Theo quan niệm của xu hướng này, thì phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai chứ không phải là cấp xét xử lần thứ hai đối với vụ án. Thông qua việc xét xử lại vụ án, Tòa phúc thẩm khắc phục những sai sót về xét xử của Tòa sơ thẩm. Bởi vậy, cần hạn chế phạm vi xem xét và quyền hạn của Tòa phúc thẩm để không biến cấp phúc thẩm thành Tòa sơ thẩm thứ hai xét xử lại vụ án. Mặt khác, để bảo đảm tính khả thi của pháp luật, phải xác định một phạm vi xem xét và quyền hạn của TA cấp phúc thẩm hợp lý để cấp TA này có thể hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hệ thống TA ở các nước đều được tổ chức theo hình chóp càng lên cao càng thu hẹp: các TA cấp cơ sở (quận, huyện) chiếm đa số tuyệt đối về số lượng; các TA cấp tỉnh, thành phố (TA khu vực hoặc Tòa cấp cao) có số lượng ít hơn và trên cùng chỉ có duy nhất một TATC. Nếu cho phép kháng cáo, kháng nghị đối với tất cả các bản án sơ thẩm; xét xử lại toàn bộ vụ án và không hạn chế quyền hạn của Tòa phúc thẩm, thì hoạt động xét xử phúc
thẩm sẽ trở nên nặng nề, quá tải; làm cho quá trình giải quyết vụ án và thi hành các phần bản án không bị kháng cáo, kháng nghị kéo dài, không bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Như vậy, pháp luật sẽ không có tính khả thi, mục đích và hiệu quả phúc thẩm sẽ không đạt được. Bởi vậy, cần hạn chế các vụ án được xét xử ở hai cấp, thu hẹp phạm vi xét xử phúc thẩm và các quyền hạn cụ thể của TA cấp phúc thẩm.
Xu hướng điều chỉnh thu hẹp phạm vi thẩm quyền của TA cấp phúc thẩm có ưu điểm là làm cho hoạt động xét xử phúc thẩm gọn nhẹ, không quá tải và ít tốn kém, giúp cho quá trình giải quyết vụ án và thi hành án nhanh chóng dứt điểm, bảo vệ kịp thời các lợi ích của nhà nước, của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bên cạnh đó, xu hướng điều chỉnh này cũng bộc lộ một số nhược điểm sau đây:
- Hạn chế tính công khai dân chủ và công bằng xã hội của TTHS; - Hạn chế việc phát hiện và khắc phục kịp thời các sai lầm nghiêm trọng (xử phạt oan người vô tội) của TA cấp dưới. Vì vậy, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là bị cáo không được bảo vệ kịp thời và có hiệu quả.
- Hạn chế khả năng, điều kiện để công dân (đặc biệt là bị cáo) trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước TA.
- Hạn chế TA cấp trên trong việc kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có HLPL và xác định sự thật khách quan về vụ án;
Ngày nay trong xu hướng hội nhập quốc tế và dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội nhằm bảo vệ có hiệu quả hơn các quyền con người trong TTHS, các quốc gia đều lựa chọn kết hợp những yếu tố hợp lý trong cả hai xu hướng điều chỉnh nêu trên để đưa ra phương án tối ưu (theo quan niệm và truyền thống của mỗi nước) trong điều chỉnh phạm vi kháng cáo, kháng
nghị; phạm vi xét xử phúc thẩm và quyền hạn của TA cấp phúc thẩm phù phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn phát triển. Ví dụ, ở nước ta giai đoạn 1945 - 1957, chế độ hai cấp xét xử không áp dụng đối với các vụ án phản cách mạng. Trước 1986, nguyên tắc hai cấp xét xử cũng không áp đối với các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS.
Trước năm 2000, theo quy định tại khoản 3 Điều 145 BLTTHS nước ta, Tòa hình sự TANDTC và TAQSTƯ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Từ năm 1989 đến 2000, TANDTC và TAQS TƯ đã xét xử một số vụ án hình sự theo thủ tục này. Tuy nhiên, thủ tục này đã hạn chế quyền dân chủ và tước bỏ quyền kháng cáo đối với phán quyết của TA - một trong những phương tiện quan trọng và hữu hiệu để bị cáo bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nó không còn phù hợp với xu hướng dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, BLTTHS sửa đổi năm 2000 đã bãi bỏ thủ tục xét xử này và cho phép kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với tất cả các bản án sơ thẩm của TA các cấp.
Theo quy định của BLTTHS của Cộng hòa Pháp [34], trong mọi trường hợp, người bị hại do hành vi phạm tội gây ra, dù là trọng tội, khinh tội hay tội vi cảnh đều có quyền kiện về dân sự đòi bồi thường thiệt hại (Điều 2) và phải có đơn đề nghị TA xin đứng nguyên đơn dân sự (Điều 418 - 420). Họ chỉ có quyền kháng cáo đối với phần bản án có liên quan đến các lợi ích dân sự của mình (Điều 497). Luật hình sự của Cộng hòa Pháp chia các tội phạm thành ba loại: tội vi cảnh, khinh tội và trọng tội. Việc xét xử các vụ án về tội vi cảnh và khinh tội do các thẩm phán chuyên nghiệp thực hiện không có đoàn bồi thẩm tham gia. Các vụ án về tội vi cảnh được xét xử tại Tòa vi cảnh với thành phần HĐXX chỉ có một thẩm phán (Điều 521 và 523). Các vụ án về khinh tội được xét xử tại Tòa tiểu hình với thành
phần HĐXX gồm ba thẩm phán, trừ các tội phạm quy định tại Điều 398-1, việc xét xử do một thẩm phán đảm nhiệm (Điều 398).
Việc xét xử các vụ án về trọng tội được tiến hành tại Tòa đại hình với thành phần gồm ba thẩm phán chuyên nghiệp của Tòa phúc thẩm và 09 bồi thẩm (các điều 240, 243, 248 và 296). Chỉ có thể kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với các bản án sơ thẩm của Tòa tiểu hình và Tòa vi cảnh (Điều 496 và Điều 547). Đối với các bản án sơ thẩm của Tòa đại hình không ai có quyền kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, Viện công tố hoặc bên bị thiệt hại có thể kháng cáo, kháng nghị lên Tòa Phá án để xin hủy các bản án đó (Điều 567). Tại Cộng hòa Pháp, "TA cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị căn cứ vào tư cách của người kháng cáo, kháng nghị" [34]. BLHSTT của Việt Nam Cộng hòa [3] quy định về phúc thẩm tương tự như BLTTHS của Cộng hòa Pháp, vì nó được xây dựng theo khuôn mẫu của Bộ luật này.
Theo Thông tư số 19/TATC ngày 02/10/1974 (thay thế Thông tư số 03) và theo quy định của BLTTHS hiện hành của nước ta, thì TA cấp phúc thẩm chỉ xem xét vụ án trong phạm vi kháng cáo, kháng nghị [48, tr. 208]. "Nếu xét thấy cần thiết, thì TA cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án" (Điều 214).
Ngoài thủ tục xét xử phúc thẩm theo kháng cáo, kháng nghị, pháp luật của một số nước còn quy định một thủ tục tố tụng khác nhằm khắc phục các sai sót về xét xử của TA cấp sơ thẩm. Ví dụ, theo pháp luật Philippin [90, tr. 268], thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, trong trường hợp không đồng tình với bản án sơ thẩm, người bị kết án có quyền lựa chọn một trong ba cách giải quyết sau đây:
- Kiến nghị mở phiên tòa mới để xét xử lại vụ án, nếu thấy việc xét xử có sai sót hay trái pháp luật khiến sự công minh không được bảo đảm hoặc quyết định của bản án trái với các bằng chứng được viện dẫn hoặc
bằng chứng đã được TA cấp sơ thẩm xem xét khác với các bằng chứng được tìm ra sau khi tuyên án. Nếu kiến nghị được chấp nhận, thì phiên tòa mới sẽ xem xét lại vụ án. Nếu phát hiện có sai sót về luật pháp hay vi phạm pháp luật trong quá trình xét xử, thì các bước hoặc các bằng chứng liên quan đến sai sót sẽ được cắt bỏ hay xử lại, còn các bước và bằng chứng không liên quan đến sai sót sẽ được giữ nguyên.
- Kiến nghị xem xét lại vụ án, nếu thấy có những sai sót của pháp luật hoặc các sự thật trong lời tuyên án. Nếu kiến nghị này được chấp nhận, thì TA có thể điều chỉnh hoặc xem xét lại quyết định của mình trên cơ sở hồ sơ vụ án.
Trong trường hợp mở phiên tòa mới hay xem xét lại vụ án, thì lời tuyên án ban đầu sẽ bị hủy bỏ và TA sẽ ra một tuyên án mới.
- Kháng án: theo quy định của pháp luật Philippin, không phải vụ án nào cũng có thể kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm lên TA cấp trên. Chỉ có các vụ án do Hiến pháp hoặc pháp luật quy định mới được kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Viện Công tố không có quyền kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm tuyên bị cáo vô tội hoặc với lý do hình phạt áp dụng đối với bị cáo nhẹ hơn hình phạt mà pháp luật yêu cầu.
Theo quy định của BLTTHS 1993 của CHLB Nga, có thể kháng cáo, kháng nghị đối với tất cả các bản án sơ thẩm của TA các cấp, kể cả bản án của TAQS và Tòa Bồi thẩm (các điều 326 và 463). Khi xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, TA không bị ràng buộc bởi lý do của kháng cáo, kháng nghị và phải kiểm tra toàn bộ vụ án đối với tất cả các bị cáo, kể cả những bị cáo không kháng cáo và không bị kháng nghị (Điều 332) [79].
Sau khi BLTTHS mới của CHLB Nga được ban hành (năm 2001), phạm vi kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và phạm vi xét xử phúc thẩm đã được xác định lại với những thay đổi rất cơ bản. Ngoài thủ tục phúc thẩm
(như BLTTHS 1993 đã quy định), BLTTHS 2001 của CHLB Nga [80] còn quy định về thủ tục chống án. Về bản chất, Tòa chống án là một tòa phúc thẩm bởi vì thủ tục chống án không có gì khác với thủ tục phúc thẩm. Giữa hai thủ tục này chỉ khác nhau về đối tượng xét xử và thành phần HĐXX: đối tượng của việc xét xử theo thủ tục chống án là các bản án, quyết định chưa có HLPL của thẩm phán hòa giải (Điều 361), còn đối tượng của xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định chưa có HLPL của các TA cấp sơ thẩm (Điều 373); Việc xét xử theo thủ tục chống án do một thẩm phán TA cấp quận tiến hành (khoản 3 Điều 30), còn việc xét xử phúc thẩm do HĐXX gồm ba thẩm phán thực hiện (khoản 3 Điều 30). Khi xét xử vụ án theo thủ tục chống án hoặc thủ tục phúc thẩm, TA chỉ giải quyết vụ án trong phần bị kháng cáo, kháng nghị và chỉ đối với những người bị kết án được đề cập trong kháng cáo, kháng nghị (Điều 360).
Theo quy định của BLTTHS Nhật Bản, tất cả các bản án, quyết định sơ thẩm đều có thể kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm lên TA cấp trên. Người đại diện hợp pháp hoặc người quản lý bị cáo, người đại diện theo ủy quyền hoặc luật sư bào chữa có thể kháng cáo thay mặt bị cáo nhưng không được trái với ý định được thể hiện rõ của bị cáo (các điều 353, 354 và 356). Mỗi bên đều có quyền kháng cáo hai lần đối với bản án sơ thẩm, lần thứ nhất lên TA cấp cao để chống lại việc luận tội của TA, việc xử trắng án hoặc bản án, và lần thứ hai lên TATC, nếu quyết định của TA cấp dưới trái Hiến pháp hoặc trái tiền lệ của TATC (Điều 405). Khi kháng cáo lên TA cao hơn, không cần phải được sự đồng ý của TA cao hơn đó hoặc giấy xác nhận của TA ban đầu. Hạn chế duy nhất là bên kháng cáo phải thực hiện việc kháng cáo trong thời hạn 02 tuần kể từ ngày có phán quyết đầu tiên của TA [82].
Theo BLTTHS bang Tây Úc [84], người bị kết án theo cáo trạng chỉ có quyền kháng cáo nếu cơ sở kháng cáo chỉ liên quan đến việc vận dụng
pháp luật hoặc khi Tòa phúc thẩm cho phép hoặc có giấy xác nhận của thẩm phán đã xét xử sơ thẩm cho rằng vụ án có thể được kháng cáo. Người bị kết án và bị xử phạt có thể kháng cáo về bất kỳ hình phạt tù giam nào mà anh ta bị áp dụng. Nếu kháng cáo về các hình phạt khác, thì phải được Tòa phúc thẩm cho phép (khoản 1, 1a Điều 688). Theo khoản 2 Điều 688 Bộ luật này, thì Viện Công tố có quyền kháng nghị đối với:
- Quyết định bác bỏ, hủy bỏ cáo trạng hoặc đình chỉ việc ra bản án theo cáo trạng;
- Phán quyết của đoàn bồi thẩm tuyên vô tội và bản án được ra trên cơ sở của phán quyết đó;
- Bản án được ra trên cơ sở người bị truy tố cho rằng TA không có thẩm quyền tài phán;
- Hình phạt được tuyên.
Theo BLTTHS của CHND Trung Hoa [81], các bên trong vụ án hoặc đại diện pháp lý của họ, nếu không đồng tình với bản án hay quyết định sơ thẩm thì có quyền kháng cáo lên TA cấp trên. Nếu bị cáo đồng ý, luật sư bào chữa hoặc họ hàng thân thích của bị cáo có quyền kháng cáo lên TA cấp trên. Không được dựa vào bất cứ nguyên cớ gì để tước quyền kháng cáo của bị cáo (Điều 129). "TA cấp phúc thẩm tiến hành kiểm tra toàn diện về cơ sở và tính pháp chế của bản án sơ thẩm không được hạn chế trong phạm vi của kháng cáo, kháng nghị. Những vụ án đồng phạm mà chỉ có bị cáo kháng cáo thì phải kiểm tra toàn bộ vụ án và ra quyết định đối với toàn bộ vụ án" (Điều 134).
Trước năm 1974, ở nước ta theo Thông tư số 03/NCPL ngày 19/5/1967 của TATC, TA cấp phúc thẩm có quyền xét xử lại toàn bộ vụ án, kể cả những bị cáo không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị [48, tr. 205-206].