Các nước đang phát triển có số lượng lao động đông đảo, cơ cấu kinh tế nông nghiệp lạc hậu, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, cơ sở hạ tầng yếu kém. Lao động chủ yếu tập trung ở nông thôn tạo nên sức ép việc làm lớn là nguyên nhân của những dòng di chuyển đi tìm việc làm. Các dòng di chuyển chủ yếu là:
* Di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị làm thuê hoặc hành nghề tự do, buôn bán nông sản. Ở thành thị thanh niên chưa việc làm cao nhưng có những việc mà người thành thị cho là thu nhập thấp, nặng nhọc nên họ không làm, trong khi thanh niên nông thôn sẳn sàng nhận. Dòng di chuyển này ngày càng tăng khi diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người ngày càng giảm và việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn chưa phát triển.
* Di chuyển lao động từ vùng đông dân (đồng bằng) tới vùng thưa dân (trung du, miền núi và cao nguyên) để khai phá đất đai, phát triển sản xuất hoặc hành nghề tự do, làm thuê.
* Di chuyển quốc tế từ nước đông lao động sang những nước thiếu lao động có nhu cầu lớn về sử dụng lao động, dưới nhiều hình thức: hợp tác lao động, đi làm thuê…Các luồng di chuyển đó đã góp phần làm giảm sức ép việc làm ở những vùng đông dân của các nước đang phát triển. Việt Nam là một nước nông nghiệp. Song làm giàu từ nông nghiệp, đi lên từ nông thôn từ lâu đã là một bài toán khó cho người nông dân, thậm chí quá khó đến gần như nan giải. Thoát ly khỏi ruộng đồng, đi tìm kế sinh nhai là không phải là hiện tượng mới mẻ đối với nông thôn Việt Nam. Di dân ở Việt Nam là một hiện tượng kinh tế - xã hội mang tính qui luật, di chuyển lao động là một đòi hỏi tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường. Dưới tác động của toàn cầu hoá những khác biệt mức sống, chênh lệch trong thu nhập, cơ hội việc làm, sức ép sinh kế, tiếp cận dịch vụ xã hội giữa các khu vực, vùng miền là các nguyên nhân cơ bản tạo nên các dòng di cư trong và ngoài nước hiện nay. Theo số liệu điều tra của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho thấy, trong tống số 486.500 người di cư năm 2002, số người đến khu vực thành thị chiếm 57%, tiếp đến là luồng di cư nông thôn 30%. Luồng di cư yếu nhất là di cư thành thị - nông thôn 13%. Ở khu vực nông thôn, nữ giới chiếm tỉ trong cao hơn nam giới ở cả hai luồng di cư nông thôn - thành thị 21% so với 18% và nông thôn-nông thôn 16% so với 14%. Điều này chủ yếu do sự phát triển của thị trường lao động tại các thành phố/khu đô thị đã thu hút một lực lượng lớn lao động từ nông thôn ra thành thị.