Thực tiễn phúc thẩm cho thấy các quy định của BLTTHS hiện hành về phúc thẩm chưa rõ ràng, đầy đủ và chặt chẽ. Mặt khác, các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về áp dụng các quy định BLTTHS cũng chưa kịp thời, đầy đủ và chính xác, có những điểm hướng dẫn thậm chí mâu thuẫn với quy định của BLTTHS. Vì vậy, trong thực tiễn phúc thẩm, việc áp dụng các quy định BLTTHS có nhiều vướng mắc thể hiện ở một số vấn đề sau đây:
* Nhận thức không thống nhất về tính chất và đối tượng của phúc thẩm: như đã phân tích ở mục 1.2.2 của luận án, ở nước ta thực hiện chế
độ hai cấp xét xử và theo quy định tại Điều 219 BLTTHS, thì việc xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự được tiến hành tại phiên tòa với các thủ tục giống như phiên tòa sơ thẩm. Trong khi đó Điều 204 BLTTHS hiện hành và Điều 230 BLTTHS sửa đổi xác định tính chất của phúc thẩm là "... xét lại những bản án, quyết định sơ thẩm...". Chúng tôi cho rằng, việc sử dụng
thuật ngữ "xét lại" trong BLTTHS để quy định về tính chất của phúc thẩm vừa không chính xác, vừa mâu thuẫn với nguyên tắc "TA thực hiện chế độ hai cấp xét xử" (Điều 20 BLTTHS sửa đổi); việc xác định đối tượng của phúc thẩm là "những bản án, quyết định…" cũng không đúng nên dẫn đến sự nhận thức không đúng và thống nhất về tính chất cũng như đối tượng của phúc thẩm. Vì vậy, quy định tại Điều 230 BLTTHS sửa đổi cần được hoàn thiện nhằm xác định rõ tính chất của phúc thẩm là "xét xử lại..." và
đối tượng của phúc thẩm là "những vụ án mà bản án hoặc quyết định sơ
thẩm…"
* Về việc giải quyết kháng cáo quá hạn: theo quy định tại Điều 209 BLTTHS và Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 08/12/1988, thì TA cấp sơ thẩm có trách nhiệm xác minh lý do kháng cáo quá hạn và gửi hồ sơ vụ án có kháng cáo lên TA cấp phúc thẩm. Việc xem xét và chấp nhận kháng cáo quá hạn do HĐXX phúc thẩm thực hiện có sự tham gia của đại diện VKS cùng cấp mà không phải mở phiên tòa [50, tr. 237].
Tuy nhiên, trong thực tiễn việc thực hiện quy định nêu trên còn tùy tiện. Có trường hợp Tòa sơ thẩm không tiến hành xác minh hoặc xác minh không đầy đủ lý do kháng cáo quá hạn. Có TA không gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo quá hạn lên TA cấp phúc thẩm mà tự mình thông báo cho người kháng cáo là đơn kháng cáo quá hạn nên không được xem xét. Nhiều trường hợp Tòa phúc thẩm không tổ chức Hội đồng để xét lý do kháng cáo quá hạn. Nếu thấy lý do kháng cáo quá hạn là không chính đáng, thì TA cấp phúc thẩm chỉ thông báo cho đương sự biết việc kháng cáo quá hạn không được xem xét vì không có lý do chính đáng. Nếu thấy lý do kháng cáo quá hạn là chính đáng, thì TA cấp phúc thẩm mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án và tại phiên tòa HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo quá hạn trước khi xem xét nội dung kháng cáo.
Quy định tại Điều 235 BLTTHS sửa đổi "... Hội đồng gồm ba thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn... ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn" cơ bản đã khắc phục được vướng mắc này.
* Về bổ sung, thay đổi và rút kháng cáo, kháng nghị: theo quy định
tại Điều 212 BLTTHS, thì "trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo hoặc VKS bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo...".
Chúng tôi cho rằng, quy định nêu trên là không chặt chẽ và có thể dẫn đến nhận thức khác nhau. ở quy định này cụm từ "trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm..." có thể được hiểu theo hai nghĩa khác nhau:
- Đây là khoảng thời gian tính từ thời điểm sau khi tuyên án sơ thẩm đến khi khai mạc phiên tòa phúc thẩm (bao gồm cả thời hạn kháng cáo, kháng nghị). Trong khoảng thời gian này, nếu người có quyền kháng cáo đã kháng cáo hoặc VKS đã kháng nghị rồi thì không có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo
không phụ thuộc việc bổ sung này được thực hiện trong hay ngoài thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà luật quy định.
- Cụm từ này cũng có thể được hiểu là khoảng thời gian tính từ thời điểm hết hạn kháng cáo, kháng nghị đến khi khai mạc phiên tòa phúc thẩm. Trong khoảng thời gian này, người đã kháng cáo hoặc VKS đã kháng nghị chỉ có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị theo hướng không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Chúng tôi cho rằng, cách hiểu thứ hai có căn cứ và phù hợp hơn
Theo quy định trên, thì việc bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị không bị hạn chế về tội danh, nếu điều đó không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Tuy nhiên, theo Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 08/12/1988, thì "người đã kháng cáo hoặc VKS đã kháng nghị về tội nào thì có quyền bổ sung hoặc thay đổi kháng cáo hay kháng nghị của mình về tội đó. Còn đối với những tội chưa có kháng cáo, kháng nghị thì không được bổ sung hoặc thay đổi" [50, tr. 138]. Chúng tôi cho rằng, hướng dẫn này mâu thuẫn với quy định tại Điều 212 BLTTHS, hạn chế quyền của các chủ thể bổ sung kháng cáo, kháng nghị theo hướng không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Ví dụ: bị cáo A. bị TA cấp sơ thẩm xử phạt về tội "cướp tài sản" và tội "sử dụng trái phép vũ khí quân dụng". Trong thời hạn kháng cáo, bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội "cướp tài sản" và tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo bổ sung đề nghị TA cấp phúc thẩm xem xét về việc áp dụng điều khoản BLHS đối với tội "sử dụng trái phép vũ khí quân dụng". Theo quy định tại Điều 212 BLTTHS, thì kháng cáo bổ sung của bị cáo trong trường hợp này là hợp lệ và được xem xét giải quyết. Nhưng theo Thông tư số 01/TTLN, thì kháng cáo bổ sung của bị cáo sẽ không được chấp nhận.
Mặt khác, quy định tại Điều 212 BLTTHS cũng chưa bao quát đầy đủ các trường hợp có thể xảy ra trong thực tiễn. Ví dụ: tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo hoặc đại diện VKS bổ sung, thay đổi kháng cáo,
kháng nghị và được HĐXX chấp nhận. Tuy nhiên, để có căn cứ giải quyết nội dung kháng cáo, kháng nghị bổ sung này cần phải triệu tập thêm người làm chứng và những người có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị bổ sung hoặc thay đổi. Trong trường hợp này HĐXX sẽ giải quyết như thế nào: hoãn phiên tòa để triệu tập thêm những người tham gia tố tụng hay vẫn tiến hành xét xử?
Quy định tại Điều 212 BLTTHS cũng không đề cập đến trường hợp rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa, thì TA cấp phúc thẩm giải quyết như thế nào? Thực tiễn cho thấy các TA phúc thẩm giải quyết vấn đề này rất khác nhau: có TA ra quyết định chấp nhận việc rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị; có TA ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án; có TA ra quyết định đình chỉ vụ án; có TA không ra quyết định mà thông báo cho VKS và các đương sự biết về việc rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị.
Để khắc phục vướng mắc này, TANDTC đã hướng dẫn như sau: "Theo tinh thần tương tự quy định tại Điều 151 BLTTHS thì việc ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa phúc thẩm là do thẩm phán được phân công làm chủ tạ phiên tòa thực hiện" [61]. Tuy nhiên, đến nay vẫn có ý kiến cho rằng trong trường hợp rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, thì TA cấp phúc thẩm ra thông báo cho VKS, bị cáo, các đương sự biết về việc rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị và vụ án không được xem xét theo trình tự phúc thẩm [71]. BLTTHS sửa đổi cũng chưa khắc phục được vướng mắc này.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, theo chúng tôi quy định tại Điều 238 BLTTHS sửa đổi cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng bao quát được trường hợp bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị có thể dẫn đến việc triệu tập thêm người tham gia tố tụng và trường hợp rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phúc thẩm.
* Về phạm vi xét xử phúc thẩm: theo hướng dẫn tại Thông tư liên
ngành số 01/TTLN ngày 08/12/1988, thì "trường hợp cần thiết là trường hợp ở phần không có kháng cáo, kháng nghị có những điểm cần được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo... Đối với các khoản bồi thường dân sự trong vụ án hình sự, nếu không có kháng cáo, kháng nghị thì TA cấp phúc thẩm không xem xét..." [50, tr. 138-139].
Như vậy, TA cấp phúc thẩm chỉ xem xét phần không có kháng cáo, kháng nghị của bản án sơ thẩm trong trường hợp TA cấp sơ thẩm có các sai sót về việc áp dụng BLHS (như sai tội danh và điều luật áp dụng, mức hình phạt không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, áp dụng sai hình phạt bổ sung...). Còn các sai sót khác như vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, giải quyết không đúng về vật chứng, án phí... ở phần không có kháng cáo, kháng nghị của bản án sơ thẩm đều không phải là trường hợp cần thiết và TA cấp phúc thẩm không có quyền xem xét.
Chúng tôi cho rằng, hướng dẫn nêu trên trái với quy định tại Điều 214 BLTTHS và dẫn đến trong thực tiễn khi phát hiện sai sót nghiêm trọng của án sơ thẩm (vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, giải quyết không đúng về vật chứng, án phí,…), có TA cấp phúc thẩm sửa hoặc hủy án sơ thẩm và ngược lại, cũng có Tòa phúc thẩm không khắc phục các sai sót này khi cho rằng đây không phải là trường hợp cần thiết.
Về vấn đề này, pháp luật của các nước điều chỉnh cũng rất khác nhau: một số nước (Cộng hòa Pháp [34], Việt Nam Cộng hòa [3],…) quy định TA cấp phúc thẩm chỉ xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị; các nước khác (Nhật, Hàn quốc,...) cho phép TA cấp phúc thẩm xem xét phần bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị trong một số trường hợp nhất định; có nước (CHND Trung Hoa) lại quy định rõ trách nhiệm của TA cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ vụ án không phụ thuộc vào nội dung kháng cáo, kháng nghị [81]. Ở nước ta trước đây, theo Thông tư số 03/NCPL
ngày 19/5/1967 cũng cho phép TA cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ vụ án [48, tr. 206].
BLTTHS sửa đổi cũng chưa khắc phục vướng mắc trên. Vì vậy, theo chúng tôi, quy định tại Điều 240 BLTTHS sửa đổi cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng xác định TA cấp phúc thẩm có thể xem xét cả các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án sơ thẩm, nếu phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc có căn cứ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
* Về áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn: theo quy
định tại Điều 215a, thì "sau khi nhận hồ sơ vụ án, TA cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn…". Về vấn đề này, Công văn số 236/NCPL ngày 29/4/1993 của TANDTC hướng dẫn như sau:
... Sau khi nhận được hồ sơ vụ án, thẩm phán TA cấp phúc thẩm được phân công làm chủ tọa phiên tòa phải xem xét ngay việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAQS quân khu và tương đương, thẩm phán TANDTC hoặc TAQSTƯ được phân công làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm ký quyết định [52].
Thực tiễn phúc thẩm cho thấy, đối với các Tòa phúc thẩm TANDTC, việc thực hiện quy định này rất vướng mắc [1, tr. 7] vì lý do sau đây: theo hướng dẫn trên, thì Chánh tòa, Phó chánh tòa Tòa phúc thẩm TANDTC không có quyền quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Trong khi đó các thẩm phán của các Tòa phúc thẩm này thường xuyên phải đi xét xử lưu động dài ngày tại các địa phương. Trong khi thẩm phán đi xét xử vắng, thì Chánh tòa đã phân công cho họ làm chủ tọa phiên tòa xét xử các vụ án mới thụ lý. Vì vậy, sau khi nhận hồ sơ vụ án sẽ không
có người có thẩm quyền xem xét và quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo.
Mặt khác, sau khi thụ lý 03 ngày, TA cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp nghiên cứu trong thời hạn 20 ngày. Như vậy, ít nhất phải sau 23 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa phúc thẩm mới có thể xem xét và quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Trong thực tiễn Chánh tòa hoặc Phó chánh tòa các Tòa phúc thẩm TANDTC vẫn phải ký quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc xét xử phúc thẩm trong trường hợp thẩm phán được phân công làm chủ tọa đi xét xử vắng.
Theo quy định tại đoạn 3 Điều 215a, thì đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam bị cáo để hoàn thành việc xét xử, thì TA cấp phúc thẩm ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa. Tuy nhiên, do không quy định rõ thời gian tạm giam này là bao nhiêu và ai (thẩm phán chủ tọa phiên tòa hay HĐXX) là người có thẩm quyền ra lệnh này nên trong thực tiễn vấn đề này được giải quyết theo hai hướng:
- Có TA cho rằng, trong trường hợp lệnh tạm giam của TA cấp phúc thẩm đã hết hạn, nhưng vì lý do khách quan nào đó mà phiên tòa phúc thẩm chưa bắt đầu hoặc đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc, thì TA cấp phúc thẩm có quyền tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi xét xử phúc thẩm xong vụ án.
- TA khác lại cho rằng, chỉ trong trường hợp vào ngày mở phiên tòa phúc thẩm mà thời hạn tạm giam đã hết, thì HĐXX phúc thẩm mới ra lệnh tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi xét xử xong vụ án. Nếu trước ngày mở phiên tòa phúc thẩm mà thời hạn tạm giam đã hết, thì phải trả tự do cho bị cáo mà không có quyền tiếp tục tạm giam bị cáo nữa.
Chúng tôi cho rằng, cách giải quyết thứ nhất tuy chưa thật chính xác với quy định tại đoạn 3 Điều 215a BLTTHS nhưng phù hợp với thực tiễn.
Ai là người có thẩm quyền ký lệnh giam trong trường hợp bắt giam bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm cũng là vấn đề vướng mắc: Có nơi Chánh án (phó chánh án), có nơi thẩm phán thay mặt HĐXX hoặc "TL. Chánh án" ký lệnh này. Theo quan điểm của chúng tôi, lệnh giam bị cáo trong trường hợp này là để thi hành quyết định của HĐXX phúc thẩm "bắt giam ngay bị cáo tại phiên tòa". Vì vậy, thẩm phán chủ tọa phiên tòa mới là người có thẩm quyền (thay mặt HĐXX) ký lệnh giam bị cáo.
Điều 242 BLTTHS sửa đổi mới khắc phục được một phần vướng mắc nêu trên khi quy định cụ thể những người có quyền áp dụng thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam ở giai đoạn xét xử phúc thẩm.
* Về thủ tục phiên tòa phúc thẩm: thủ tục phiên tòa phúc thẩm được
quy định tại Điều 219 BLTTHS: "Phiên tòa phúc thẩm cũng được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm…". Quy định này đã gây lúng túng cho các TA cấp