Sự khác nhau cơ bản giữa phúc thẩm và giám đốc thẩm hoặc tái thẩm chủ yếu thể hiện ở tính chất xét xử và thủ tục tố tụng. Các yếu tố khác như phạm vi xem xét và quyền hạn giữa cấp phúc thẩm và các thủ tục tố tụng đặc biệt này chỉ khác nhau về chi tiết.
1- Về tính chất (nhiệm vụ): Đây là căn cứ cơ bản và quan trọng nhất để phân biệt phúc thẩm và các thủ tục đặc biệt. Phúc thẩm là "cấp xét xử thứ hai" có nhiệm vụ không chỉ xem xét về mặt áp dụng luật (kiểm tra tính
hợp pháp và có căn cứ của bản án) mà còn xét xử lại vụ án về nội dung. Còn cấp giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ là những thủ tục tố tụng đặc biệt để kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của các bản án, quyết định đã có HLPL bị kháng nghị (hoặc kháng cáo). Các cấp này chỉ xem xét về mặt áp dụng luật mà không xét xử vụ án về nội dung.
2- Về đối tượng xem xét: Sự khác nhau giữa phúc thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm thể hiện ở chỗ đối tượng của xét xử phúc thẩm chỉ có thể là những vụ án mà bản án (quyết định) chưa có HLPL, còn đối tượng của giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ có thể những vụ án mà bản án (quyết định) đã có HLPL.
3- Về phạm vi xem xét (giới hạn xét xử): Sự khác nhau giữa phúc thẩm và giám đốc thẩm không rõ ràng. Pháp luật TTHS của một số nước cho phép cả cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm xem xét vụ án không phụ thuộc vào nội dung kháng cáo, kháng nghị (Điều 332 và Điều 380 BLTTHS 1993 của CHLB Nga; Điều 134 và 149 BLTTHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa,...). Pháp luật của một số nước khác (BLTTHS của Cộng hòa Pháp, BLTTHS Hàn Quốc, BLTTHS 2001 của CHLB Nga (Điều
360),...) chỉ
đối với cấp giám đốc thẩm thì có quyền xem xét toàn bộ vụ án mà không phụ thuộc vào nội dung của kháng nghị. Riêng phạm vi xem xét của cấp tái thẩm chỉ xoay quanh các tình tiết mới mà chúng là căn cứ để tái thẩm vụ án.
4- Về quyền hạn của TA cấp phúc thẩm, cấp giám đốc thẩm, tái thẩm: * Quyền hạn của TA cấp phúc thẩm được pháp luật các nước quy định về cơ bản là giống nhau và bao gồm các quyền sau đây:
- Bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm, nếu xét thấy không có căn cứ để thỏa mãn kháng cáo, kháng nghị;
- Sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hoặc tăng nặng đối với bị cáo, nếu có căn cứ mà pháp luật quy định. Riêng về quyền hạn này của TA cấp phúc thẩm, cũng có nước không cho phép TA cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng tăng nặng đối với bị cáo, kể cả trong trường hợp có kháng cáo, kháng nghị (Điều 387 BLTTHS 2001 của CHLB Nga) [80];
- Hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại hoặc đình chỉ vụ án, nếu có căn cứ mà pháp luật quy định.
* Quyền hạn của TA cấp giám đốc thẩm được pháp luật của các nước quy định tương đối giống nhau bao gồm các quyền sau:
- Bác kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm, nếu xét thấy không có căn cứ;
- Hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại hoặc đình chỉ vụ án, nếu có căn cứ. Riêng quyền hạn này, cũng có nước cho phép sửa bản án theo hướng giảm nhẹ cho người bị kết án (Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam,...).
* Quyền hạn của TA cấp tái thẩm được pháp luật của các nước quy định hoàn toàn giống nhau bao gồm các quyền sau:
- Bác kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm, nếu xét thấy không có căn cứ để tái thẩm;
- Hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại hoặc đình chỉ vụ án, nếu có căn cứ để tái thẩm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể thấy rằng sự khác nhau về quyền hạn giữa TA phúc thẩm và TA cấp giám đốc thẩm, tái thẩm chủ yếu thể hiện ở quyền hạn về sửa bản án, quyết định của TA cấp dưới. Còn quyền hạn bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của TA cấp dưới hoặc hủy bản án, quyết định của TA cấp dưới chỉ khác nhau về chi tiết.
5- Về thủ tục tố tụng: Pháp luật của phần lớn các nước đều quy định việc xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự được tiến hành tại phiên tòa công khai và về cơ bản, thì các quy định về thủ tục phiên tòa sơ thẩm đều được áp dụng đối với phiên tòa phúc thẩm (xét xử công khai, trực tiếp, liên tục và bằng lời nói; trình tự phiên tòa phúc thẩm cũng giống như phiên tòa sơ thẩm; các bên tranh tụng với nhau về các nội dung kháng cáo, kháng nghị,...). Tuy nhiên, cũng có một số nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippin,...) cho phép trong một số trường hợp nhất định, TA cấp phúc thẩm xét xử vụ án không phải mở phiên tòa (phúc thẩm theo bút lục).
Giám đốc thẩm, tái thẩm đều được các nước coi là những thủ tục tố tụng đặc biệt. Phiên tòa giám đốc thẩm (tái thẩm) không phải là phiên tòa theo đúng nghĩa (xét xử) của nó, mà được tiến hành như một phiên họp để kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm trên cơ sở hồ sơ và các tài liệu đã có sẵn. Các nguyên tắc như xét xử công khai, trực tiếp, liên tục và bằng lời nói; nguyên tắc tranh tụng;… không thể áp dụng đối với thủ tục này. Việc triệu tập bị cáo và các đương sự không bắt buộc. Vì vậy, các thủ tục này còn được gọi là thủ tục xét xử bút lục.