THỰC TIỄN PHÚC THẨM CÁC VỤÁN HÌNH SỰỞNƯỚC TA 1 Thực trạng phúc thẩm các vụ án hình sự ở nước ta

Một phần của tài liệu một số giải pháp nâng cao hiệu quả phúc thẩm các vụ án hình sự ở nước ta (Trang 108 - 112)

2.2.1. Thực trạng phúc thẩm các vụ án hình sự ở nước ta

Theo thống kê của TANDTC, trong các năm 1997 - 2002, trung bình hàng năm các TA cấp tỉnh thụ lý gần 7.000 vụ án hình sự có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, chiếm gần 1/4 (24,36%) tổng số vụ án do các TA cấp huyện xét xử sơ thẩm. Số vụ án do các TA cấp tỉnh xét xử phúc thẩm hàng năm trung bình đạt 92,5%, trong đó y án sơ thẩm chiếm khoảng 64,2% số bị cáo; sửa án sơ thẩm (về hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS, biện pháp tư pháp,...) chiếm 29,9% số bị cáo; hủy án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại 6,3% số bị cáo và tuyên không phạm tội 4,3% số bị cáo (xem Phụ lục 3).

Ba Tòa phúc thẩm TANDTC thụ lý trung bình khoảng 7.555 vụ/năm, chiếm 35,3 % tổng số vụ án hình sự do các TA cấp tỉnh xét xử sơ thẩm. Tỷ lệ án xử phúc thẩm trung bình hàng năm đạt 78,6% tổng số vụ đã thụ lý, trong đó y án sơ thẩm 76,1% số bị cáo; sửa án sơ thẩm (về hình

phạt, áp dụng điều khoản BLHS, giảm mức bồi thường,...) 20,1%; tuyên bị cáo không phạm tội 3,8%; số còn lại là hủy án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại (xem Phụ lục 2).

Từ các số liệu thống kê trên, có thể rút ra một số nhận xét sau đây: - Hàng năm số án hình sự do các TA tỉnh xét xử sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị chiếm tỷ lệ cao hơn so với số vụ án hình sự do các TA cấp huyện xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị (35,3% và 24,36%); số vụ án ba Tòa phúc thẩm TANDTC xét xử phúc thẩm hàng năm đạt tỷ lệ thấp hơn so với số vụ do các TA tỉnh xét xử phúc thẩm (78,6% và 92,5%).

Thực trạng này được lý giải bởi lý do: các bị cáo trong các vụ án hình sự do các TA cấp tỉnh xét xử sơ thẩm thường có điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện quyền kháng cáo: trình độ văn hóa, nhận thức xã hội và pháp luật thường cao hơn so với các bị cáo trong các vụ án hình sự do các TA cấp huyện xét xử. Mặt khác, các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của các TA cấp tỉnh đông bị cáo và tính chất phức tạp hơn (thường là các tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao) tỷ lệ kháng cáo cao hơn so với các vụ án do các TA cấp huyện xét xử. Do số bị cáo đông, tính chất phức tạp lại phải xét xử lưu động tại các địa phương nên chi phí thời gian cho việc giải quyết một vụ án phúc thẩm ở TANDTC nhiều hơn so với các TA cấp tỉnh,...

- Số vụ án hình sự do ba Tòa phúc thẩm TANDTC xét xử phúc thẩm trung bình hàng năm nhiều hơn 10,53% (khoảng 390 vụ) so với tổng số vụ án phúc thẩm do các TA cấp trong cả nước xét xử. Điều này được lý giải bởi theo quy định tại Điều 145 BLTTHS, thì TAND cấp huyện chỉ có thẩm quyền xét xử những tội phạm mà BLHS quy định hình phạt từ 07 năm tù trở xuống (trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội quy định tại các điều 95 - 96; khoản 1 Điều 172 và các điều 222, 223, 263, 293 - 296 BLHS), tức là khoảng 347/674 khung hình phạt mà BLHS 1999 quy định,

chiếm 51,48%. Trong khi đó TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử đối với 327/674 khung hình phạt mà BLHS quy định, chiếm 48,52% (chưa kể các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TA cấp huyện nhưng TA cấp tỉnh lấy lên để xét xử). Vì vậy, số vụ án thuộc thẩm quyền xét xử phúc thẩm của TANDTC nhiều, trong khi đó TANDTC chỉ có ba Tòa phúc thẩm ở ba miền đất nước với số lượng thẩm phán hạn chế và phải xét xử lưu động tại các địa phương. Đây cũng là một trong các nguyên nhân cơ bản của tình trạng tồn đọng án hàng năm với số lượng lớn và xét xử quá thời hạn ở TANDTC. Vấn đề này tồn tại đã nhiều năm nay, mặc dù TANDTC đã có những cố gắng nhất định, nhưng chưa khắc phục được. Vì vậy, một trong những giải pháp khắc phục tồn tại này là cần nghiên cứu để phân định lại thẩm quyền xét xử sơ thẩm của các TA cấp huyện, đồng thời tổ chức lại các Tòa phúc thẩm TANDTC thành nhiều Tòa phúc thẩm khu vực cho phù hợp (nên có 8 - 10 Tòa khu vực và mỗi Tòa đảm nhiệm xét xử phúc thẩm trên địa bàn 5 - 7 tỉnh). Mặt khác, cũng cần nghiên cứu để quy định thủ tục phúc thẩm theo bút lục đối với một số loại án nhất định.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, số vụ án bị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm ở TA cấp tỉnh cao hơn so với ở TANDTC (29,9% và 20,1%). Điều này phần nào chứng minh về chất lượng xét xử sơ thẩm (và chất lượng đội ngũ thẩm phán) ở các TA cấp tỉnh cao hơn ở các TA cấp huyện.

Theo số liệu thống kê án hình sự phúc thẩm trong thời gian 1997 - 2002 mà chúng tôi thu thập được ở TANDTC và 26 TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (xem Phụ lục 2 và 3, các Phụ lục số 3.1 - 3.24), thì số lượng án hình sự cần xét xử phúc thẩm hàng năm phân bố không đều giữa các địa phương. Phần lớn các vụ án có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm tập trung ở các thành phố lớn. Trung bình hàng năm, TAND TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm khoảng 620 vụ/ 742 bị cáo, chiếm gần 9,47% tổng số vụ và 8,03% tổng số bị cáo do các TA cấp tỉnh trong cả nước phúc thẩm hàng năm (xem

Phụ lục số 3.1). Tỷ lệ này ở TAND TP. Hồ Chí Minh là 537 vụ/ 839 bị cáo/ năm (chiếm 8,2% tổng số vụ và 9,08% tổng số bị cáo) (xem Phụ lục số 3.12); ở TAND TP. Hải Phòng là 192 vụ/ 293 bị cáo/ năm, chiếm 2,93% tổng số vụ và 3,17% tổng số bị cáo (xem Phụ lục số 3.2);...

Ở một số tỉnh kinh tế phát triển và đông dân cư số lượng án hình sự phúc thẩm trung bình hàng năm cũng chiếm tỷ lệ cao hơn các tỉnh khác. Trung bình TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm 237 vụ/ 306 bị cáo/ năm, chiếm 3,62% tổng số vụ và 3,31% tổng số bị cáo (xem Phụ lục số 3.13); TAND tỉnh Thái Bình là 110 vụ/ 196 bị cáo/ năm, chiếm 1,68% tổng số vụ và 2,12% tổng số bị cáo (xem Phụ lục số 3.7). Trong khi đó TAND tỉnh Hà Giang chỉ xét xử phúc thẩm 21 vụ/ 22 bị cáo/ năm (xem Phụ lục số 3.5); TAND tỉnh Lai Châu: 33 vụ/ 43 bị cáo/ năm (xem Phụ lục số 3.10),...

Theo đánh giá của TANDTC trong báo cáo tổng kết hàng năm, thì tỷ lệ án sơ thẩm bị các TA cấp phúc thẩm cải sửa không nhiều. Trong số các vụ án bị sửa, có trường hợp tuy TA cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nhưng cấp sơ thẩm không có sai sót, vì khi xét xử phúc thẩm có những tình tiết mới, mà theo quy định của pháp luật bị cáo được xem xét giảm nhẹ (như sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo hoặc gia đình bị cáo đã bồi thường xong toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại).

Đáng lưu ý là tỷ lệ các bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy chiếm tỷ lệ cao. Trong năm 1999, TAND cấp tỉnh đã hủy 103 bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại (chiếm 1,44%); tuyên không phạm tội đối với 48 trường hợp (chiếm 0,15%). Các Tòa phúc thẩm TANDTC đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại đối với 125 bị cáo (chiếm 1,47%) và tuyên không phạm tội đối với 06 trường hợp (chiếm 0,07%) [60, tr. 5].

Trong năm 1997, toàn ngành TAND đã xét xử phúc thẩm 11.570 vụ án/17.844 bị cáo, trong đó có 4,77% trường hợp bị Chánh án TANDTC kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy án phúc thẩm để xét xử lại.

Năm 1998: xét xử phúc thẩm 13.817 vụ/21.829 bị cáo, trong đó 2,87% trường hợp bị kháng nghị giám đốc thẩm và năm 1999 xét xử 11.404 vụ/17.623 bị cáo, trong đó 1,8% trường hợp bị kháng nghị giám đốc thẩm [35, tr. 5-10].

Các số liệu trên cho thấy, tuyệt đại đa số các vụ án đã xét xử phúc thẩm bảo đảm đúng pháp luật, số trường hợp có sai lầm nghiêm trọng bị kháng nghị giám đốc thẩm chiếm tỷ lệ không đáng kể. Tuy nhiên, số vụ án do các TAND cấp tỉnh và TANDTC phúc thẩm có sai sót chưa đến mức nghiêm trọng phải kháng nghị giám đốc thẩm để khắc phục còn chiếm tỷ lệ cao.

Một phần của tài liệu một số giải pháp nâng cao hiệu quả phúc thẩm các vụ án hình sự ở nước ta (Trang 108 - 112)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(176 trang)
w