Thủ tục xét xử rút gọn là một dạng đặc biệt của thủ tục xét xử tại phiên tòa. Việc áp dụng thủ tục này cho phép giản lược một số thủ tục tố tụng không cần thiết để rút ngắn quá trình giải quyết vụ án, nhưng việc xét xử vụ án vẫn phải tiến hành tại phiên tòa. Vì vậy, nếu áp dụng thủ tục này ở cấp phúc thẩm sẽ không phù hợp, vì chỉ có thể rút ngắn được quá trình xét xử vụ án tại phiên tòa. Nhưng nếu áp dụng thủ tục này ở cấp sơ thẩm sẽ giản lược được một số thủ tục không cần thiết không chỉ ở giai đoạn xét xử mà cả ở giai đoạn điều tra, truy tố.
Tham khảo pháp luật nước ngoài (CHLB Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin,...) quy định về vấn đề này thấy rằng, ở các nước này thủ tục rút gọn (giản lược) không áp dụng ở cấp phúc thẩm, mà chỉ áp dụng ở cấp sơ thẩm đối với một số loại án nhất định.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 BLTTHS 2001 của CHLB Nga [80], việc xem xét các bản án sơ thẩm của thẩm phán hòa giải bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục chống án (một dạng đặc biệt của phúc thẩm) do một thẩm phán TA cấp quận tiến hành. Ngày nay các nước chỉ áp dụng thủ tục rút gọn (thủ tục giản lược) trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự ít nghiêm trọng. Ví dụ, theo quy định của BLTTHS của Cộng hòa Pháp [34], thì mọi hành vi phạm tội vi cảnh, dù là tái phạm đều có thể được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn (Điều 524).
Thủ tục phúc thẩm rút gọn được áp dụng ở nước ta theo Thông tư số 19/TATC ngày 12/10/1974 của TANDTC [48, tr. 220-221] đối với các vụ
án có đủ một số điều kiện nhất định. Sau khi ban hành BLTTHS, thủ tục phúc thẩm rút gọn đã bị bãi bỏ.