Hệ thống tư pháp hình sự của các nước được tổ chức và vận hành theo các nguyên tắc khác nhau. Vì vậy, tư cách tố tụng và địa vị pháp lý của những người tham gia tố tụng ở giai đoạn xét xử nói chung và giai đoạn phúc thẩm hình sự nói riêng được pháp luật của các nước xác định không giống nhau. Thực chất, việc xác định tư cách của những người tham gia tố tụng chỉ có ý nghĩa trong trường hợp vụ án được xét xử phúc thẩm tại phiên tòa công khai và các chủ thể này được triệu tập tham gia phiên tòa. Còn trong trường hợp áp dụng thủ tục phúc thẩm theo bút lục, vấn đề này sẽ không đặt ra.
Đối với các nước mà hệ thống tư pháp hình sự được tổ chức theo nguyên tắc tranh tụng (hệ tranh tụng), thì các chủ thể tham gia tố tụng được phân theo chức năng tố tụng và vai trò của họ. Ví dụ, theo quy định tại Chương 2 (các điều 29 - 60) BLTTHS 2001 của CHLB Nga [80], thành phần tham gia tố tụng nói chung và tham gia phiên tòa phúc thẩm nói riêng được phân thành các nhóm sau đây:
- Chủ thể thực hiện chức năng xét xử là TA (HĐXX phúc thẩm gồm ba thẩm phán, trong đó một thẩm phán là chủ tọa phiên tòa);
- Các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội (bên buộc tội) bao gồm kiểm sát viên, người bị hại, tư tố viên (nếu là vụ án tư tố), nguyên đơn dân sự, người đại diện của họ;
- Các chủ thể thực hiện chức năng bào chữa (bên bào chữa) bao gồm bị cáo, người bào chữa, bị đơn dân sự và người đại diện của bị đơn dân sự;
- Các chủ thể khác bao gồm người làm chứng, người giám định, nhà chuyên môn, người phiên dịch, người chứng kiến. Những người này không
có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án nhưng được triệu tập tham gia tố tụng để giúp HĐXX và các bên trong quá trình giải quyết vụ án.
Đối với các nước thuộc hệ thống thẩm vấn, không phụ thuộc vào chức năng và vai trò của các chủ thể, thành phần tham gia tố tụng ở giai đoạn xét xử nói chung và giai đoạn phúc thẩm nói riêng được phân thành hai nhóm những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng:
- Những người tiến hành tố tụng là các viên chức nhà nước thực hiện chức năng công quyền (điều tra, truy tố và xét xử) trong TTHS: điều tra viên, kiểm sát viên, HĐXX (các thẩm phán), thư ký phiên tòa;
- Những người tham gia tố tụng là những người không phải viên chức nhà nước thực hiện chức năng công quyền được triệu tập tham gia tố tụng với tư cách bị cáo, người bào chữa, người bị hại, tư tố viên (nếu là vụ án tư tố), nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, nhà chuyên môn, người phiên dịch, người chứng kiến.
Sự phân loại các chủ thể tham gia tố tụng thành các nhóm như nêu trên trong pháp luật các nước cũng chỉ là tương đối. Sự phân loại này có thể thay đổi phụ thuộc vào nhận thức và quan niệm của các nhà lập pháp của mỗi nước trong từng giai đoạn cụ thể. Ví dụ: ở CHLB Nga dưới thời Xô viết, các chủ thể tham gia tố tụng được phân thành những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng. Nhưng theo BLTTHS 2001 của CHLB Nga [80], thì các chủ thể này lại được phân thành TA, bên buộc tội, bên bào chữa và các chủ thể tham gia tố tụng khác.
Trong số các chủ thể tham gia vào giai đoạn xét xử nói chung và giai đoạn phúc thẩm nói riêng, thì TA (HĐXX) là chủ thể không chỉ giữ vai trò điều khiển quá trình tranh tụng tại phiên tòa, hướng hoạt động của các chủ thể vào việc xác định sự thật khách quan về vụ án và đưa ra các phán quyết
về vụ án. Vì vậy, HĐXX luôn giữ vị trí trung tâm và có vai trò quyết định đối với các chủ thể khác tham gia phiên tòa phúc thẩm. Do tính chất của phúc thẩm là xét xử lại vụ án theo kháng cáo, kháng nghị, nên chỉ có những người có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị mới được TA cấp phúc thẩm triệu tập tham gia phiên tòa. Thành phần tham gia phiên tòa phúc thẩm hạn chế hơn so với phiên tòa sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bên kháng cáo (có thể là bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có nghĩa vụ đưa ra các lý do kháng cáo và các chứng cứ chứng minh cho các lý do đó. Trong trường hợp VKS kháng nghị, thì công tố viên có nhiệm vụ đưa ra các căn cứ kháng nghị và các chứng cứ chứng minh cho các căn cứ đó hoặc đưa ra kết luận về các nội dung kháng cáo, trong trường hợp VKS không kháng nghị. Bên bị kháng cáo, kháng nghị có nghĩa vụ đưa ra các quan điểm, chứng cứ để phản bác quan điểm của phía bên kia. Các chủ thể khác (người làm chứng, người giám định, người phiên dịch,...) được triệu tập tham gia phiên tòa để giúp cho HĐXX và các bên buộc tội, bào chữa làm sáng tỏ các vấn đề cần giải quyết về vụ án.
Tòa phúc thẩm chỉ xem xét và giải quyết vụ án trong phạm vi nội dung kháng cáo, kháng nghị, nên hoạt động tranh tụng giữa các chủ thể thuộc các bên ở phiên tòa phúc thẩm cũng chỉ xoay quanh các nội dung của kháng cáo, kháng nghị. Vì vậy, phạm vi tranh tụng ở đây cũng thu hẹp hơn so với phiên tòa sơ thẩm.