Phiên tòa phúc thẩm là hình thức phổ biến được nhiều nước áp dụng. Với quan niệm phúc thẩm là một cấp xét xử nên thủ tục phiên tòa phúc thẩm cũng được tiến hành như ở phiên tòa sơ thẩm. Các quy định về trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm cũng được áp dụng đối với phiên tòa phúc thẩm. Bên cạnh đó, phúc thẩm là cấp xét xử lại vụ án về nội dung nên cần phải quy định một số thủ tục tố tụng đặc thù riêng cho phiên tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, quy định về thủ tục phiên tòa phúc thẩm được thể hiện rất khác nhau.
Một số nước quy định về thủ tục xét xử phúc thẩm bằng cách viện dẫn áp dụng các quy định về phiên tòa sơ thẩm khi xét xử phúc thẩm. Ví dụ, BLTTHS Pháp [34] quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm như sau: "Các quy định đối với Tòa tiểu hình sơ thẩm được áp dụng đối với Tòa tiểu hình phúc thẩm trong trường hợp mục này không có quy định cụ thể" (Điều 512), đồng thời quy định cụ thể một số thủ tục tố tụng khác so với phiên tòa sơ thẩm:
"Việc kháng cáo, kháng nghị được giải quyết tại phiên tòa phúc thẩm căn cứ vào báo cáo bằng lời của một thẩm phán thành viên HĐXX; bị cáo được xét hỏi. Những người làm chứng chỉ được trình bày, nếu TA yêu cầu nghe lời khai của họ. Các bên tham gia vụ kiện được trình bày theo thứ tự sau đây: trước hết là bên kháng cáo rồi đến bên bị kháng cáo; nếu có nhiều bên kháng
cáo và bên bị kháng cáo thì Chánh tòa quyết định thứ tự trình bày của các bên. Bị cáo và luật sư của bị cáo luôn được nói lời sau cùng" (Điều 513).
BLTTHS Hàn Quốc [83] quy định: "Các điều khoản quy định của Chương trước đây (về thủ tục xét xử sơ thẩm) cũng được áp dụng tương tự cho phiên tòa phúc thẩm, trừ khi có các quy định khác trong Chương này" (Điều 399). Theo BLTTHS Nhật Bản [82], thì các quy định liên quan đến phiên tòa sơ thẩm sẽ áp dụng với những thay đổi tương ứng đối với phiên tòa phúc thẩm, trừ trường hợp có quy định khác (Điều 404). BLTTHS của nước ta và một số nước khác cũng quy định theo hướng này.
Một số nước khác lại quy định rõ ràng, chi tiết và cụ thể về thủ tục phiên tòa phúc thẩm theo hướng liệt kê tất cả các thủ tục cần phải tiến hành ở phiên tòa phúc thẩm. Ví dụ: theo BLTTHS 2001 của CHLB Nga [80], thì việc xét xử vụ án hình sự ở tất cả các TA phải được tiến hành công khai, trừ trường hợp vụ án có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật đời tư, vụ án do người chưa đủ 16 tuổi thực hiện, vụ án về xâm phạm tình dục (Điều 241). Thủ tục xét xử phúc thẩm được tiến hành như sau:
1. Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và thông báo về vụ án được đưa ra xét xử theo kháng cáo (kháng nghị của ai. Sau đó chủ tọa thông báo thành phần HĐXX, họ, tên những người là các bên của vụ án và có mặt tại phiên tòa cũng như họ tên người phiên dịch nếu họ tham gia phiên tòa.
2. Chủ tọa phiên tòa hỏi những tham gia xét xử xem họ có yêu cầu thay đổi ai không và có yêu cầu gì không.
3. Sau khi giải quyết vấn đề thay đổi người tiến hành tố tụng và các yêu cầu, một trong các thẩm phán trình bày nội dung bản án hoặc quyết định bị kháng cáo, kháng nghị cũng như kháng
cáo, kháng nghị phúc thẩm. Sau đó TA nghe ý kiến của các bên kháng cáo hoặc kháng nghị về căn cứ đưa ra lý lẽ của mình và ý kiến phản đối của bên kia. Trong trường hợp có nhiều kháng cáo, kháng nghị, thì trình tự phát biểu do TA quyết định trên cơ sở cân nhắc ý kiến của các bên.
4. Khi giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm TA theo yêu cầu của các bên có quyền trực tiếp xem xét chứng cứ theo quy định tại Mục 37 Bộ luật này…
5. Việc thay đổi, hủy bỏ bản án và đình chỉ vụ án dựa trên cơ sở những tài liệu bổ sung là không thể chấp nhận, trừ trường hợp nếu những số liệu và thông tin có trong tài liệu đó không đòi hỏi TA cấp phúc thẩm phải kiểm tra và đánh giá bổ sung… (Điều 377).