điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nước ta
Theo quy định của pháp luật, ở nước ta có hai cấp phúc thẩm là các TAND cấp tỉnh và các Toà phúc thẩm (TAQSTƯ) thuộc TANDTC, tương ứng với hai cấp này là các VKSND cấp tỉnh và các Viện phúc thẩm thuộc VKSNDTC. Về tổ chức của các TAND và VKSND cấp tỉnh trong hoạt động phúc thẩm, theo chúng tôi không có vấn đề gì nổi cộm. Nhưng về tổ chức của các Toà phúc thẩm thuộc TANDTC và các Viện phúc thẩm thuộc VKSNDTC hiện nay, theo chúng tôi là chưa hợp lý.
Hiện nay ở nước ta ở mỗi miền có một Toà phúc thẩm TANDTC và một Viện phúc thẩm VKSNDTC hoạt động có trụ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Mỗi Toà phúc thẩm và Viện phúc thẩm này phải đảm nhận một địa bàn xét xử phúc thẩm trên phạm vi từ 12 đến 27 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với địa bàn quản hạt quá rộng như vậy và phải tổ chức các phiên toà xét xử phúc thẩm lưu động tại địa phương. Mỗi đợt xét xử phúc thẩm các HĐXX phải ở tại các địa phương dài ngày và trong nhiều trường hợp phải hoãn phiên tòa vì các lý do khác nhau (bị cáo, đương sự, luật sư bào chữa,... vắng mặt). Do đó các Toà phúc thẩm TANDTC và Viện phúc thẩm VKSNDTC mất rất nhiều thời gian, công sức trong việc đi lại và tổ chức các phiên toà lưu động, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả hoạt động phúc thẩm. Đây cũng là một trong những lý do, nguyên nhân dẫn đến sự tồn đọng án phúc thẩm nhiều ở TANDC trong thời gian qua mà chúng tôi đã đề cập ở mục 2.2 của luận án.
Từ phân tích trên chúng tôi cho rằng, cần tổ chức lại các Toà phúc thẩm thuộc TANDTC và Viện phúc thẩm VKSNDTC theo hướng thành lập
các Toà phúc thẩm khu vực thuộc TANDTC và Viện phúc thẩm khu vực thuộc VKSNDTC. Mỗi Toà phúc thẩm và Viện phúc thẩm này có thẩm quyền phúc thẩm theo quản hạt trong phạm vi 4 - 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải quyết kịp thời các vụ án hình sự có kháng cáo, kháng nghị. Việc tổ chức lại hệ thống các Toà phúc thẩm và Viện phúc thẩm sẽ tiết kiệm đáng kể các chi phí về vật chất, thời gian trong hoạt động phúc thẩm.