Thẩm quyền của TA nói chung là một khái niệm rất rộng và có nội dung phức tạp của khoa học pháp lý. Thẩm quyền của TA cấp phúc thẩm trong TTHS chỉ là một nội dung nhỏ của khái niệm này. Đây là mối quan hệ giữa "cái chung" và "cái riêng", giữa cái "tổng thể" và cái "bộ phận". Vì vậy, để làm rõ các khái niệm này phải xuất phát từ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Bất kỳ quyền lực nhà nước nào cũng đều bao gồm ba quyền năng có tính độc lập tương đối với nhau là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Dù được tổ chức theo nguyên tắc phân quyền hay tập quyền, thì các cơ quan trong bộ máy nhà nước cũng được phân công tham gia vào việc thực hiện một trong ba nhánh quyền lực đó. Bộ máy nhà nước ta được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất không phân chia, nhưng có sự phân công, phân nhiệm rành mạch giữa ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Quyền tư pháp có thể hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, quyền tư pháp bao gồm hoạt động của các cơ quan điều tra, VKS, TA và các cơ quan bổ trợ tư pháp. Trong hệ thống các cơ quan tư pháp, thì TA là cơ quan xét xử, là chức năng trung tâm [95, tr. 117], nơi biểu hiện tập trung nhất của quyền tư pháp [23, tr. 1-2]. Theo nghĩa hẹp, quyền tư pháp được hiểu là quyền xét xử và là thẩm quyền riêng biệt chỉ thuộc về một hệ thống cơ quan trong bộ máy quyền lực nhà nước (TA) chuyên thực hiện chức năng tài phán nhân danh nhà nước để xét xử các vụ
án [7, tr. 12]. Để bảo đảm cho TA có thể thực hiện được chức năng này, nhà nước đã quy định trong pháp luật những quyền năng pháp lý của TA trong việc xem xét và giải quyết các vụ án ở một phạm vi (giới hạn) nhất định. Tổng hợp các quyền năng pháp lý của TA được pháp luật quy định gọi là thẩm quyền của TA.
Thẩm quyền của TA là một khái niệm có nội dung rộng bao gồm nhiều quyền của TA trong quá trình giải quyết các vụ án. Thẩm quyền của TA trong mỗi lĩnh vực tố tụng (TTHS, TTDS, kinh tế, hành chính,…) không giống nhau. Ngay trong TTHS, khái niệm thẩm quyền của TA cũng được xem xét ở những góc độ khác nhau. Theo Từ điển Luật học, thì thẩm quyền của TA là "quyền xem xét để kết luận và định đoạt một vấn đề pháp luật" [77, tr. 890]. ThS. Nguyễn Văn Tiến cho rằng, thẩm quyền của TA bao gồm thẩm quyền xét xử, phạm vi (giới hạn) xét xử và quyền hạn quyết định của TA đối với các vụ án [47, tr. 8]. Khi đề cập về thẩm quyền của TA cấp giám đốc thẩm, TS. Nguyễn Văn Hiện cho rằng, thẩm quyền này là "tập hợp các quy định pháp luật TTHS liên quan đến việc giao vụ án... cho cấp TA nào giải quyết, phạm vi các vấn đề cần giải quyết và quyền ra các quyết định của TA... trong quá trình giải quyết vụ án" [20, tr. 7]. Theo TS. Nguyễn Văn Huyên, thì thẩm quyền xét xử và quyền quyết định của TA là hai nội dung quan trọng có mối liên hệ hữu cơ mật thiết với nhau tạo thành thẩm quyền của TA [22, tr. 19].
Như vậy, có thể thấy rằng, tuy xem xét ở các góc độ khác nhau, nhưng các tác giả đều thừa nhận khái niệm thẩm quyền của TA bao gồm các quyền khác nhau của TA trong quá trình giải quyết vụ án. Theo tính chất, có thể phân thẩm quyền của TA thành thẩm quyền về hình thức (quyền xem xét) và thẩm quyền về nội dung (quyền quyết định) đối với các vụ án cụ thể. Đây là hai nội dung (hai yếu tố) có mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau một cách biện chứng để tạo nên thẩm quyền của TA. Hay nói
cách khác, thẩm quyền của TA là một thể thống nhất bao gồm hai yếu tố (nội dung) có liên quan chặt chẽ với nhau đó là thẩm quyền về hình thức (quyền xem xét) và thẩm quyền về nội dung (quyền quyết định). Thiếu một trong hai yếu tố này thì thẩm quyền của TA sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi vì, TA chỉ có thể ra các quyết định về vụ án sau khi đã xem xét nó, và ngược lại, việc xem xét vụ án chỉ có ý nghĩa khi có những quyết định cụ thể về vụ án.
Thẩm quyền về hình thức của TA xác định các loại vụ việc nào (hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính) thuộc thẩm quyền giải quyết của TA và giới hạn (phạm vi) giải quyết của TA đối với các vụ việc đó. Hay nói cách khác, thẩm quyền về hình thức của TA là quyền của TA trong việc xem xét (giải quyết) các vụ án theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền về hình thức của TA được thể hiện ở thẩm quyền xét xử và giới hạn (phạm vi) xét xử của các cấp TA đối với các vụ án. Thẩm quyền xét xử của TA xác định loại vụ việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp TA nào. Còn giới hạn (hay phạm vi) xét xử xác định TA có quyền giải quyết ở mức độ (giới hạn) nào đối với các vụ án đang xem xét.
Thẩm quyền về nội dung (hay quyền hạn) của TA xác định TA có quyền quyết định các vấn đề cụ thể về các vụ án khi xem xét chúng. Nó xác định TA được làm những gì, trong điều kiện nào, tức là xác định các quyền hạn của TA các cấp (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm) trong việc quyết định các vấn đề cụ thể về các vụ án.
Thẩm quyền về hình thức của TA là cơ sở để xác định thẩm quyền về nội dung. Bởi vì, để xác định xem TA có quyền quyết định về vụ án hay không, trước hết phải xác định vụ án đó có thuộc thẩm quyền xét xử của TA hay không? Nếu thuộc thẩm quyền của TA thì được xem xét trong phạm vi (giới hạn) nào?
Mặt khác, khi xét xử vụ án, TA phải giải quyết các quan hệ pháp luật phát sinh từ vụ án đó trên cơ sở các quy định của pháp luật về nội dung. Vì vậy, khi ra các quyết định cụ thể về vụ án, TA căn cứ không chỉ vào các quy định của pháp luật tố tụng, mà cả các quy định của pháp luật nội dung (hình sự, dân sự, lao động,...). Ví dụ: khi xét xử vụ án hình sự về tội "giết người", ngoài việc quyết định về tội danh, áp dụng điều khoản BLHS và hình phạt đối với bị cáo, TA còn giải quyết cả vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, xử lý vật chứng, án phí,...
Từ phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm chung về thẩm quyền của TA như sau: Thẩm quyền của TA là toàn bộ các quyền năng pháp lý
(quyền hạn) mà pháp luật dành cho TA trong việc xem xét và quyết định các vấn đề cụ thể về vụ án trong một giới hạn (phạm vi) nhất định.
Các TA đều thực hiện chức năng xét xử, nhưng mỗi cấp TA tham gia vào việc thực hiện chức năng này ở những mức độ, phạm vi khác nhau. Bởi vậy, mỗi cấp TA được pháp luật dành cho các quyền hạn hay thẩm quyền khác nhau trong việc xét xử các vụ án. Theo tính chất của các vụ án mà TA giải quyết, có thể chia thẩm quyền của TA thành các loại sau:
- Thẩm quyền của TA trong TTHS (thẩm quyền về hình sự);
- Thẩm quyền của TA trong tố tụng dân sự (thẩm quyền về dân sự); - Thẩm quyền của TA trong tố tụng kinh tế (thẩm quyền về kinh tế); - Thẩm quyền của TA trong tố tụng lao động (thẩm quyền về lao động);
- Thẩm quyền của TA trong tố tụng hành chính (thẩm quyền về hành chính).
Theo cấp xét xử, có thể phân thẩm quyền của TA thành các loại sau: - Thẩm quyền của TA cấp sơ thẩm;
- Thẩm quyền của TA cấp phúc thẩm;
- Thẩm quyền của TA cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.