CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG Ở BẾN TRE
2.5.1. Lao động – việc làm
Bến Tre là tỉnh có nguồn lao động dồi dào (đứng thứ 7 ở Đồng bằng sông Cửu Long), người lao động có truyền thống hiếu học, có tinh thần cách mạng, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất. Điều này sẽ tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế đa dạng trong tương lai.
Trong những năm qua mặc dù tỉ lệ gia tăng dân số của tỉnh thấp hơn so với Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nhưng vẫn gây khó khăn cho công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Thực trạng sử dụng lao động trên địa bàn cho thấy tổng việc làm của nền kinh tế tăng nhưng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể giai đoạn 2000 - 2009 GDP tăng 120%, việc làm tăng 2,66%. Hệ số co giãn việc làm trong GDP ở mức rất thấp 0,02% (tức là khi GDP tăng thêm 1% thì việc làm chỉ tăng 0,02%) điều này có nghĩa là tăng trưởng chưa tạo ra nhiều việc làm đem lại lợi ích cho người lao động.
Nguồn lao động dồi dào nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thiếu lao động. Sự khan hiếm tập trung ở lao động có kĩ thuật, kinh nghiệm làm việc, có khả năng nắm những vị trí chủ chốt. Trong khi đó số lượng lớn lao động giản đơn gây nên tình trạng cung lớn hơn cầu. Lao động chủ yếu là lao động nông thôn ít qua đào tạo. Tỉ lệ lao động qua đào tạo rất thấp so với mức bình quân của cả nước, vì vậy Bến Tre gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp lao động sử dụng cho các ngành nghề có công nghệ tiên tiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất. Trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, các khu công nghiệp hình thành nhưng số lao động trong tỉnh có trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp không nhiều. Năm 2009 trình độ đai học, cao đẳng chỉ chiếm 3%, trung học chuyên nghiệp chiếm 5,45%, lao động phổ thông chiếm 50%, những người không bằng và chứng chỉ nghề chiếm 20%.
Mặc dù thời gian qua tỉnh có nhiều nỗ lực trong hoạt động triển khai chương trình phát triển kinh tế xã hội tạo việc làm tích cực tham gia xóa đói giàm nghèo đạt được kết quả khá cao. Tuy nhiên khả năng tạo, mở chỗ làm mới và tạo thêm việc làm mới của nền kinh tế còn hạn chế so với nhu cầu, sự chuyển dịch cơ cấu lao động chuyển biến chậm, số lượng và qui mô doanh nghiệp nhỏ (toàn tỉnh có khoảng 1.751 doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần), sử dụng ít lao động (trung bình 8 đến 10 lao động trên một doanh nghiệp, có trên 30.000 cơ sở, hộ cá thể sản xuất kinh doanh đã sử dụng khoảng
65.000 lao động). Như vậy số lượng cung lao động vẫn còn thừa so với nhu cầu lao động dẫn đến tình trạng thất nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra.