Khu bến cảng biển Sơn Dương - Vũng Áng giai đoạn đến năm 2020, định hướng 2030. Cụm cảng Hòn La - Quảng Trạch công suất, quy mô tuân thủ Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ [81, tr 3].
Như vậy, sợi dây liên kết vùng đã có, xác định trọng tâm của liên kết là kết nối du lịch, dịch vụ cảng biển, khu kinh tế ven biển Vũng Áng và Hòn La, liên kết phát triển hạ tầng giao thông của vùng. Qua nghiên cứu của tác giả, cho đến nay chính quyền hai địa phương chỉ mới ký kết các văn bản hợp tác phát triển du lịch và đang hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông, kêu gọi đầu tư vào các khu kinh tế, chưa có động thái nào thể hiện sự liên kết trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và giữa hai khu kinh tế nói trên. Đối với hệ thống khu kinh tế ven biển, dịch vụ cảng biển của toàn khu vực Bắc Trung Bộ sự liên kết gần như bỏ trống, các địa phương chỉ hợp tác với nhau trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo mời gọi đầu tư, chưa phân định rõ mỗi địa phương cần phân mảng thu hút đầu tư vào sản phẩm nào, lĩnh vực gì trong các khu kinh tế ven biển, thực hiện phân khúc thị trường đối với dịch vụ cảng biển. Điều này dẫn đến không gian kinh tế bị chia cắt, lợi ích cùng bị tổn hại, gây bất lợi chung cho toàn vùng.
Sự hợp tác và liên kết rõ nét nhất của dịch vụ cảng biển và khu kinh tế của Quảng Bình không phải diễn ra với vùng Bắc Trung Bộ, mối quan hệ đó lại có tính quốc tế. Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Bình và Công ty TNHH Petro Lào - đơn vị chủ đầu tư dự án đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án xây dựng kho ngoại quan và hệ thống đường ống dẫn xăng dầu từ Cảng biển Hòn La sang tỉnh Khăm Muộn (Lào) trên tổng diện tích 37,45 héc ta với tổng mức đầu tư là 680 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên
616 triệu USD. Quy mô của dự án gồm: Kho ngoại quan tại Cảng Hòn La có sức chứa khoảng 300.000 - 500.000m3, sử dụng cho mục đích tạm nhập, tái xuất dầu sang Lào. Hệ thống cầu cảng mềm cho tàu có sức chứa từ 50.000 tấn trở lên cập cảng; Hệ thống đường ống dẫn dầu từ Cảng Hòn La sang tỉnh Khăm Muộn dài khoảng 270 đến 300 km; xây dựng 4 trạm bơm và kho trung gian và xây dựng Kho đến tại tỉnh Khăm Muộn với quy mô sức chứa khoảng 100.000 đến 200.000 m3 [103].
Sự chậm trễ của các chủ thể vĩ mô đã dẫn đến tình trạng liên kết của chính các khu kinh tế ven biển, cảng biển của Quảng Bình với khu vực Bắc Trung Bộ chưa thành hệ thống. Khi các tác nhân chủ yếu chưa tìm được mối quan hệ về lợi ích, quá trình liên kết vùng thiếu đi chất kết dính, phát huy thế mạnh để cùng phát triển chưa được sự quan tâm đúng mức của các địa phương. Thực tiễn phát triển tại Quảng Bình và khu vực Bắc Trung Bộ cho thấy, đối với dịch vụ cảng biển và khu kinh tế ven biển, chưa có sự hợp tác của chính quyền thì vấn đề liên kết của các chủ thể vi mô, đặc biệt là mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp địa phương trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển, các doanh nghiệp trong các khu kinh tế ven biển với các khu kinh tế khác trong vùng chưa được thiết lập.