TỤNG HÌNH SỰ
Quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về phúc thẩm trong TTHS ở nước ta gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung và pháp luật TTHS nói riêng trong gần 60 năm qua. Có thể lấy những mốc lịch sử, các sự kiện quan trọng của đất nước để làm căn cứ phân chia quá trình phát triển này.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ở nước ta các mốc đánh dấu bước ngoặt lịch sử (như năm 1945: Cách mạng tháng Tám thành công; năm 1954: kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và năm 1975: kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước;...) chỉ phù hợp nếu dùng làm căn cứ để phân giai đoạn của lịch sử Cách mạng Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Còn các sự kiện gắn liền với việc ban hành Hiến pháp của nước ta (năm 1946: ban hành Hiến pháp đầu tiên; năm 1959: ban hành Hiến pháp xây dựng CNXH ở miền Bắc và năm 1980: ban hành Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thống nhất;...) sẽ chỉ phù hợp nếu dùng làm căn cứ để phân giai đoạn của lịch sử pháp luật Việt Nam. Bởi vì, các mốc và các sự kiện này không tác động và ảnh hưởng lớn đối với quá trình hình thành và phát triển của pháp luật TTHS nói chung và các quy định về phúc thẩm nói riêng.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc phân giai đoạn quá trình phát triển của pháp luật TTHS nước ta nói chung và các quy định về phúc thẩm nói riêng phải dựa vào sự kiện đánh dấu sự chuyển biến lớn - bước ngoặt đối với quá trình phát triển của nó. Vì vậy, sẽ là phù hợp hơn, nếu căn cứ
vào hai sự kiện sau đây để phân quá trình phát triển của pháp luật TTHS nước ta:
1- Năm 1945 - năm Cách mạng tháng Tám thành công;
2- Năm 1988 - năm ban hành BLTTHS đầu tiên của nước ta.
Theo các căn cứ nêu trên, có thể phân quá trình phát triển của pháp luật TTHS nước ta nói chung và các quy định về phúc thẩm trong TTHS nói riêng thành hai giai đoạn: trước 1988 và từ 1988 đến nay.