CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG Ở BẾN TRE
2.2.3.5. Thị trường tiêu thụ
* Mở rộng và phát triển thị trường nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản xuất và đời sống, chú trọng phát triển thị trường ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. mạng lưới thương nghiệp bán buôn và bán lẻ trên toàn tỉnh được phát triển hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2009 là 12.523,7 tỉ đồng tăng hơn 9,5 tỉ so với năm 2000 chỉ có 3.023 tỉ đồng.
* Phát triển thị trường ngoài nước theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đa phương hóa thị trường, nhưng có sự lựa chọn một số mặt hàng chủ lực và thị trường trọng điểm, tăng cường xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến và chế biến tinh. Chú trọng nhập khẩu để đổi mới công nghệ, thông qua nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu.
+ Phát triển xuất khẩu: để đẩy mạnh xuất khẩu cần đẩy mạnh xuất những sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: mặt hàng thủy sản, sản phẩm từ cây dừa, ca cao, mía, gạo bên cạnh chú trọng số lượng thì mặt chất lượng cũng là điều rất đáng được quan tâm. Về lâu dài tỉnh cần phải có kế hoạch hợp tác sản xuất với nước ngoài, các thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.. và các tỉnh lân cận để hiện đại hóa các ngành công nghiệp chế biến nhằm có thêm nhiều thị trường có uy tính hơn nữa.
+ Nhập khẩu: các ngành hàng nhập khẩu được xác định trên cơ sở phục vụ cho các ngành sản xuất đã được định hướng để sản xuất hàng xuất khẩu và sản xuất hàng tiêu dùng nội địa. Các ngành hàng nhập khẩu chủ yếu bao gồm: Dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến hiện đại. Thiết bị, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhập hàng tiêu dùng thiết yếu mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ.
2.2.3.6. Giáo dục
Hệ thống giáo dục đào tạo của tỉnh ngày càng được hoàn thiện dần với đủ các ngành học, bậc học từ mầm non, phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp; với nhiều hình thức giáo dục: công lập, bán công, dân lập; nhiều cơ sở trường học kiên cố được xây dựng ngày càng đáp ứng được nhu cầu học tập và nâng cao trình độ của xã hội. Năm 2009 số trường học mẫu giáo là 134 trường, 358 trường phổ thông, có 10.875 giáo viên phổ thông và 210.346 học sinh trung học. Hiện nay tỉnh đang chú trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập theo hướng phát huy khả năng sáng tạo và độc lập suy nghĩ của học sinh, sinh viên; xây dựng đạo đức trong nhà trường, ngăn chặn tình trạng gian dối, chạy theo thành tích. Tiếp tục
củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học, hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở vào cuối năm 2006, tích cực thực hiện phổ cập trình độ Trung học; Năm 2010 Thành phố Bến Tre đã hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học; mở rộng qui mô giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh việc thành lập Trung tâm học tập cộng đồng xã. Xây dựng dự án và chuẩn bị các điều kiện thành lập trường Đại học Bến Tre để đào tạo thêm nguồn nhân lực cho địa phương, tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập cao hơn. Đẩy mạnh liên kết, liên thông trong đào tạo, kể cả liên kết đào tạo đại học chính quy và liên kết đào tạo với các trường quốc tế, nâng số sinh viên đạt 100 sinh viên trên 1 vạn dân trở lên. Phấn đấu trẻ em trong độ tuổi đều được đi học, giảm tối đa tỉ lệ học sinh bỏ học ở bậc trung học; tăng tỉ lệ học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng.
Thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Đẩy mạnh kiên cố hoá trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường. Xây dựng 40% trường tiểu học, 20% trường trung học cơ sở và 20% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Đến hết năm 2010, các trường đều được nâng cấp, xây dựng mới, đảm bảo điều kiện học tập. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, xem đây là giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục - đào tạo. Khuyến khích thành lập các trường ngoài công lập đối với mọi cấp học, bậc học; mở rộng giáo dục Mầm non ở các vùng dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp, làng nghề; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên nước ngoài học tập; khuyến khích phát triển các quỹ khuyến học để đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên, thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng cho học sinh nghèo, các đối tượng chính sách và học sinh giỏi; thực hiện tốt công tác đào tạo đào tạo nghề với qui mô, cơ cấu, bậc học phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và cho xuất khẩu lao động.