CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, SỬ DỤNG HỢP LÍ LAO ĐỘNG Ở BẾN TRE
3.3.3.1. Tăng cường công tác tuyên truyền xuất khẩu lao động
Tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân về luật người lao động Việc Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đưa chỉ tiêu xuất khẩu lao động thành một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thành lập ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các các huyện, thị xã, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong tỉnh, kịp thời nắm bắt những vướn mắc khó khăn, ngăn chặn kịp thời và xử lí nghiêm các hành vi vi phạm về xuất khẩu lao động. Lấy địa bàn xã, phường, thị trấn làm cơ sở để tuyển chọn người đi xuất khẩu lao động.
Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tích cực chủ động khai thác tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường trọng điểm: Malayxia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trách nhiệm xây dựng kế hoạch sát với thực tế và số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, tổ chức đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã đăng ký.
Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của Trung Ương phân bổ cho công tác xuất khẩu lao động. Phối hợp với các ngành chức năng đề xuất với Uỷ Ban nhân dân tỉnh xem xét cho hỗ trợ vay vốn đối với các đối tượng ngoài quy định của Ngân Hàng chính sách xã hội Việt Nam. Xem xét đề xuất phương án xử lí vốn vay đối với những rủi ro trong xuất khẩu lao động.
Tỉnh cần xây dựng chính sách cho vay vốn đối với người nghèo nhất là vùng nông thôn tham gia xuất khẩu lao động, tạo cơ hội cho nguwoif nghèo tiếp cận và có việc làm ở ngoài nước, tăng thu nhập góp phần xoá đói giảm nghèo. Có hình thức khen thưởng xứng đáng cho những doanh nghiệp làm tốt công tác mở rộng thị trường xuất khẩu lao động.
* Xây dựng hệ thống thông tin lao động
Tỉnh cần xây dựng một hệ thống thông tin lao động và thị trường lao động, nhằm đảm bảo cung cấp một cách đầy đủ, kịp thời và có độ tin cậy về nhu cầu sử dụng lao động. Các thông tin cần thiết về lao động có thể nhận dạng và đánh giá hoạt động của thị trường lao động theo không gian và thời gian xác định. Thông tin về thị trường lao động được cung cấp từ hệ thống là cơ sở thực tiễn để hoạch định chính sách, cơ quan quản lí nhà nước các cấp, xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển đúng hướng góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ hơn.
*Xây dựng sàn giao dịch việc làm
Xây dựng sàn giao dịch việc làm và đưa sàn giao dịch vào hoạt động, tỉnh cần phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng và sự hỗ trợ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm của Trung Ương, bố trí mặt bằng xây dựng, tổ chức biên chế hoạt động cấp kinh phí hoạt động, tốt nhất là giao cho trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh quản lí để thuận tiện hoạt động cũng như tận dụng những cơ sở vật chất hiện có. Để có những thông tin về lao động và thị trường lao động thật nhiều, đa dạng và hữu ích, cần duy trì hoạt động thường xuyên của sàn giao dịch, cập nhật thông tin thường xuyên của các doanh nghiệp, thị trường lao động, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người lao động cũng như các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó tỉnh cần có chính sách tạo điều kiện cho lao động Bến Tre có việc làm ở tỉnh khác.
*Xây dựng chính sách thu hút nhân tài
Xây dựng chính sách thu hút “chất xám”, khuyến khích những người có trình độ kỹ thuật cao và các nhà đầu tư đến tỉnh định cư bằng cách trả lương cao, hỗ trợ nhà ở, tạo điều kiện làm việc thoải mái để thu hút nhân tài trong và ngoài nước đến phục vụ tại tỉnh Bến Tre. Bên cạnh đó cũng có chính sách khuyến khích lao động có tay nghề và có trình độ chuyên môn kỹ thuật đến vùng sâu công tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn.
*Hoàn thiện tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ quản lí về lao động
Hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lí lao động ở các cấp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác quản lí lao động ở tỉnh Bến Tre.
Sắp xếp lại hệ thống các cơ quan làm công tác quản lí lao động, với chức năng nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng tránh chồng chéo và trùng lắp. Tăng cường về cả số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lí lao động ở các huyện và thành phố nhất là ở cấp cơ sở. Tăng cường trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lí lao động. Đánh giá, chọn lọc lại cán bộ quản lí nhà nước về lao động việc làm. Đảm bảo bố trí cán bộ quản lí lao động việc làm phải có trình độ trung cấp trở lên.
Tiểu kết chương 3
Từ quan điểm chiến lược phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bến Tre, từ kết quả dự báo về dân sô, nguồn lao động của tỉnh, luận văn đã đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng và sử dụng hợp lí lao động ở Bến Tre. Do đặc điểm của lao động Bến Tre hiện nay còn yếu về chất lượng. Vì vậy vấn đề nâng cao chất lượng lao động là vấn đề đáng quan tâm nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế để phát triển kinh tế một cách toàn diện hơn trong tương lai.
KẾT LUẬN
Nguồn lao động và sử dụng lao động là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu hiện nay đối với cả nước nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Thực tế nghiên cứu vấn đề sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh cho thấy, vấn đề sử dụng lao động là một vấn đề mang tính tổng hợp có liên quan tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở Bến Tre thì chúng lại càng tác động với nhau mạnh mẽ hơn. Vì vậy nguồn lao động và sử dụng lao động không chỉ giới hạn trong phạm vi trách nhiệm của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở dạy nghề mà còn là trách nhiệm của các cấp các ngành và của toàn xã hội.
Qua nghiên cứu luận văn đã đạt được những kết quả:
Từ thực trạng nguồn lao động và sử dụng lao động tỉnh Bến Tre, cho thấy:
- Tỉnh có nguồn lao động dồi dào là một thuận lơi lớn cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là cung cấp lao động cho các ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh hiện nay. Tuy nhiên đây cũng là áp lực lớn cho việc giải quyết việc làm nhằm tạo thu nhập ổn định cho người lao động.
- Chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kĩ thuật, cơ cấu lao động đang làm việc còn mất cân đối, nhất là giữa thành thị và nông thôn.
Trên cơ sở đó luận văn đã đưa ra dự báo nguồn lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong những năm tới để có giải pháp phù hợp cho sự phát triển nguồn lao động và sử dụng lao động trong tương lai. Luận văn đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động và sử dụng hợp lí lao động tỉnh Bến Tre.
Những hạn chế của luận văn:
Tài liệu thống kê chưa đồng bộ gây khó khăn cho việc dự báo và phân tích các yếu tố của nguồn lao động và sử dụng nguồn lao động. Đây là vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp liên quan đến nhiều yếu tố, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên rất khó khăn phân tích và dự báo, đôi khi sự phân tích chỉ mang tính định tính.
Nguồn lao động và sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Bến Tre là vấn đề phức tạp và có tác động đến nhiều người, do đó cần phải có sự quyết tâm cao và sự đồng thuận của các
cấp các ngành, các doanh nghiệp và tất cả mọi người. Với sự nghiên cứu nguồn lao động và sử dụng nguồn lao động chúng tôi hy vọng rút ra được những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế Bến Tre theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.