Dựa trên số liệu thống kê về sự thay đổi trong cơ cấu lao động của các nước tư bản Tây Âu, trải qua giai đoạn đô thị hóa phát triển, Jean Fourastier đưa ra lí thuyết “ ba khu vực hoạt động kinh tế - xã hội”. Theo lí thuyết này, tất cả các hoạt động của các cộng đồng được chia thành ba khu vực hoạt động cơ bản:
Khu vực I: Bao gồm các hoạt động khai thác trực tiếp các tài nguyên thiên nhiên có sẳn như đất, rừng, biển, trong đó nông nghiệp (theo nghĩa rộng) gồm có nông - lâm - ngư là hoạt động chủ đạo và là hoạt động thời kỳ đầu của tất cả các cộng đồng mới thành lập.
Khu vực II: Tổ chức xã hội của cộng đồng ngày một phát triển, nhu cầu của con người cũng đòi hỏi cao hơn. Dựa trên những thành tựu của khoa học, con người biết chế biến những sản phẩm của tài nguyên thiên nhiên (của khu vực I) hoặc tạo ra những sản phẩm mới mà thiên nhiên không có. Nhờ đó mà sản phẩm xã hội làm ra tăng lên đột biến. Năng suất lao động công nghiệp có ưu việt là cao hơn hẳn năng suất lao động nông nghiệp, nền công nghiệp hóa có tốc độ phát triển nhanh tất nhiên kéo theo tốc độ đô thị hóa và gia tăng thu nhập quốc dân tính theo đầu người. Mức sống dân cư đô thị cao tạo ra một sức hút cực kì mạnh, kéo theo lao động từ nông thôn vào đô thị thành những dòng di cư đông đảo J.Fourastier gọi lao động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là lao động khu vực II.
Khu vực III: Đô thị hóa mở rộng nhanh cả về số lượng đô thị lẫn qui mô dân số. Các đô thị trong một quốc gia dần dần trở thành một hệ thống có mối quan hệ khăng khít với nhau và nảy sinh những mối liên hệ liên vùng, liên quốc gia. Do vậy, sau thời kì công nghiệp đại cơ khí hóa, đến thời kì công nghiệp tự động hóa, điện tử hóa, lao động công nghiệp giảm dần mà sản phẩm xã hội vẫn tăng. Quỹ thời gian nhàn rỗi của người lao động được gia tăng, trong điều kiện đó đòi hỏi phải có tổ chức dịch vụ thích ứng nhằm cải thiện môi trường sống.
Dịch vụ thương mại, dịch vụ sinh hoạt, dịch vụ giao tiếp, nghỉ dưỡng du lịch, vui chơi giải trí phát triển ngày một rộng, các hoạt động ngân hàng, tài chính, thuế quan, ngoại thương phát triển tiếp theo, cũng như là đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật, y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông liên lạc, quản lí hành chính …Nhu cầu về dịch vụ nói chung đòi hỏi ngày càng lớn và không ngừng gia tăng về khối lượng cũng như về dạng loại hình. J.Fourastier xếp các loại hoạt động nêu trên vào lao động khu vực III, gọi chung là lao động dịch vụ.
Lí thuyết ba khu vực hoạt động kinh tế của J.Fouraster có một ý nghĩa rất lớn. Muốn biết được trình độ phát triển của lực lượng sản xuất một quốc gia, ta chỉ cần xem xét tỉ lệ lao động giữa ba khu vực đó thì có thể có khái niệm chung được, vì thực chất quan hệ tỉ lệ lao động của ba khu vực hoạt động kinh tế này tương ứng với ba thời kì phát triển của nền văn minh:
- Văn minh nông nghiệp - Văn minh công nghiệp
- Văn minh hậu công nghiệp hay văn minh tin học, văn minh khoa học kĩ thuật
Lí thuyết này cũng hoàn toàn phù hợp với ba thời kì của quá trình đô thị hóa đang diễn ra trên tất cả các nước.
Sự phân chia lao động theo ngành phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia. Theo tổng kết kinh nghiệm của các nhà kinh tế học trên thế giới, có mối tương quan chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, bình quân GDP/ người và cơ cấu lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân. Sự tăng trưởng GDP/ người ngày càng cao thì tỉ trọng lao động làm việc trong nông nghiệp càng giảm, trong công nghiệp và dịch vụ tăng và ngược lại. Chính sự thay đổi cơ cấu kinh tế trên sẽ kéo theo sự thay đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỉ trọng lao động khu vực I, tăng tỉ trọng lao động ở khu vực II và III.
Các nước đang phát triển, muốn sử dụng tốt lao động, giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho dân cư phải tiến hành công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Bảng 1.1: Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế ở Việt Nam
Đơn vị tính: % Năm Ngành kinh tế 2000 2003 2004 2005 2007 2009 Tổng số 100,0 100,0 100,0 100,0 100,0 100,0 Nông nghiệp 65,09 60,25 58,75 57,10 53,90 51,90 Công nghiệp 13,11 16,44 17,35 18,20 19,98 21,40 Dịch vụ 21,80 23,31 23,90 24,70 26,12 26,70
Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam qua các năm
*Sử dụng lao động nông - lâm - ngư nghiệp
Nông - lâm - ngư nghiệp là loại hình việc làm mang tính phổ biến ở các nước nghèo, được biến đổi tùy theo mức độ phát triển. lao động nông - lâm - ngư nghiệp phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, năng suất tùy thuộc vào mức độ công nghiệp hóa trong nông nghiệp (cơ giới hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa, điện khí hóa..) và diễn biến thời tiết bất thường hằng năm, nên nhìn chung là thấp. Các công việc làm trong lĩnh vực này không đòi hỏi những yếu tố khắc khe về giờ giấc, kỉ luật lao động nhưng muốn có sản lượng cao phải tuân thủ lịch gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch đúng thời vụ, nhất là ở các vùng có diễn biến thời tiết phức tạp. Hình thức làm việc chủ yếu là làm việc trong phạm vi gia đình với mục đích không phải để lấy công mà để góp phần vào sản lượng gia đình. Những nước, những vùng có đất canh tác
rộng, nông nghiệp được tổ chức thành các trang trại sản xuất lớn, chuyên môn hóa về một hoặc vài sản phẩm trồng trọt hay chăn nuôi. Những nơi có đất canh tác hẹp thì phải đầu tư thâm canh tăng vụ. Ở nước ta, hình thức thâm canh tăng vụ được áp dụng nhiều trong các vùng đồng bằng nhất là Đồng bằng sông Hồng. Các trang trại trồng cây công nghiệp, trồng rừng đang được hình thành và phát triển ở miền núi và trung du.
Ở nước ta trong ngành nông nghiệp, cần sử dụng lao động theo hai hướng, một là thâm canh trên cơ sở đầu tư lao động trên đơn vị diện tích gieo trồng, hai là tăng vụ và mở rộng diện tích, tạo thêm việc làm để phân bố lại lao động và dân cư. Trước đây lao động trong ngành nông nghiệp và lâm nghiệp vẫn khu vực thu hút nhiều lao động, có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu sẽ phân bố một phần lao động nông nghiệp bằng con đường công nghiệp hoá nông nghiệp, do đó ở giai đoạn này lao động nông, lâm nghiệp vẫn tiếp tục tăng cho tới thời kì cuối. Hiện nay đang giảm dần lao động nông, lâm nghiệp để chuyển sang công nghiệp. Đây là thời kì phân bố lại lao động nông, lâm nghiệp bằng công nghiệp hoá toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Việc sử dụng lao động trong ngành lâm nghiệp cần có chính sách nhằm thu hút đồng bào dân tộc định canh, định cư có hiệu quả, làm nghề rừng cần sớm hình thành các làng lâm nghiệp, xây dựng các thị trấn lâm nghiệp ở các huyện miền núi nhất là các tỉnh ở Tây Nguyên. Cần phát triển toàn diện kinh tế biển để thu hút lao động vào nghề biển. Năm 2000 lao động trong nghề biển chiếm khoảng 10% lao động xã hội, hướng khai thác chủ yếu tập trung vào các nghề nuôi trồng hải sản, phục vụ khai thác và chế biến thủy hải sản.
*Sử dụng lao động trong công nghiệp và xây dựng:
Công nghiệp và xây dựng là loại hình việc làm tiên tiến, sản xuất chủ yếu bằng máy móc hiện đại, năng suất lao động cao. Công nghiệp hóa có khả năng tạo ra nhiều sản phẩm mới, thúc đẩy mức tăng trưởng của nền kinh tế và làm cho các ngành sản xuất khác phát triển.
Sản xuất công nghiệp có đặc điểm là sản xuất theo dây chuyền, chuyên môn hóa và tự động hóa ngày càng cao. Qui trình công nghệ đòi hỏi người lao động phải tuân thủ các thao tác lao động chính xác, kịp thời. Nó tạo cho người lao động có tác phong làm việc công nghiệp, hoạt bát, có kỉ luật chấp hành giờ giấc và nội qui lao động, tạo nên sự tiến bộ xã hội. Việc làm thuộc loại hình công nghiệp ít phụ thuộc vào tự nhiên.
Phát triển công nghiệp tạo ra khả năng mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường lao động và tạo ra việc làm mới. Công nghiệp càng phát triển, càng thu hút nhiều lao động từ
khu vực nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc giảm sức ép lao động nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Muốn giải quyết việc làm cho người lao động thì phải có sự tăng trưởng kinh tế, tích lũy vốn mở rộng sản xuất. Muốn tăng trưởng kinh tế phải bằng con đường công nghiệp hóa.
* Sử dụng lao động dịch vụ
Lao động dịch vụ mang tính xã hội hóa cao, là phương tiện hữu hiệu tạo khả năng cho con người phát triển toàn diện. Nhiều loại hình dịch vụ không cần vốn lớn, thời gian chuẩn bị ngắn, có khả năng tạo việc làm, thu hút lao động từ nông nghiệp và công nghiệp. Nền kinh tế càng phát triển tỉ trọng lao động trong khu vực dịch vụ càng lớn.
Đối tượng của hoạt động dịch vụ là khai thác mọi tiềm năng của cơ cấu hạ tầng, để phục vụ cho sản xuất và đời sống xã hội. Nền kinh tế được công nghiệp hóa và hiện đại hóa càng cao thì hoạt động dịch vụ càng quan trọng. Các ngành chủ yếu trong kinh tế dịch vụ là giao thông vận tải và thông tin liên lạc, thương mại, nghiên cứu và đào tạo, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, văn hóa thể thao…
Kinh tế dịch vụ tham gia vào việc trung chuyển hoạt động kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự gắn kết giữa các hợp phần của hệ thống; thúc đẩy các mối liên hệ liên ngành và liên vùng làm cho giao lưu thông suốt; thúc đẩy sự mở mang kinh tế đối ngoại, tạo sự hòa nhập kinh tế thế giới.